Đây là một phần trong nỗ lực sâu rộng hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga.
Thay khí đốt Nga bằng khí đốt của Mỹ
Theo các nguồn tin trên, sáng kiến mới cũng cho thấy quyết tâm cắt giảm đòn bẩy của của Nga khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và đánh dấu động thái nhằm sắp xếp lại dòng chảy năng lượng của thế giới - một sự chuyển đổi có thể gây ảnh hưởng lâu dài sau khi chiến tranh kết thúc. Trước đó, các quan chức châu Âu đã yêu cầu Mỹ hành động nhiều hơn để giúp họ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ tận dụng các cuộc họp của NATO, G7 và Hội đồng châu Âu trong 2 ngày 24 và 25/3, để công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga cũng như ngăn chặn các nỗ lực giúp Moscow giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt hiện hành. Mỹ và đồng minh châu Âu đã có sự đoàn kết chưa từng có trong 4 tuần qua nhằm đẩy mạnh chiến dịch trừng phạt Nga và cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Washington Post đưa tin, sáng kiến vận chuyển LNG cho châu Âu sẽ được đưa ra vào ngày 24/3 khi ông Biden gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Liên minh châu Âu tại Brussels hôm 23/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, tất cả các nước thành viên EU "có thể đóng góp vào việc giảm sự phụ thuộc châu Âu vào khí đốt của Nga".
Bà Leyen cho biết đây là chủ đề mà bà dự định thảo luận trong cuộc gặp Tổng thống Biden: “Tôi sẽ thảo luận với ông Biden về cách thức vận chuyển LNG từ Mỹ đến EU trong những tháng tới. Chúng tôi đang hướng tới cam kết tăng thêm nguồn cung trong hai mùa Đông tới”.
Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định: “Châu Âu có thể hy vọng Mỹ sẽ tìm cách tăng cường nguồn cung cấp LNG, không chỉ trong vài tháng mà con nhiều năm nữa. Tất nhiên, nguồn cung sẽ gia tăng theo thời gian”. Theo ông Jake Sullivan, việc giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Nga là “ưu tiên lớn” của Mỹ và Washington đang chuyển hướng các chuyến hàng khí đốt để gia tăng nguồn cung cho châu Âu.
Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào việc xuất khẩu khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của khu vực. Riêng tại một số nước Đông Âu, năng lượng của Nga vẫn chiếm từ 70 đến 80% nguồn cung cấp nhiên liệu. Hồi đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga nhưng kế hoạch này vẫn là tham vọng do có rất nhiều thách thức về hậu cần liên quan đến việc đa dạng hóa nguồn năng lượng của châu Âu.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, phải mất nhiều năm nữa, châu Âu mới có thể chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo một cách bền vững. Việc sản xuất LNG (khí thiên nhiên được hóa lỏng nhờ làm lạnh sâu đến âm 160 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất) của Mỹ đã nổi lên như một sự thay thế tiềm năng, nhưng chắc chắn rất khó có đủ LNG đề bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Không dễ thực hiện trong “một sớm một chiều”
Mỹ đã có những khách hàng truyền thống mua lượng LNG hiện có của họ, do vậy có thể không còn nhiều sản lượng dư thừa để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Hơn nữa, không dễ dàng cho Mỹ để mở rộng việc khai thác mặt hàng này. Mặc dù việc khai thác một mỏ khí đốt có thể được thực hiện trong vòng vài tuần, nhưng phải mất nhiều năm để được cấp phép, làm hợp đồng đất đai và đầu tư hàng tỷ USD xây mới nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên cùng nhà ga nhập khẩu để tiếp nhận và chuyển LNG lỏng thành khí. Việc đóng các tàu chở LNG chuyên dụng cũng cần có thời gian và vốn đầu tư lớn. Vì thế trước mắt, Washington chỉ có thể tận dụng các mỏ khí đốt và cơ sở hạ tầng hiện có.
Chưa kể châu Âu vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và phân phối LNG. Hiện tại, các quốc gia châu Âu đang nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn LNG mỗi năm. Theo số liệu từ Bloomberg, với công suất tối đa, họ có thể nhập khẩu tổng cộng 145 triệu tấn, có nghĩa là có khả năng dự phòng để bổ sung thêm khoảng 65 triệu tấn. Nhưng ngay cả khi áp dụng chế độ này, lượng LNG nhập khẩu cũng chỉ thay thế được một nửa lượng khí đốt tiếp nhận từ các đường ống của Nga. Ngoài ra, các quốc gia châu Âu cần phải sửa đổi lại các tuyến đường ống dẫn và xây dựng các trung tâm liên kết để chuyển khí đốt vào sâu trong lục địa.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ và đồng minh có thể đưa ra đòn bẩy tài chính để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy hóa lỏng ở Mỹ, sau đó sẽ tăng cường xuất khẩu.
Ông Bob McNally, Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy nhận định: “Xây dựng những nhà máy này cần rất nhiều kinh phí và tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Bạn phải biết mình đang làm gì. Mỹ và Châu Âu có thể trợ cấp chi phí để giúp công việc được thực hiện nhanh hơn”.
Các chuyên gia năng lượng cũng đang thảo luận về việc liệu các chuyến hàng vận chuyển LNG của Mỹ tới châu Á có thể được chuyển hướng sang châu Âu hay không. Tất nhiên đây sẽ là một giải pháp khả thi cho cả 2 bên nhưng nhược điểm là các nước châu Á có thể khôi phục các nhà máy than đá và phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng hóa thạch. Đây sẽ là “cú giáng mạnh” với mục tiêu cắt giảm phát thải trên toàn cầu./.