Các nhà phân tích và chuyên gia công nghiệp mới đây cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước láng giềng Nga và Trung Quốc, hứa hẹn thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh quan chức hai nước kêu gọi đẩy mạnh hợp tác công nghệ cao, với AI là một trọng điểm.
Trung Quốc đang muốn đi tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Medium. |
Nga và Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu 100 tỷ USD thương mại song phương trong năm 2018 vừa qua. Giới phân tích cho biết, để đạt mục tiêu tham vọng là 200 tỷ USD vào năm 2024, AI sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2018 cho biết, hai nước cần gia tăng chất lượng hợp tác song phương và xem nền kinh tế số là một động lực tăng trưởng mới.
Trí tuệ nhân tạo được ông Li coi là một nhân tố quan trọng bên cạnh dữ liệu lớn (big data), mạng internet và các thành phố thông minh.
Rajiv Biswas - nhà kinh tế trưởng của hãng IHS Markit, cho rằng Internet Vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, và AI đang ngày càng đóng vai trò trọng yếu đối với sự chuyển đổi về mặt công nghiệp của Trung Quốc hướng tới nền kinh tế công nghệ cao.
Trung Quốc đầu tư mạnh cho AI, muốn hợp tác hơn với Nga
Biswas mới đây nói với tờ Global Times: “Chính phủ Trung Quốc đã đặt ưu tiên cao vào đầu tư cho AI – thứ quan trọng đối với việc xây dựng một ngành công nghiệp công nghệ cao có sức cạnh tranh toàn cầu. Trong tương lai, Nga sẽ là một đối tác chính của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, nhờ vào năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) ở cấp độ cao của các trường đại học và viện nghiên cứu của Nga”.
Biswas lưu ý thêm rằng các sáng kiến của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy chi tiêu công cho AI và xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước đi tiên phong trong R&D (như là Nga) sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng năng lực AI của Trung Quốc.
Song Kui, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế khu vực Trung Quốc-Nga Đương đại ở tỉnh Hắc Long Giang (đông bắc Trung Quốc) cho biết: “Hợp tác công nghệ cao bao gồm AI sẽ là điểm nhấn tiếp theo trong hợp tác Trung-Nga. Mang lại lợi ích và sức mạnh cho đôi bên, sự hợp tác như vậy hiện nay bao trùm lên các lĩnh vực đào tạo nhân lực, công nghệ và kỹ thuật sản xuất”.
Theo ông Song Kui, hợp tác nói trên sẽ hình thành một dạng thức quan hệ mới giữa Nga và Trung Quốc.
Xuất hiện cực Nga-Trung Quốc đối phó NATO và Mỹ trong quan hệ quốc tế
Theo các chuyên gia, tính ưu việt của AI nhằm ở năng lực tính toán rộng lớn, dữ liệu đủ cho máy móc học tập, và khả năng như con người trong việc vận hành hệ thống đó.
Trung Quốc được cho là đi tiên phong trong các tiểu lĩnh vực của AI như các loại xe kết nối, công nghệ nhận diện gương mặt và nhận diện giọng nói, còn Nga đã thể hiện sức mạnh trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp, ứng dụng AI vào quốc phòng, an ninh và chống theo dõi.
Theo truyền thông năm 2018, Nga trở thành quốc gia đầu tiên thử nghiệm xe tăng không người lái trên chiến trường Syria.
Tiềm năng khổng lồ
Zhao Zhiqiang thuộc Viện Công nghệ Dữ liệu Lớn Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) cho biết, hiện nay mới chỉ có ít kết quả từ hợp tác AI giữa Trung Quốc và Nga ở cấp độ công nghiệp.
Zhao nói: “Chủ yếu đó mới chỉ là hợp tác trên cấp độ nhân lực, R&D và phát triển ứng dụng. Hệ thống giáo dục khoa học cơ bản tiên tiến của Nga đã sản sinh ra nhiều con người tài năng và trong số này, nhiều người đã được các hãng AI của Trung Quốc tuyển dụng”.
Zhao cho biết thêm: “Trung Quốc đã xác định lấy việc tích hợp thông tin, số hóa và công nghiệp hóa làm quốc sách chiến lược. Tôi hy vọng Nga có cách tiếp cận tương tự. Khi ấy, tôi chắc rằng sẽ có thêm sự hợp tác trên cấp độ công nghiệp và doanh nghiệp với mục tiêu thương mại hóa”.
Theo một nguồn tin, huyện Nam Cương của thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đang tìm kiếm hợp tác AI với Nga. Cáp Nhĩ Tân hiện là một thành phố hàng đầu Trung Quốc về phát triển AI.
Mặc dù vậy, Zhao cho biết, tiềm năng hợp tác song phương Nga-Trung về AI vẫn rất lớn.
Zhao chia sẻ: “AI, internet, và Internet Vạn vật có thể phát triển mạnh nhờ khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong một thế gới không còn biên giới quốc gia. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đa dạng bao gồm hàng không và không gian vũ trụ, các hệ thống định vị vệ tinh...”
Theo Zhao, khi cơ hội chín muồi, Nga sẽ là thị trường lớn cho các ứng dụng AI do Trung Quốc phát triển.
Chính phủ Nga đang đầu tư mạnh cho trí tuệ nhân tạo, với một lộ trình AI quốc gia dự kiến được công bố vào giữa năm 2019. Truyền thông cho hay, các khoản kinh phí liên quan sẽ gần như tăng gấp đôi cho giai đoạn 2019-2020, lên mức tổng cộng là 719 triệu USD.
Khuôn khổ BRICS và Quỹ Đầu tư Nga-Trung Quốc càng thúc đẩy hơn nữa hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo./.