Bất chấp những nhận định của giới truyền thông về cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk diễn ra hôm qua (25/8) tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới ngay sau đó, ông Johnson đã có nhận định được xem là bi quan về thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu.

Nhận định của Thủ tướng Anh phần nào cho thấy, nhiều khả năng Anh và Liên minh châu Âu sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận Brexit ổn thỏa trong bối cảnh chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa, nước Anh sẽ chính thức rời khỏi “Ngôi nhà chung”.

brexit_nggd.jpg
Nước Anh đang đứng trước tương lai đầy bất ổn. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Anh hôm qua (25/8) đã nói rằng, cơ hội để Anh và Liên minh châu Âu có được thỏa thuận Brexit gần như không chắc chắn. Tất cả mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác Liên minh châu Âu. Ông Johnson nói:

“Tôi cho rằng, mọi thứ đều diễn ra không chắn chắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải sẵn sàng cho kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận nào.”

Tuyên bố này được cho là đi ngược lại với nhận định được ông đưa ra trước đó ít giờ có nói rằng, khả năng Anh và Liên minh châu Âu không đạt thỏa thuận Brexit chỉ là 1 phần 1 triệu và nó cũng không như những gì giới truyền thông phản ánh về kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh và Chủ tịch Hội đồng châu Âu diễn ra ít giờ trước đó.

Theo nhận định của bình luận viên về các vấn đề châu Âu thuộc hãng tin BBC Katya Adler, cuộc gặp giữa chủ tịch Hội đồng châu Âu và ông Johnson -  người được mệnh danh là “quý ông không thỏa thuận” – diễn ra trong bầu không khí hết sức tích cực. Ông Tusk đã nói với Thủ tướng Anh rằng, Liên minh châu Âu vẫn để ngỏ các giải pháp đối với vấn đề “chốt chặn” – bất đồng chính giữa Anh và Liên minh châu Âu liên quan thỏa thuận Brexit cho đến nay.

Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Tusk nhấn mạnh quan điểm của Liên minh châu Âu rằng, bất cứ sự thay đổi nào đối với vấn đề chốt chặn cũng cần phải “thực tế” và có “tính thực tiễn ngay lập tức”. Cuộc gặp nhìn chung chỉ là sự giãi bày quan điểm mà hai bên đã biết và phía Anh cũng hy vọng về sự xuất hiện của những thành tố mới giúp phá vỡ bế tắc cho tình hình Brexit hiện nay. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhau để bàn về vấn đề Brexit tại New York, Mỹ tới đây.

Ông Donald Tusk nói: “Tôi vẫn hy vọng, Thủ tướng Anh Johnson sẽ không đi vào lịch sử với cái tên gọi “Quý ông không thỏa thuận”. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe các ý tưởng nếu đó là ý tưởng thực tế có tính thực tiễn và được các bên chấp nhận.”

Về phần mình, ông Johnson cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận về Brexit với Liên minh châu Âu và cho rằng, Liên minh châu Âu hiểu rõ, hai bên vẫn còn cơ hội đạt thỏa thuận.

Điều khoản “chốt chặn” là đề xuất của Liên minh châu Âu, đã được Anh và Liên minh châu Âu đưa vào thỏa thuận Brexit ký kết hồi tháng 11/2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan giữa vùng Bắc Ireland, thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, điều khoản này buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của Liên minh châu Âu cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế và là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit kể trên không được Quốc hội Anh ủng hộ, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc, buộc cựu Thủ tướng Theresa May phải xin gia hạn Brexit 2 lần trước khi từ chức. Tân Thủ tướng Anh Johnson đã nhiều lần kêu gọi Liên minh châu Âu loại bỏ điều khoản này, song khối này vẫn giữ quan điểm ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại và từ chối đàm phán lại.

Giới phân tích nhận định, từ nay đến ngày 31/10 tới – thời hạn nước Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu sẽ chỉ còn khoảng 2 tháng. Đây được xem là một khoảng thời gian khá ngắn để có thể xoay chuyển tình hình khi mà người tiền nhiệm của ông Johnson đã phải “bó tay” và phải gạt nước mắt ra đi khi nói về vấn đề Brexit.

Trong một khoảng thời gian ngắn, liệu ông Johnson có thể thay đổi tình hình hay sẽ buộc nước Anh phải lựa chọn ra đi mà không có thỏa thuận nào với đối tác Liên minh châu Âu – như chính biệt danh mà dư luận đặt cho ông: “Ngài không có thỏa thuận”. Hiện chưa rõ mọi việc sẽ xoay chuyển thế nào trong thời gian tới nhưng một điều có thể nhận thấy rằng, những nhận định có phần mâu thuẫn và quan điểm chưa rõ ràng về Brexit của Thủ tướng Anh có thể đẩy tương lai của nước Anh vào thế khó./.