Việc Taliban tiếp quản quyền lực tại Afghanistan khiến hàng nghìn người di tản sang các nước láng giềng. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thể rời đi và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để “mua” thị thực sau khi chính quyền Taliban bắt đầu khôi phục việc cấp hộ chiếu từ tháng 10 vừa qua.
Nhiều người dân Afghanistan lo sợ trở thành mục tiêu của Taliban vì từng làm việc cho chính phủ trước đây hoặc lực lượng liên minh nước ngoài tại nước này. Những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, phụ nữ, là những người đặc biệt muốn rời khỏi Afghanistan vì lo sợ không còn cơ hội làm việc hay học tập như trước đây.
Nissar Saeed, 31 tuổi là một trong số đó. Saeed từng làm việc cho các cơ quan nước ngoài tại Afghanistan và là lái xe taxi ở Kabul trước khi chính phủ trước đây sụp đổ.
“Khi Taliban tiến vào Kabul vào ngày 15/8, họ đã tìm kiếm tôi vì tôi từng làm việc với các nhà báo nước ngoài như một người cung cấp thông tin”, Saeed nói.
Saeed cho biết, anh đã lẩn trốn sau lần đầu chạm trán với Taliban, nhưng vẫn liên tục bị quấy rầy.
“Họ từng đánh cha tôi vì ông không chịu tiết lộ nơi tôi đang ở. Đó là lúc tôi quyết định phải rời khỏi đây. Nhưng tôi không có việc làm và muốn có thị thực cũng phải tốn nhiều tiền”, Saeed kể lại.
Một đại lý du lịch đã đề nghị cung cấp thị thực Iran cho Saeed với giá 700 USD trả trước.
“Tôi đã trả tiền trước cho họ, nhưng họ trì hoãn nhiều ngày liền và lần nào cũng hứa hẹn ‘ngày mai’ sẽ xong”, Saeed cho biết.
Cảm thấy công ty này sẽ không thể cung cấp thị thực cho mình, Saeed đã đề nghị hoàn lại tiền.
“Họ chỉ trả lại 350 USD và nói rằng phần còn lại họ đã chi cho các nhân viên đại sứ quán. Cuối cùng họ đồng ý trả lại 500 USD” Saeed nói.
Không nhiều lựa chọn
Chi phí làm thị thực ở Afghanistan cũng đã tăng chóng mặt sau khi chính phủ trước đây sụp đổ. Một số đại lý du lịch xác nhận, các thị thực trước đây có chi phí khoảng 20-80 USD thì giờ đã lên tới hơn 1.000 USD.
“Chúng tôi còn không đủ tiền để nuôi gia đình. Họ chỉ đang lừa người khác thôi. Tôi chưa thấy ai nhận được thị thực sau khi trả tiền trước cho họ. Có rất nhiều đại lý giả mạo”, Saeed nói.
Rất nhiều người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Dù Taliban đã mở cửa trở lại văn phòng cấp hộ chiếu hồi tháng 10 nhưng hầu hết các đại sứ quán nước ngoài vẫn đóng cửa từ tháng 8. Hiện chỉ có đại sứ quán Iran, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hoạt động tại Kabul.
Noorullah Niazi, 27 tuổi, sống tại Kabul, kể lại anh đã bị một công ty lữ hành lừa. Công ty này đòi 350 USD cho thị thực Ấn Độ, mặc dù Ấn Độ đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán từ ngày 16/8.
“Tôi muốn xin thị thực Iran sau khi Taliban kiểm soát quyền lực. Tôi đã nhờ công ty lữ hành và họ đòi tôi trả 350 USD cho thị thực mà trước đây không mất tiền. Họ nói rằng một nửa số tiền này là chi cho các nhân viên sứ quán và họ sẽ mang thị thực cho tôi trong 8-10 ngày”, Niaza cho biết.
Tuy nhiên, sau 15 ngày vẫn không nhận được thị thực, Niazi đã gọi đến công ty để thắc mắc và họ lại đề nghị anh chờ thêm.
