Dù Tổng thống Trump bị phế truất trước thời hạn hay tiếp tục phục vụ cho đến ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ thì ông vẫn phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ sau khi rời nhiệm sở và cơ hội tranh cử năm 2024 dành cho ông cũng ngày càng thu hẹp dần.

Cơ hội tái tranh cử của Trump ngày càng thu hẹp

Sau cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ, nhiều đồng minh đã quay lưng với ông, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp lớn hối thúc giới chức cấp cao của Mỹ xem xét phế truất ông, còn Twitter thông báo đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của ông. Nhiều thành viên Cộng hòa quy trách nhiệm cho ông vì khiến đảng này thất bại trong cuộc bầu cử tại Georgia hồi đầu tháng 11 và để mất Hạ viện 2 năm về trước.

Tổng thống Trump đã lên kế hoạch rời Washington để thực hiện mục tiêu dài hạn nhằm đưa ông trở lại Nhà Trắng trong 4 năm tới, nhưng hiện giờ ông đang phải đối mặt với một cuộc luận tội lần thứ hai, thậm chí là cáo buộc hình sự.

Giới phân tích cho rằng, trong 10 ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Trump có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, giống như những quả bóng bay lớn trong cuộc diễn hành ngày Lễ Tạ ơn tại Đại lộ số 6 của New York.

Chiến lược gia lâu năm của đảng Cộng hòa Scott Reed nhận xét: “Những hành động và quyết định của ông Trump trong 60 ngày qua đã làm hoen ố danh tiếng và lấy đi cơ hội trở thành một nhà lãnh đạo tương lai của ông. Với chiến thắng của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Thượng viện tại bang Georgia, toàn bộ chương trình kinh tế của ông sắp bị Thượng viện đảo ngược. Ông ấy đã bị lùi về phía sau và rơi xuống một vị trí mà không ai có thể tưởng tượng được”.  

Một số ý kiến khác cho rằng, bất chấp những rắc rối hiện tại, ông Trump chắc chắn sẽ duy trì được một số lượng lớn những người ủng hộ trung thành. Phản ứng sau khi bị Twitter tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản, ông Trump nói rằng đã có 74,2 triệu “người yêu nước vĩ đại”, những người đã bỏ phiếu cho ông vào tháng 11/2020.

Jason Miller, một cố vấn chính trị cấp cao của ông Trump cho biết, Tổng thống có kế hoạch sử dụng hàng chục triệu USD từ ngân quỹ của ủy ban hành động chính trị mà ông thành lập, để giúp phe Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện năm 2022. Cố vấn này cũng tiết lộ khả năng ông Trump sẽ tranh cử tổng thống thêm một lần nữa vào năm 2024.

“Tổng thống Trump vẫn là tên tuổi lớn nhất trong chính trường Mỹ và là người có tầm ảnh hưởng lớn với đảng Cộng hòa. Ông ấy sẽ là người ủng hộ chính trị được phe Cộng hòa tìm đến nhiều nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022”, ông Miller nói.

Cử tri ủng hộ ông Trump chia năm xẻ bảy

Tuy nhiên, thực tế có khả năng khác xa với kỳ vọng. Frank Luntz, một nhà thăm dò ý kiến kỳ cựu của đảng Cộng hòa cho biết các cử tri ủng hộ ông Trump chia làm 3 phe. Phe thứ nhất là những người tin vào sự thật ông Joe Biden đã chiến thắng cuộc bầu cử và cho rằng đã đến lúc ông Trump phải rời đi. Phe thứ hai là những người tin cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” khỏi ông Trump nhưng cho rằng ông ấy vẫn nên rời nhiệm sở. Phe thứ 3 khẳng định cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và ông Trump cần phải tiếp tục đấu tranh.

Ông Luntz đã bị bất ngờ bởi những phát ngôn và giọng điệu được đưa ra trong cuộc thăm dò. “Có những người tỏ ra rất thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhưng lại có những người sẵn sàng chỉ trích nhau một cách gay gắt. Điều này chưa từng xảy ra trong một nhóm cử tri ủng hộ ông Trump mà tôi từng khảo sát… Có những cử tri thậm chí sẵn sàng tuyên chiến với nhau”.

