TheoAFP, Tổng thống Pháp Francois Hollande và các thành viên Nội các đã có mặt cùng các sinh viên Đại học Sorbonne, Paris tham gia lễ mặc niệm.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và các thành viên Nội các dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. Ảnh AFP |
Tại Cung Cộng hòa gần nơi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 13/11, hàng trăm người yên lặng tưởng nhớ những người đã thiệt mạng. Một đám đông khác cũng tập trung bên ngoài Nhà hát Bataclan và các quán bar và nhà hàng cạnh đó, nơi hầu hết những nạn nhân phải bỏ mạng.
Ngay trước cửa ra vào chính tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 7 lãnh đạo của châu Âu gồm Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Tổng thống Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân.
Tại New York, hàng trăm người đã tập trung tại Khu tưởng niệm 11/9. Họ cầm theo những lá cờ Pháp và những bông hoa hồng để tham gia lễ tưởng niệm.
Các du khách Pháp cùng những người Mỹ đã tụ tập xung quanh “Cây sinh tồn”- được lấy trong đống đổ nát của Tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế và chăm sóc kỹ lưỡng rồi trồng lại trên nền tòa nhà của như một biểu tượng của sự sinh tồn- để cùng hát vang quốc ca Pháp.
Du khách đến New York đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris tại Khu tưởng niệm 11/9. Ảnh AFP |
15 đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân được cho là đến từ 19 quốc gia khác nhau.
Trong khi đó, các cầu thủ tham gia trận giao hữu bóng đá giữa Pháp và Anh diễn ra ngày 17/11 sẽ dành thời gian tập luyện trên sân Enfield phía Bắc London để tổ chức một lễ tưởng niệm.
Bên ngoài Thánh đường St Paul ở London, các du khách và những người đi ngang qua đây đều dừng chân mặc niệm những nạn nhân vụ khủng bố tại Pháp. Hàng trăm người cũng tụ tập tại Quảng trường Trafalgar cũng thực hiện nghi lễ này.
Rất nhiều người mang những tấm biển mang dòng chữ: “Chúng tôi là Paris” hay “Đứng lên chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu”. Trong khi đó, một phụ nữ hát những bài hát của Edith Piaf cầu an.
Ngay sau lễ mặc niệm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO luôn “kề vai với Chính phủ và người dân Pháp trong quyết tâm sắt đá để đối phó với những mối đe dọa khủng bố”.
Tại Madrid, nơi xảy ra vụ đánh bom kinh hoàng khiến 191 người thiệt mạng vào tháng 3/2004, các nghị sĩ nước này đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Paris ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Tây Ban Nha trong tiếng kèn Trumpete của bản nhạc Marseillaise- Quốc ca Pháp.
Tại ga Atocha, nơi xảy ra vụ đánh bom năm 2004, khoảng 50 tụ tập làm lễ tưởng niệm. Trong khi đó, 300 người khác cũng tham gia lễ tưởng niệm tại Tòa Thị chính thành phố.
Hàng trăm người cũng đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Pháp tại Berlin (Đức) gần Cổng Brandenburg để bày tỏ niềm thương tiếc.
Đám đông người đặt hoa trước cổng Đại sứ quán Pháp gần Cổng Brandenburg (Đức) để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. Ảnh Reuters |
Tại Quảng trường Dam ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan), hàng trăm người cũng tham gia lễ tưởng niệm. Trong khi đó, tại La Hay, Quốc hội Hà Lan quyết định treo cờ rủ.
Tại Rome hàng trăm thanh niên đã tập trung tại Rome. Họ nắm chặt tay nhau và gạt nước mắt khi một nhạc công chơi bài "La Vie en Rose" bằng đàn Accordion.
Nhiều người tại Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch cũng dành một phút mặc niệm.
Tại châu Phi, khoảng 500 đã tham gia buổi mặc niệm tại một trường học của Pháp ở Cộng hòa Congo. Thủ tướng nước này Daniel Kablan Duncan và các quan chức Chính phủ đã tham dự lễ tưởng niệm tại Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Abidjan.
“Đây là một thảm kịch kinh hoàng”, ông Duncan nói: “Người dân Pháp là bạn của chúng tôi và khi bạn mình trải qua nỗi đau, bạn không thể không cảm nhận nỗi đau đó của họ”.
Đại sứ quán Pháp tại Riga, Latvia treo cờ rú. Ảnh AFP |
Đại sứ quán Pháp tại Vienna (Áo), Praha (Séc), Havana (Cuba), Kabul (Afghanistan) và Mexico City (Mexico) cùng các trường học của Pháp tại Ouagadougou (Burkina Faso) và Rio de Janeiro (Brazil) cũng tổ chức lễ tưởng niệm.
“Chúng tôi quyết định tham gia lễ tưởng niệm cùng các con của mình để chia sẻ sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Paris. Paris là thành phố mà tôi rất yêu mến”, anh Pablo Libreros, 37 tuổi, sống ở Rio de Janeiro chia sẻ.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta đi cùng nhau và thể hiện rằng chúng ta không sợ hãi”, anh Libreros nói./.