Iran không kích Mỹ để “bảo vệ danh dự”

Việc Iran phóng 15 tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa nước này với Washington kể từ cuộc đối đấu cách đây 40 năm biến Iran từ một đồng minh trở thành kẻ thù với Mỹ.

th_ekxm.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Cuộc không kích của Iran sáng 8/1 mà Mỹ nhận định là không có thương vong là sự đáp trả sau khi Washington tấn công tên lửa giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani hôm 3/1.

Chính phủ Iran thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công mới nhất này. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran thậm chí còn cảnh sẽ trả đũa Mỹ và đồng minh.

Lựa chọn sử dụng tên lửa đạn đạo thay vì một loại vũ khí tấn công với mức độ chính xác cao hơn, chẳng hạn như bom hay tấn công trực tiếp, đã cho thấy Iran đang hành động để "bảo vệ danh dự" chứ không phải vì mong muốn khởi động một cuộc chiến với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Iran hiểu rằng Mỹ có hệ thống phòng thủ đối phó với các cuộc tấn công tên lửa. Vì thế, cuộc không kích sáng 8/1 đã giúp Iran cứu vãn thể diện mà không thực sự giết chết bất kỳ binh lính Mỹ nào. Bất kỳ sự thương vong nào từ phía Mỹ chắc chắn sẽ khiến Washington chiến tranh với Tehran.

Nếu các đánh giá sau đó xác nhận không có thương vong nào từ cuộc tấn công tên lửa của Iran, Tổng thống Trump có thể chỉ đơn giản "cười nhạo" Iran và cho rằng điều đó là một minh chứng cho thấy sự yếu đuối của quân đội Iran.

Ông Trump đã viết trên Twitter sau cuộc không kích của Iran rằng: “Mọi thứ đều ổn! Tên lửa đã được phóng từ Iran vào 2 căn cứ quân sự đặt tại Iraq. Giờ đây việc đánh giá thiệt hại và thương vong vẫn đang diễn ra. Cho đến nay, mọi thứ vẫn rất tốt! Chúng tôi có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất thế giới cho tới thời điểm này! Tôi sẽ chính thức ra tuyên bố vào sáng mai”.

Lựa chọn của Mỹ và tương lai của Iran

Trên thực tế, bây giờ không phải là thời điểm mà Mỹ và Iran tính kế trả đũa nhau mà là lúc để 2 bên "tháo ngòi nổ" chiến tranh bởi 2 nước đều không muốn lao vào một cuộc chiến tranh toàn diện hao người tốn của.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump là kẻ gây chiến khi cố gắng kéo Mỹ vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông để đánh lạc hướng dư luận về phiên tòa luận tội sắp tới tại Thượng viện. Tuy nhiên, ông Trump đã khẳng định rằng ông không muốn bắt đầu "một cuộc chiến bất tận nữa". Cùng thời điểm đó, ông cũng cảm thấy mình cần có trách nhiệm giết chết Tướng Soleimani - người mà ông cho rằng đã khiến nhiều người Mỹ thương vong.

Bất kể những động thái đáp trả quyết đoán đang diễn ra từ phía Iran, các nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo này hiểu rõ Mỹ có thể phá hủy nhiều thiết bị quân sự và cơ sở hạ tầng của họ cũng như gây ra sự thiệt hại nặng nề về kinh tế nếu Tổng thống Trump ra lệnh.

Nếu Iran đã giết chết hay làm bị thương bất kỳ người Mỹ nào, hoặc làm việc đó trong tương lai, mục tiêu đầu tiên mà Mỹ nhắm tới sẽ là hải quân Iran.

Khi đó, Iran sẽ đe dọa về việc vận chuyển trên Vịnh Ba Tư cũng như tiến hành các cuộc tấn công nếu chính phủ nước này coi việc đó là cần thiết. Nhắm vào hải quân Iran, Mỹ sẽ chẳng khác nào bắn một mũi tên mà trúng nhiều mục tiêu. Đầu tiên, điều đó cho thấy rằng những lời cảnh báo của Washington không phải là sáo rỗng. Thứ hai, kế hoạch này sẽ giúp Mỹ loại bỏ một trong những lựa chọn của Iran nếu nước này định tiến hành các động thái trả đũa ở Trung Đông.

Một lý do nữa là việc tấn công hải quân Iran cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến dân thường nước này. Nếu nhắm vào bất kỳ mục tiêu hạ tầng nào, chẳng hạn như nhà máy điện hay cầu đường, việc đó có thể khiến Iran rơi vào tình thế khó khăn song hải quân là công cụ duy nhất cho những kế hoạch hành động của Iran.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định rằng Washington không muốn bắt đầu cuộc chiến với Iran mà sẵn sàng kết thúc cuộc chiến.

Ông Esper nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng trước tiên Iran phải giảm leo thang. Điều đó cũng sẽ đòi hỏi chính quyền Iran ngồi vào bàn đàm phán với mục tiêu ngăn chặn đổ máu hơn nữa và đòi hỏi họ ngừng các hoạt động xấu xa trên toàn khu vực. Mỹ để ngỏ việc thảo luận với Iran, nhưng sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ các lợi ích của mình”.

Trong khi đó, nhiều người Iran coi việc chính phủ dành tất cả tiền bạc vào quân sự và các hoạt động chống khủng bố là một sự lãng phí trong khi điều kiện sống của nhân dân gặp khó khăn. Cả Iran và Iraq đều đang đau đầu với những bất ổn nội bộ và những cuộc biểu tình trong nước trong khi “bóng ma” khủng bố IS vẫn còn.

Mỹ và Iran chắc chắn sẽ không muốn lao vào một cuộc chiến bởi những bài học nhãn tiền vẫn hiển hiện, từ cuộc nội chiến Syria, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd cho tới những căng thẳng không hồi kết giữa Israel và Palestine./.