Điều kiện để trao đổi với Mỹ
Reuters dẫn 2 nguồn tin thân cận với các cơ quan chính sách đối ngoại Nga cho biết, việc Tổng thống Vladimir Putin đưa quân đến gần biên giới Ukraine là một phần nỗ lực của Nga nhằm vạch ra và đảm bảo các điều kiện trong cuộc họp Thượng đỉnh có thể sẽ diễn ra với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một mục đích lớn nữa của Nga là gửi đi tín hiệu rằng, phương Tây nên dừng hỗ trợ Ukraine nâng cấp khả năng quân sự và rằng, Kiev nên tránh leo thang căng thẳng với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Các quan chức Mỹ, NATO và Ukraine đã dấy lên cảnh báo trong những tuần gần đây về diễn biến mà họ cho là các hoạt động bất thường của quân đội Nga gần Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước láng giềng này. Dù vậy, những cáo buộc trên đã bị phía Nga bác bỏ.
Hiện vẫn chưa rõ tính toán của Nga là gì trong khi căng thẳng giữa các bên leo thang với việc Ukraine, Nga và NATO đều đang tiến hành tập trận quân sự. Gần đây, Nga cũng cáo buộc Mỹ diễn tập tấn công hạt nhân nhằm vào Nga.
Trong khi ván cược Ukraine của Tổng thống Putin có nhiều mục tiêu khác nhau và nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự là không thể bỏ qua, một trong những ưu tiên của Moscow là thu hút sự chú ý của Tổng thống Biden và khiến nhà lãnh đạo Mỹ đồng ý tiến hành một Hội nghị Thượng đỉnh mới - nơi mà ông và Tổng thống Putin có thể giải quyết những mối lo ngại của Nga về vấn đề Ukraine, 2 nguồn thạo tin trên cho hay.
"Tổng thống Putin cần một Hội nghị Thượng đỉnh nữa với ông Biden", Andrey Kortunov, người đứng đầu RIAC - một tổ chức nghiên cứu về chính sách đối ngoại ở Moscow nhận định.
"Dường như Tổng thống Putin tin rằng, châu Âu không thể hành động gì nhiều nếu không có Mỹ và Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các giải pháp cho an ninh châu Âu thay mặt liên minh phương Tây", chuyên gia này bình luận.
Nga không muốn bị Mỹ phớt lờ
Tổng thống Putin cho biết ông lo ngại về sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và NATO cho Ukraine cũng như việc liên minh quân sự này đang mở rộng ảnh hưởng về phía đông.
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định ông muốn phương Tây đảm bảo rằng Kiev sẽ không leo thang căng thẳng ở Donbass, miền đông Ukraine.
Kiev muốn giành lại vùng lãnh thổ này nhưng vẫn khẳng định sẽ tập trung vào phòng thủ và không có ý định tấn công. Ukraine cũng cáo buộc Nga đang lên kế hoạch cho những hành động gây hấn mới.
Điện Kremlin cho biết, các cuộc thảo luận trong "hậu trường" với Nhà Trắng đang diễn ra để bàn bạc về một cuộc gặp nữa giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden. Trang báo Kommersant của Nga đưa tin vào tháng này rằng, Hội nghị Thượng đỉnh trên có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2022.
"Có một sự nhất trí chung rằng cuộc gặp này là cần thiết và cuộc trao đổi giữa 2 tổng thống nên được tiếp tục", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết bà không có thông tin về bất kỳ kế hoạch nào cho cuộc gặp Thượng đỉnh này dù Washington đang thảo luận với các quan chức Nga về vấn đề Ukaine.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/11 cũng từ chối trao đổi về việc Tổng thống Putin tăng cường lực lượng gần Ukraine để đảm bảo cho một cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ mới. Một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Mỹ thì cho biết, hiện chưa có gì để bình luận về các cuộc trao đổi trong tương lai giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden.
"Ngoại giao là cách duy nhất để thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột ở Donbass. Một bước đi đầu tiên cần thiết là khôi phục lệnh ngừng bắn đã đạt được hồi tháng 7/2020 để giảm tình trạng bạo lực", quan chức này đánh giá.
Lằn ranh đỏ mới Nga vạch ra với phương Tây
Trong bài phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Putin khẳng định, Nga không mong muốn chiến tranh, song cho biết lập trường của Nga ở Đông Âu là các nước không thể phớt lờ những lằn ranh đỏ của Moscow.
“Những cảnh báo gần đây của chúng tôi đã được chú ý và có tác dụng nhất định. Dù sao thì căng thẳng đã gia tăng. Tuy nhiên, việc duy trì tình thế này là điều quan trọng để không ai có thể gây ra xung đột ở biên giới phía Tây của chúng tôi”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga sau đó yêu cầu Ngoại trưởng Sergei Lavrov thúc đẩy sự đảm bảo dài hạn từ phương Tây nhằm đảm bảo an ninh của Nga.
Trong những năm qua, lằn ranh đỏ của Nga là ngăn cản Ukraine đạt được tham vọng gia nhập NATO dù nỗ lực này của Kiev vẫn còn một chặng đường dài. Tuy nhiên, ông Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao Nga tại Mỹ, người hiện là một chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận định, những hình thức ủng hộ khác của phương Tây với Ukraine đã khiến Nga có những lo ngại mới.
Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng và đạn dược Ukraine, Anh hỗ trợ hải quân Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ vừa bán các máy bay không người lái cho nước này.
"Những lằn ranh đỏ của Nga đã thay đổi. Đó không chỉ là việc Ukraine gia nhập NATO nữa. Việc NATO tăng cường hiện diện ở Ukraine đã trở thành một lằn ranh đỏ mới", ông Frolov cho hay.
Nhà quan sát Kortunov bình luận, Nga hiện muốn một cấu trúc an ninh châu Âu mới, nơi mà không có quyết định nào ảnh hưởng hưởng đến an ninh của Nga được đưa ra mà không có sự tham gia của Nga./.