Mỹ và các thành viên khác trong khối NATO có đủ năng lực viện trợ quân sự cho Ukraine trong một xung đột ngắn. Nhưng khi chiến sự kéo dài, điều này sẽ trở nên khó khăn vì thiếu hụt trang thiết bị do kho vũ khí đang dần cạn kiệt và phải mất rất nhiều thời gian để lấp đầy. Mặc dù từng có tiền lệ thúc đẩy đạo luật tăng cường sản xuất vũ khí để cung cấp cho các đối tác và đồng minh từ Thế chiến 2, song ở thời điểm hiện tại Mỹ khó có khả năng áp dụng một đạo luật tương tự.

Đã có những ý kiến cho rằng, Mỹ và NATO nên suy nghĩ về cách thức chấm dứt chiến tranh ở Ukraine thay vì cố theo đuổi chính sách “buộc Nga phải trả giá”.

Tiêu hao nguồn lực cho xung đột Ukraine

Năm 1939, chính quyền Tổng thống Mỹ Roosevelt, được sự ủng hộ của Quốc hội, đã thông qua Đạo luật Huy Động sự Bảo vệ, dẫn đến việc thành lập Cơ quan Sản xuất Thời chiến, Văn phòng Quản lý Sản xuất và huy động ngành công nghiệp Mỹ tham gia cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã.

Năm 1941, Tổng thống Roosevelt đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia không giới hạn, trao quyền cho chính phủ chuyển từ sản xuất công nghiệp sang sản xuất phục vụ cho các yêu cầu quân sự. Từ năm 1940 đến 1945, Mỹ đã cung cấp gần 2/3 tổng số vật tư chiến tranh cho cho các lực lượng của nước này và đồng minh, sản xuất khoảng 297.000 máy bay, 193.000 khẩu pháo (tất cả các loại) và 86.000 xe tăng (hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng).

Nhưng hiện tại, Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu phải đối mặt với rủi ro vì họ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung trang thiết bị công nghệ cao từ châu Á. Sự gián đoạn nguồn cung do dịch Covid-19 và do cuộc xung đột Ukraine khiến những quốc gia này bị thiếu hụt linh kiện. 

Hoạt động mua sắm quốc phòng của Mỹ và châu Âu diễn ra theo từng đợt, không liên tục. Kinh phí chỉ được phân bổ để mua một số lượng trang thiết bị quốc phòng nhất định. Khi hợp đồng được hoàn thành và không có thỏa thuận mua bán tiếp theo thì dây chuyền sản xuất sẽ ngừng hoạt động, các nhà cung cấp linh kiện thứ cấp cũng ngừng sản xuất để chuyển sang các dự án khác, trong một số trường hợp, thậm chí ngừng kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu như trong tương lai có đơn đặt hàng mới, mạng lưới nhà cung cấp và dây chuyển sản xuất sẽ phải vận hành lại từ đầu. Ngoài sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, còn có nguy cơ thiếu hụt công nhân hoặc kỹ sư nhà máy có tay nghề cao.

Đô đốc Tony Radkin – người đứng đầu lực lượng vũ trang của Anh cho biết “năng lực sản xuất để lấp đầy kho vũ khí” đã trở thành “một vấn đề quan trọng" vì tỷ lệ sử dụng vũ khí ở Ukraine rất lớn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraine.

Phát biểu trước Ủy ban Quốc tế và Quốc phòng của Hạ viện Anh, ông Tony Radkin nêu rõ: “Chúng ta đang nói về quãng thời gian kéo dài nhiều năm, bởi vì bạn không thể xây dựng nhanh chóng một dây chuyền sản xuất vũ khí hiện đại trong một sớm một chiều. Bạn có thể tăng cường sản xuất đạn pháo ở cấp độ đơn giản. Nhưng với những vũ khí phức tạp hơn chẳng hạn như vũ khí chống tăng NLAW thì sẽ phải mất vài năm để trở lại nguồn dự trữ ban đầu”.

Trong một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua thời gian gần đây nhằm hỗ trợ Ukraine, Washington đã phân bổ thêm 9 tỷ USD để thay thế kho vũ khí dự trữ cho chiến tranh của Mỹ, điều này cho thấy, việc gia tăng chi phí sản xuất và lạm phát đã khiến giá thành mua vũ khí tăng gấp đôi. Raytheon đã nhận hợp đồng mới trị giá 643 triệu USD để tái cung cấp tên lửa Stinger nhưng công ty này cho biết họ chưa thể bắt tay vào sản xuất trước năm 2023.