Theo nhà thăm dò Frank Luntz, chính điều này đã mang đến không ít rắc rối cho tổng thống. “Khi bạn có một tập thể thống nhất, bạn có thể nói chuyện với họ với tư cách là người dẫn đầu và hướng dẫn họ thay đổi hành vi. Nhưng khi họ đã chia năm xẻ bảy thì bạn không thể truyền tải không điệp đến với mọi người. Ông Trump hiện giờ đã không còn tầm ảnh hưởng lớn so với trước kia”.

Ông Luntz nói rằng, khi ông yêu cầu một nhóm 12 người nêu tên ứng cử viên yêu thích của họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, chỉ có 2 người nhắc đến ông Trump và không ai trong số này nhắc đến Phó Tổng thống Mike Pence.

Mất đi những đồng minh chủ chốt

Cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc hội tuần trước là một cú giáng mạnh đối với những người ủng hộ ông Trump. Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, trong đó có Bộ trưởng giao thông vận tải Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos đã từ chức.

Tại Quốc hội Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell công khai bày tỏ sự bất bình với ông Trump. “Nền dân chủ của chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy tử thần nếu người bị thua trong cuộc bầu cử có thể lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử công bằng với những lời cáo buộc vô căn cứ”, ông McConnell tuyên bố ngày 6/1 vừa qua.

Các thượng nghị sỹ khác như Lisa Murkowski, bang Alaska, Lindsey O. Graham – người bạn thân thiết của ông Trump, Mitt Romney, Patrick J. Toomey và Ben Sasse, đã đồng loạt chỉ trích hoặc yêu cầu ông Trump từ chức.

Tuy vậy, vẫn có không ít ý kiến bảo vệ Tổng thống Trump. Ông Brendan Buck, chiến lược gia của đảng Cộng hòa cảnh báo, không nên coi sự nghiệp chính trị của ông Donald Trump đã chấm hết. “Thật sai lầm khi cho rằng mọi người sẽ quay lưng lại với ông Trump. Quyền lực của ông ấy chính là tầm ảnh hưởng của ông với các cử tri, và điều này không phụ thuộc vào việc các thành viên trong Quốc hội ủng hộ hay không ủng hộ ông”.

Chiến lược gia này lập luận rằng, bất cứ hình phạt nào đối với ông Trump, chẳng hạn như luận tội, truy tố hay nhẹ hơn là sự chỉ trích của các thành viên trong Quốc hội cũng có thể mang lại lợi ích về chính trị cho ông.

Còn Anthony Scaramucci, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng nhận xét rằng, Tổng thống Trump vẫn có khả năng khôi phục sự nghiệp chính trị dù ông đã 74 tuổi và ông Trump không nên để lãng phí thời gian.

Dẫu vậy, những bài học lịch sử rút ra qua các đời tổng thống cho thấy một khi rời nhiệm sở, uy tín của tổng thống sẽ sụt giảm đáng kể, kéo theo đó là sự xói mòn về tỷ lệ ủng hộ. Ngay cả khi họ duy trì được sự nổi tiếng chẳng hạn như viết sách giống cựu Tổng thống Obama, hay quảng bá hình ảnh thông qua các công việc từ thiện như cựu Tổng thống Bill Clinton thì họ vẫn không thể nhận được sự chú ý và quyền lực giống như lúc đương nhiệm. Đó là lý do tại sao, nhiều cựu tổng thống như Gerald Ford và Jimmy Carter dễ dàng bị đánh bại khi thực hiện nỗ lực tái tranh cử.

Nhà sử học nghiên cứu về các tổng thống Mỹ, ông Michael Beschloss nói: “Người Mỹ luôn có xu hướng yêu thích và tôn trọng một tổng thống đương nhiệm. Cựu Tổng thống Richard M.Nixon nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ cho đến khi ông mãn nhiệm. Nhưng sau đó ông ấy nhanh chóng phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến những vụ bê bối và bị xa lánh đến mức không bao giờ được mời tham dự đại hội của đảng Cộng hòa”./.