Các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan trước đây từng tránh được những đợt bùng phát lớn như vậy, nhưng hiện giờ đang phải gồng mình kiểm soát làn sóng mới. Indonesia và Myanmar – hai nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực, đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế, cạn kiệt nguồn cung oxy.

Nhà dịch tễ học Indonesia Dicky Budiman thuộc Đại học Griffith đã lý giải nguyên nhân vì sao nhiều quốc gia trong khu vực lại đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm cao như hiện nay.

“Thứ nhất, năng lực xét nghiệm của chúng ta vẫn còn thấp so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng không chỉ thấp mà còn chậm”, ông Budiman nói.

Indonesia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm

Theo thống kê của Worldometers, trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 34.257 ca mắc mới, cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 2 thế giới sau Anh với gần 40.000 ca. Tính đến ngày 20/7, Indonesia đã ghi nhận hơn 2,9 triệu ca mắc và hơn 74.900 ca tử vong. Riêng tuần qua, nước này chứng kiến sự gia tăng đều đặn số ca mắc, vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm. Các nhà dịch tễ học cho biết, số ca bệnh trên thực tế còn có thể cao hơn.

Nhiều gia đình đang tuyệt vọng tìm kiếm bình oxy và giường bệnh cho những người thân bị mắc bệnh. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhân viên y tế tử vong do Covid-19. Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI) cho biết, đã có 114 bác sỹ tử vong trong tháng 7 này, cao gấp đôi so với con số hồi tháng 6. Theo IDI, tổng cộng đã có 545 bác sỹ ở Indonesia tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Các quan chức chính phủ nước này cho biết họ đã sẵn sàng chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”.

Phát biểu với NPR, ông Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia cho biết, tình huống xấu nhất sẽ là hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Theo ông, con số này có thể xuất hiện trong tháng 8 nếu Indonesia không quyết liệt hơn trong thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Thái Lan tiếp tục phong tỏa

Tính đến ngày 20/7, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 415.170 ca mắc, trong đó có 3.422 ca tử vong. 13 tỉnh thành thuộc “vùng đỏ” ( khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa) đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Biện pháp hạn chế cũng được mở rộng ra các tình thành khác bắt đầu từ ngày 20/7 trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Những hạn chế mới dẽ được áp dụng cho đến ngày 2/8.

Bộ phận quan hệ công chúng của chính phủ Thái Lan cho biết: “Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất bằng cách hạn chế người dân di chuyển ra khỏi nơi ở để giảm nguy cơ lây nhiễm”. Thông báo nêu rõ, sự bùng phát dịch bệnh tại thủ đô Bangkok và các vùng phụ cận ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bangkok và các khu vực xung quanh hiện đang áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như đóng cửa toàn bộ các trung tâm mua sắm, hạn chế hoạt động của nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ Thái Lan cũng đang thiết lập các trạm kiểm soát để sàng lọc và ngăn những người sống trong “vùng đỏ” đi tới các tỉnh thành khác.

Myanmar gồng mình đối phó dịch bệnh sau chính biến

Căng thẳng chính trị và cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự tại Myanmar ngày 1/2 đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế trong khi số ca mắc Covid-19 gia tăng với mức độ nghiêm trọng ở quốc gia này.

Bất bình trước việc quân đội lên nắm quyền điều hành đất nước, nhiều y bác sỹ và bệnh nhân đã rời khỏi các bệnh viện công. Nhiều gia đình phải tự tìm kiếm dịch vụ y tế và bình oxy cho người thân bị mắc Covid-19. Tính đến ngày 20/7, Myanmar đã ghi nhận 234.710 ca mắc và 5.281 ca tử vong. Các phương tiện truyền thông cho biết, số người tử vong tăng nhanh đến mức các lò hỏa táng và nhà tang lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn bị quá tải./.