Tại Mỹ, các công ty quốc phòng lớn như Raytheon và Lockheed đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tiếp tế cho quân đội. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1/3 kho dự trữ tên lửa Stinger và Javelin. Khi giao tranh tiếp tục, nhiều khả năng Washington sẽ phải dùng tới một nửa kho dự trữ những vũ khí này.

Trong bối cảnh Washington tăng cường “bơm” vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhiều hạng mục quân sự quan trọng của nước này đang bị ảnh hưởng. Ngoài tên lửa Stingers và Javelin, Mỹ đã chuyển giao 8 lựu pháo M777 và 36.000 viên đạn cỡ 155 mm, 2 Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon, hàng nghìn bộ kính ngắm ban đêm, cũng như một số lượng lớn máy ảnh hồng ngoại, hàng nghìn radio an ninh, 700 máy bay không người lái Switchblade, 75.000 bộ áo giáp cùng mũ bảo hiểm Kevlar, thiết bị phòng thủ vũ khí hóa học và sinh học... Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua gói hỗ trợ hỗ trợ quân sự và nhân đạo bổ sung cho Ukraine trị giá 14 tỷ USD. 

2 mối nguy hiểm lớn đối với Mỹ và đồng minh trong NATO

Mỹ và NATO có thể không có đủ thiết bị trong kho vũ khí để theo kịp tốc độ hỗ trợ Ukraine nếu xung đột tiếp tục kéo dài, ngay cả khi các công ty quốc phòng tăng cường sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng. Nếu chiến tranh lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine, NATO có thể phải đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên với lượng vũ khí ít ỏi.

Không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu vũ khí sẽ được khắc phục trong vài năm tới, ngay cả khi NATO quyết tâm lấp đầy kho dự trữ. Chính phủ một số nước châu Âu đang nhận thấy sự cấp thiết phải đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng nhưng việc sản xuất vũ khí ở châu Âu vẫn diễn ra rất chậm chạp. Chưa kể sự gián đoạn nguồn cung, nếu không được khắc phục, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vũ khí.

Nguy cơ thứ 2 là nếu xung đột nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên hoặc ở điểm nóng Đài Loan thì điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn mà Mỹ khó có thể đương đầu được. Hiện đã có tình trạng thiếu hụt khí tài quân sự nghiêm trọng đối vói các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phiên bản sửa đổi của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng thường niên mà Hạ viện Mỹ đề xuất có điều khoản về dự trữ vũ khí quan trọng và thiết lập một chương trình thí điểm để khuyến khích các nhà thầu phụ tham gia sản xuất. Tại Washington, đây được coi là “hoạt động không được cấp kinh phí ” bởi yêu cầu về huy động sản xuất công nghiệp quốc phòng không được kết hợp với cam kết tài trợ lâu dài. Đề xuất của Hạ viện, do đó chỉ là kế hoạch trên giấy.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như chưa tính đến rủi ro lớn mà họ phải đối mặt khi thúc đẩy một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine, có nguy cơ lan rộng tới các nước Đông Âu. Họ có lẽ cho rằng, Nga đã chịu tổn thất về người và của không hề nhỏ do xung đột. Điều đó kết hợp với sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine sẽ khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn, bất lợi.

Nhưng cả Mỹ và châu Âu đều không thể đoán định được mức độ tổn thất cũng như tiềm lực quân sự của Nga. Xung đột lan rộng có thể nhanh chóng tiêu hao các nguồn lực của NATO và một cuộc chiến tranh thiên về sử dụng pháo hạng nặng sẽ tàn phá châu Âu. Chưa kể, nếu bị gây sức ép quá lớn, quân đội Nga có thể tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật – điều mà các chính trị gia nước này đang cảnh báo phương Tây. Đây là một lý do khác buộc Mỹ và đồng minh phải xem lại chính sách “làm suy yếu” Nga bởi chính sách này có nguy cơ đẩy xung đột Nga-Ukraine lên mức cao chưa từng có và làm gia tăng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân./.