“Tôi nhận thấy có gì đó bịp bợm và đã đề nghị họ đưa thị thực hoặc trả lại tiền. Họ nói chỉ có thể trả lại 175 USD vì họ đã chi một nửa số tiền đó cho đại sứ quán. Sau đó tôi mới biết đại sứ quán Ấn Độ không còn hoạt động ở Kabul nữa và đã báo với các quan chức Taliban”, Niaza nói.
Zabihullah Mujahid, Thứ trưởng Bộ thông tin và văn hóa thuộc chính quyền Taliban cho biết, hiện giới chức đang điều tra vụ việc và sẽ xử lý theo pháp luật nếu các đại lý du lịch sai phạm.
Dù vậy, cũng có một số công ty thực sự cung cấp dịch vụ làm thị thực. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với Nikkei Asia rằng, việc giúp người dân Afghanistan xin thị thực cũng là mội rủi ro lớn đối với cá nhân họ.
“Tôi phải làm công việc này kín đáo vì nếu Taliban phát hiện ra tôi đang giúp nhiều người rời khỏi đất nước, họ có thể sẽ xử phạt tôi”, người này cho biết.
Nguồn tin cũng giải thích về cách mà công ty lữ hành xin được thị thực, trong trường hợp này là Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi đề nghị khách hàng cung cấp hộ chiếu, 4 ảnh chân dung, bản sao căn cước. Tôi chuẩn bị hồ sơ và thay mặt họ gửi tới đại sứ quán [Thổ Nhĩ Kỳ]. Phía đại sứ quán sẽ hẹn 4-6 ngày. Người nộp đơn sẽ nhận được thị thực kèm theo hóa đơn các chi phí bổ sung cần phải trả sau khi tới Istanbul”.
Khi được hỏi về tỷ lệ thành công, người này cho biết, thị thực sẽ được cấp nếu người nộp đơn không nằm trong danh sách đen.
“Chúng tôi cũng không đề nghị khách hàng trả tiền trước cho tới khi họ nhận được thị thực tại đại sứ quán. Họ không phải trả tiền nếu việc chưa xong”.
Do Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan không có đường biên giới chung, tổng chi phi sẽ bao gồm cả các chuyến bay và thị thực quá cảnh.
“Chúng tôi chỉ có thể xin được thị thực du lịch ở thời điểm này, và thị thực cũng chỉ có hiệu lực 1 tháng. Nhưng sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể đăng ký xin tị nạn”, nhân viên đại lý du lịch cho biết.
Vấn đề ở Afghanistan có thể trở thành vấn đề của thế giới
Rajeev, công dân Ấn Độ từng làm việc tại dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho chính phủ trước đây của Afghanistan, đã chờ 3 tháng để được sơ tán, nhưng cuối cùng lại phải tự xoay sở mọi việc. Anh đã tìm đến chợ đen thị thực và cuối cùng cũng tìm được cách rời khỏi Afghanistan qua Iran.
“Quá trình xin thị thực cũng khá phức tạp. Tôi tới đại sứ quán Iran xin thị thực quá cảnh. Bộ phận lãnh sự tại đại sứ quán lại hướng dẫn tôi tới Văn phòng Mahan Air cũng ở Kabul và hãng hàng không này sẽ lo cả chuyến bay và thị thực”, Rajeev nói.
Rajeev đã tới văn phòng Mahan Air và được thông báo chi phí làm thị thực là 80 USD, nhưng không được hẹn khi nào sẽ được cấp.
“Tôi đã đề nghị sẽ trả thêm tiền cho họ để sớm có thị thực. Họ trả lời là 230 USD euro và tôi sẽ có thị thực trong 4 ngày, cùng với 330 USD trả trước cho chuyến bay từ Kabul đến Mashhad ở Iran”, Rajeev nói.
Trong bối cảnh Taliban đang nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế, các quan chức Afghanistan và các công ty lữ hành kêu gọi các nước mở lại đại sứ quán để nhanh chóng loại bỏ chợ đen thị thực.
“Nếu tiếp tục không được công nhận, các vấn đề ở Afghanistan sẽ còn tiếp diễn. Đây là vấn đề của khu vực nhưng có thể trở thành một vấn đề đối với thế giới”, ông Mujahid nhấn mạnh./.