Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực chịu sự bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới, một phần do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, một phần do chậm trễ trong triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Tỷ lệ tử vong tăng nhanh nhất thế giới
Bloomberg trích dẫn phân tích của Đại học Johns Hopkins cho biết, tốc độ bùng phát dịch bệnh trong khu vực đã làm lu mờ những nơi trước đây từng là tâm dịch thế giới như Mỹ Latin và Ấn Độ. Số ca mắc Covid-19 tại Đông Nam Á đã tăng 41% trong tuần qua, lên đến hơn 500.000 người. Số ca tử vong do dịch Covid-19 trong khu vực cũng tăng 39% trong 7 ngày qua tính đến 14/7, đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu và tiền tệ trên toàn khu vực đã bị bán tháo trong những tuần gần đây, chính phủ các nước đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, nhiều ngân hàng trung ương bị cạn kiệt nguồn vốn. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc giảm bớt việc mua tài sản, giảm lãi suất cho các nhà hoạch định chính sách ở châu Á để tránh nguy cơ rủi ro do tiền tệ suy yếu.
Sian Fenner, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics Ltd. nhận xét rằng: “Với tốc độ tiêm chủng chậm chạp, ngoại trừ Singapore, chúng tôi dự đoán sự phục hồi kinh tế trong khu vực sẽ khó khăn và có nguy cơ các nước phải kéo dài hơn nữa việc áp đặt các biện pháp hạn chế. Bất ổn gia tăng nhiều khả năng cũng dẫn đến những tổn thương lâu dài cho nền kinh tế”.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt Ấn Độ về số ca mắc mới hàng ngày trong tuần này, trở thành tâm dịch mới của châu Á, trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến số ca mắc kỷ lục.
Hàng loạt quốc gia hạ dự báo tăng trưởng
Indonesia, Thái Lan và Philippines đã cắt giảm dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Malaysia cho biết sẽ sớm điều chỉnh lại. Việt Nam – một trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh năm 2020, cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho nửa đầu năm 2021 khi phải nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh tại những khu công nghiệp lớn.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, trước đại dịch, các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gộp lại sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Đức. Kinh tế Đông Nam Á được thúc đẩy bởi nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là các mặt hàng điện tử. Hiện nay, sự thay đổi nhu cầu nhập khẩu cùng ảnh hưởng của dịch bệnh tới các động lực phát triển truyền thống của khu vực như tiêu dùng và du lịch, đang gây ra những thiệt hại lớn cho khu vực.
Ông Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Scotiabank ở Singapore cho biết: “Giờ đây, các nền kinh tế phát triển ở phương Tây đang mở cửa trở lại, nhu cầu của họ có thể sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng xuất khẩu của châu Á có thể giảm mạnh trong những tháng tới. Để giúp phục hồi kinh tế, nhu cầu trong nước của mỗi quốc gia cần phải tăng lên, nhưng tình hình dịch bệnh đang làm lu mờ triển vọng này”.
Chỉ số chứng khoán Đông Nam Á MSCI ASEAN Index giảm 1,7% trong tháng này, kéo dài mức trượt 3,4% trong tháng 6. Đồng baht của Thái Lan đã mất 5% giá trị kể từ giữa tháng 6 – thời điểm biến thể Delta xuất hiện tại nước này, trong khi đó đồng peso của Philippines cũng mất 4,2% giá trị.
Trong một bản thông báo vào ngày 15/7, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho biết họ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thời kỳ nửa cuối năm 2021 của Đông Nam Á ở mức trung bình là 1,8%. Các nước bị cắt giảm dự báo lớn nhất là Indonesia từ 5% xuống còn 3,4%, Philippines từ 5,8% xuống còn 4,4%, Malaysia từ 6,2% xuống còn 4,9% và Thái Lan từ 2,1% xuống 1,4%.
Trả giá cho sai lầm
Các nhà kinh tế học cho biết: “Việc tái diễn các đợt bùng phát và thắt chặt hơn nữa biện pháp phòng chống dịch có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng GDP trong khu vực vào nửa cuối năm nay so với dự đoán đưa ra trước đó”.
Chính sách lãi suất trên toàn khu vực đang ở gần mức thấp nhất mọi thời đại và chính phủ các nước đều nhận thấy sự cần thiết phải thắt chặt chi tiêu. Malaysia – quốc gia đã thông qua 4 gói kích thích kinh tế trong năm nay cho biết, nước này đang xem xét nâng trần nợ trước khi cạn kiệt tài chính. Indonesia gần đây ám chỉ rằng nước này có thể sẽ không kiểm soát được thâm hụt ngân sách nhanh chóng như kế hoạch. Còn Philippines, vừa trả xong khoản vay 540 tỷ peso (10,8 tỷ USD) từ ngân hàng trung ương vào tuần trước, đã ngay lập tức quay lại tìm kiếm một vay khoản khác.
Ông Rob Carnell - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư ING Groep NV của Singapore nhận định: nhiều nước Đông Nam Á nghèo hơn đã cố gắng hạn chế phong tỏa sớm ở giai đoạn đầu đại dịch để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân và giờ đang phải trả giá cho lựa chọn đó. Các nỗ lực xét nghiệm, truy vết và cách ly các ca dương tính của họ không đạt hiệu quả. Còn các nước khác như Philippines và Indonesia lựa chọn phong tỏa một phần hay phong tỏa luân phiên thì buộc phải tiếp tục dù bằng hình thức này hay hình thức khác.
“Các nước giàu hơn sẽ thực hiện lệnh phong tỏa dễ dàng hơn vì họ có thể hỗ trợ tài chính cho những người phải ở nhà hoặc bị mất thu nhập. Những nước nghèo hơn có xu hướng đánh đổi các biện pháp hạn chế bằng sự cởi mở để giảm tác động của dịch bệnh đối với GDP. Tất nhiên đó là một sự đánh đổi và điều này tốt nhất chỉ nên diễn ra trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể bắt đầu nhận thấy sự phân nhánh của các chính sách như vậy", ông Rob Carnell nói./.