Từ chỗ phải trốn chạy sang nước láng giềng Nam Phi hồi đầu tháng này vì lo ngại cho tính mạng của mình sau khi bị cách chức Phó Tổng thống, ông Emmerson Mnangagwa hôm qua (24/11) đã tuyên thệ nhậm chức tại sân vận động quốc gia 60.000 ghế ở ngoại ô thủ đô Harare.

mnangagwa_tuyen_the_pqzs.jpg
Ông Mnangagwa đến lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 24/11. (Ảnh: AP)

Sau hàng thập kỷ chứng kiến đất nước từng khá thịnh vượng của mình rơi xuống vực thẳm khủng hoảng kinh tế, người dân Zimbawe đang háo hức về một sự khởi đầu mới dưới sự dẫn dắt của ông Mnangagwa. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông có đáp ứng được kỳ vọng đó.

“Cá sấu Zimbabwe” Mnangagwa

Mnangagwa được mệnh danh là “Cá sấu Zimbabwe” (The Crocodile) bởi ông từng dẫn dắt một nhóm các tay súng gọi là “Nhóm cá sấu” (Crocodile Group) đấu tranh giành độc lập cho quốc gia châu Phi này.

Tuy nhiên, biệt danh này cũng gắn liền với nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến cáo buộc diệt chủng người Ndebele đầu những năm 1980 và gần đây nhất là các vụ bạo lực được cho là để chèn ép phe đối lập năm 2008. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từng có các biện pháp trừng phạt ông Mnangagwa với cáo buộc vi phạm nhân quyền và trấn áp tàn nhẫn nhằm vào các đảng đối lập.

“Ông Mnangagwa đã sát cánh bên ông Mugabe trong 50 năm qua và được coi là người sửa chữa những sai lầm cho ông Mugabe”, Derek Matyszak, nhà phân tích của Viện nghiên cứu an ninh (ISS) ở Nam Phi, nói. “Mối quan hệ giữa Mugabe và Mnangagwa giống như là sự cộng sinh hơn là tình bạn”.

Ông Mnangagwa vốn là người có tiềm năng lớn nhất sẽ kế nhiệm ông Mugabe cho tới khi bị cách chức, một động thái được cho là nhằm dọn đường cho phu nhân Grace Mugabe lên nắm quyền. Và động thái này đã kích động “cá sấu Zimbabwe” phản công.

Sự lột xác

“Ông ấy (Mugabe) không thực hiện những tội ác này một mình”, cựu Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe, thành viên đảng Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập, ông Tendai Biti bày tỏ quan ngại trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin DW. Theo ông, cỗ máy chính trị mà ông Mugabe vận hành vẫn còn đó, và thách thức với Zimbabwe là đất nước này sẽ bắt đầu vực dậy từ đâu.

James Hamill, một chuyên gia về Zimbabwe ở trường đại học Leicester (Anh) cũng hoài nghi về một sự thay đổi thực sự ở tại quốc gia châu Phi này.

“Tôi nghĩ phần lớn mọi người sẽ đánh giá ông Emerson Mnangagwa dựa vào quá khứ của ông ấy hơn là những lời hùng biện sau cuộc đảo chính vừa rồi. Mà quá khứ của ông Mnangagwa thì không đáng khích lệ cho lắm. Ông ấy từng sát cánh bên ông Mugabe trong mỗi bước đi trên chặng đường 37 năm điều hành chính phủ một cách rối ren và sai lầm vừa qua”.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, điều mà ông Mnangagwa nói chỉ xoay quanh việc đoàn kết dân tộc và đưa đất nước tiến lên.

Trong tuyên bố từ Nam Phi ngày 21/11, ông Mnangagwa đã nói rằng: “Khát khao của tôi là đoàn kết tất cả người dân Zimbabwe trong một thời đại mới, nơi tham nhũng, sự bất tài, lơ là trách nhiệm, lười biếng cũng như sự suy đồi xã hội và văn hóa sẽ không được dung thứ.

