Các nhà nghiên cứu nói với hãng thông tấn Sputnik của Nga rằng Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách đánh bật gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) và thiết bị tiên tiến 5G của hãng này khỏi thị trường của mình.
Quan điểm của các nhà nghiên cứu này ám chỉ khả năng chiến dịch trừng phạt Huawei gần đây có thể không liên quan tới cuộc đàm phán đang diễn ra về cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Li Kai, một nghiên cứu viên tại Đại học Tài chính-Kinh tế Sơn Tây (Trung Quốc) nói: “Chiến dịch trừng phạt nhằm vào Huawei rõ ràng là một mục tiêu dài hạn của Mỹ, nhưng động thái này có thể không nhất thiết liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”.
Nhật báo China Daily hôm 22/1 thì đưa ra giả thiết rằng các cuộc công kích Huawei gần đây của Mỹ và đồng minh là nhằm ép Bắc Kinh nhượng bộ trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Đề cập đến bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ở Canada vào ngày 1/12/2018, tờ China Daily cho rằng “các bên đứng đằng sau vụ tấn công này đã sử dụng việc “bắt cóc chính trị” để ép buộc công ty này và Trung Quốc phải quy phục”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Li, “thậm chí nếu vấn đề Huawei được đem ra xử lý trong đàm phán Trung-Mỹ thì hai bên vẫn không thể đạt được một thỏa hiệp”.
Nhà nghiên cứu này gợi ý: “Về vụ Mạnh Vãn Chu, người ta có thể đạt được một số tiến bộ nhất định nhưng chiến dịch trừng phạt của Mỹ nhằm vào việc sử dụng thiết bị Huawei trong các dự án 5G sẽ không dừng lại, bởi lẽ vấn đề này ảnh hưởng đến lợi ích dài lâu của Mỹ”.
Vào ngày 23/11/2018, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin nói rằng Washington đã “khởi động một chiến dịch đặc biệt”, hối thúc các đồng minh tránh sử dụng thiết bị viễn thông do hãng Huawei của Trung Quốc sản xuất.
Liệu Pháp sẽ theo chân Mỹ?
Tờ Les Echos hôm 21/1 đưa tin, chính quyền Pháp đang xem xét một dự luật sửa đổi chống lại hãng Huawei. Tin này xuất hiện chỉ 2 ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Pháp, theo kế hoạch là vào ngày 23/1.
Theo tờ báo này, sửa đổi trên là nhằm mở rộng quyền của các nhân viên an ninh Pháp trong việc kiểm tra các thiết bị của các hãng viễn thông, và cũng sẽ hạn chế cả sự tiếp cận của Huawei đối với mạng 5G của Pháp.
Báo Les Echos nhấn mạnh rằng Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật Bản đều đã cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cung cấp thiết bị 5G cho thị trường các nước đó.
Vào ngày 20/1/2019, tờ Globe and Mail xuất bản một bài bình luận của ông Richard Fadden - cựu Cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Canada, với quan điểm cho rằng chính phủ Canada nên cấm Huawei tiếp cận mạng 5G của nước này nhằm bảo vệ an ninh cho người Canada.
Thế khó kinh tế của Trung Quốc thực tế lớn hơn nhiều, không chỉ do Mỹ
Trước đó có thông tin cho rằng Huawei sẽ bị cấm cung cấp thiết bị 5G ở Đức, còn tập đoàn viễn thông Anh BT xác nhận vào tháng 12/2018 rằng họ sẽ không mua thiết bị của Huawei cho phần cốt lõi trong mạng không dây 5G của mình.
Alexander Lomanov, nhà nghiên cứu trưởng tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Học viện hàn lâm Khoa học Nga, lặp lại quan điểm của nhà nghiên cứu Li: “Mỹ sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực nhằm thuyết phục các đồng minh của minh tạo ra một mặt trận thống nhất rộng lớn để gây áp lực lên Trung Quốc, từ đó đánh bật nước này khỏi thị trường phương Tây, và cắt lìa họ với các công nghệ nhập từ phương Tây”.
Lomanov dẫn lại nhận xét của China Daily cho rằng Washington và đồng minh đã áp dụng “chiến thuật bầy sói mai phục” để công kích Bắc Kinh.
Lomanov đặt câu hỏi: “Vậy tới đây Trung Quốc sẽ làm gì, khi bị một bầy sói xám đông đảo tấn công? Liệu họ sẽ đơn thương độc mã đến cùng hay sẽ nhận ra rằng mình cần có đồng minh trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này?”.
Theo học giả Nga này, đây không phải là lần đầu tiên phương Tây tạo ra một liên minh rộng khắp chống lại Trung Quốc.
Vấn đề dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ
Câu chuyện Huawei đã chuyển gam màu đáng kể khi xuất hiện các thông tin nói rằng Washington sẽ sớm chính thức yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.
Ngay hôm 21/1, Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton nói với CNN rằng ông đã được thông báo là Bộ Tư pháp Mỹ sẽ xúc tiến quá trình này.
Dự kiến Canada sẽ nhận được văn bản đề nghị chính thức từ phía Mỹ vào ngày 30/1/2019, trùng với thời điểm bắt đầu vòng 2 của đàm phán thương mại giữa phái đoàn Trung Quốc (do Phó Thủ tướng Lưu Hạc của nước này dẫn đầu) và phái đoàn Mỹ.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh rằng Washington và Ottawa đã vi phạm thỏa thuận dẫn độ trong vụ Mạnh Vãn Chu và nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc thả bà Mạnh.
Về phần mình, hãng viễn thông Huawei bày tỏ hy vọng Mỹ và Canada sẽ mau chóng nhất trí thả tự do cho bà Mạnh.
Thông cáo chính thức của Huawei có đoạn: “Huawei hy vọng chính quyền Mỹ và Canada sẽ có thể phóng thích bà Mạnh càng sớm càng tốt. Chúng tôi cũng hy vọng hệ thống tư pháp Mỹ và Trung Quốc sẽ có được một quyết định công bằng”./.