Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, và Mỹ đã nhất trí “về nguyên tắc” sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào thời điểm gần 70 năm sau khi các bên tham chiến ký kết Hiệp đình đình chiến (chứ không phải Hòa ước), theo tuyên bố mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tuy nhiên, Tổng thống Moon thừa nhận rằng các cuộc đàm phán về cuộc chiến này vẫn chưa tiến triển do Triều Tiên phản đối “sự thù địch từ phía Mỹ” vẫn còn hiện nay.
Theo ông Moon, phía Triều Tiên coi chuyện chấm dứt thù địch từ phía Mỹ là điều kiện tiên quyết cho thương lượng về việc ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh.
Tổng thống Hàn Quốc cho rằng việc chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn “thiếu ổn định” là quan trọng, và rằng một tuyên bố hòa bình sẽ cải thiện triển vọng tạo đột phá liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Chỉ vài tiếng sau các phát biểu lạc quan của Tổng thống Moon khi ông ở thăm Canada hôm 13/12, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cho biết, một tuyên bố hòa bình như trên có thể là “bước ngơặt cho giai đoạn hòa bình mới”. Ông này hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề xuất của Hàn Quốc về đối thoại.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Lee cho rằng “Triều Tiên dường như ngày càng có thái độ cởi mở hơn về đối thoại so với trước đây”.
Theo ông Lee, mặc dù Triều Tiên gần đây phóng nhiều tên lửa tầm ngắn, nước này đã không gia tăng căng thẳng lên cấp độ cao để làm cho tình hình xấu đi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lấy việc tương tác giao lưu với Triều Tiên là trọng điểm trong chính quyền của mình. Ông thúc đẩy sự ra đời của một hòa ước trước khi nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc vào mùa xuân 2022.
Trước đó, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2021, Tổng thống Moon đã kêu gọi chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, đến mức mà bà Kim Yo Jong - em gái của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã phải mô tả sáng kiến của ông Moon là một “ý tưởng thú vị và tốt đẹp”.
Giới chức Trung Quốc được cho là đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này của ông Moon. Trong khi đó, người ta cho hay, Hàn Quốc và Mỹ đang trong giai đoạn cuối soạn thảo bản tuyên bố về chấm dứt chiến tranh.
Thế nhưng Triều Tiên đã chỉ ra rằng họ sẽ không tham gia đàm phán về chính thức chấm dứt xung đột chừng nào Mỹ vẫn duy trì quan điểm thù địch, ám chỉ việc 28.500 lính Mỹ vẫn hiện diện trên lãnh thổ Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng coi là diễn tập xâm lược.
Tại Hàn Quốc và Mỹ, dư luận vẫn chia rẽ về việc có nên ký một hòa ước chính thức hay không trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thách thức các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Những người ủng hộ thì nhất trí với ông Moon rằng hòa ước đó sẽ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và khuyến khích Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân đã bị ngưng trệ. Người phản đối thì cho rằng điều này sẽ khiến Triều Tiên thêm khiêu khích và đe dọa sự hiện diện của quân Mỹ ở Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc đã bày tỏ thiện chí khi Tổng thống Moon cho hay, chính phủ của ông “không xem xét tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh”. Chuyên gia Shin Beom-chul – giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng ông Moon muốn thông qua Thế vận hội Bắc Kinh để tìm kiếm đối thoại ở cấp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Mặc dầu vậy, nhiều chuyên gia ở Seoul cho rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh chỉ mang tính biểu tượng./.