“Ở đất nước Zimbabwe mới đó, điều quan trọng là tất cả mọi người chung tay tái thiết đất nước trở lại với vinh quang”, ông nhấn mạnh. “Đây không phải là công việc của một mình đảng ZANU-PF mà là tất cả người Zimbabwe”. Tuyên bố này được cho là một câu hỏi để ngỏ với đảng đối lập MDC của ông Morgan Tsvangirai.

Xét đến phương thức hoạt động từ trước đến nay của ZANU-PF, ông Hamill tin rằng bất cứ động thái nào để ngỏ vai trò cho phe đối lập trong tương lai của Zimbabwe cũng chỉ là hành động mang tính biểu tượng.

“Đây sẽ chỉ là một cách để duy trì quyền lực trong khi mở rộng đối tượng ủng hộ [đảng cầm quyền Zimbabwe – ND]. Bí quyết là đưa các bên xích lại gần nhau nhưng không để bất cứ bên nào giành được quyền kiểm soát đáng kể” – ông Hamill nhận định.

Tuy nhiên, thành viên đảng MDC đối lập Tendai Biti không tán thành quan điểm đó. “Nếu phe đối lập không được tham gia [vào chính quyền mới – ND] thì đó sẽ là một chính phủ không hợp pháp được sinh ra từ một cuộc đảo chính và chúng tôi sẽ đấu tranh”, ông Biti khẳng định.

ZANU-PF chuyển mình

Thực tế đang thay đổi từng ngày và đảng cầm quyền ZANU-PF giờ đây đang phải đối mặt với nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế kiệt quệ đến cùng cực sau gần 4 thập kỷ cầm quyền của cựu Tổng thống Robert Mugabe. Đây có thể là niềm hy vọng trong cơn bĩ cực của những người mong muốn cải cách thực sự bởi cộng đồng quốc tế có thể dùng viện trợ tài chính như “mồi nhử” để thúc đẩy những chuyển biến dân chủ tại Zimbabwe.

Nhà phân tích Hamill cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế kiên quyết yêu cầu Zimbabwe cải cách cấu trúc một cách sâu rộng, ví dụ như việc thành lập ủy ban bầu cử độc lập, trao quyền tranh cử tự do, tạo điều kiện cho các đảng phái chính trị được tiếp cận truyền thông một cách công bằng, đảm bảo bộ máy tư pháp và lực lượng an ninh trung lập, thì mới có thể tạo ra sự thay đổi thực sự cho Zimbabwe.

Thành viên đảng đối lập Biti cho rằng, tác động bên ngoài có thể đến trước hết từ khu vực, ví dụ như Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC), đặc biệt là vai trò dẫn dắt của lãnh đạo như Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hay tân Tổng thống Angola, những người mà theo ông đã “mắt nhắm, mắt mở” đối với tình hình ở Zimbabwe trong một thời gian quá dài.

Bên cạnh đó, muốn tạo ra sự thay đổi thực sự cho quốc gia châu Phi này thì quân đội Zimbabwe cần được cải tổ. Hiện quân đội Zimbabwe nhận được sự ủng hộ của người dân là nhờ việc chấm dứt quãng thời gian cầm quyền dài đằng đẵng của ông Mugabe.

“Nhiều thập kỷ qua, quân đội đóng vai trò là cánh vũ trang đắc lực của đảng ZANU-PF, do đó họ không phải là tổ chức trung lập”, nhà phân tích Hamill nhận định. “Quân đội Zimbabwe không nhìn nhận vai trò của họ là người phải bảo vệ Hiến pháp mà liên kết với ZANU-PF. Để tiến tới một nền dân chủ thực sự thì điều đó cần phải thay đổi”.

Giới quan sát cho rằng, với một quân đội dính líu đến mạng lưới bảo trợ cho tham nhũng rộng lớn thì khó có chuyện giới chức quân sự Zimbabwe lại muốn thực sự cải cách thể chế./.