Trong khuôn khổ hoạt động “Hành trình vạn lý Lan Thương-Mekong” do Trung Quốc tổ chức, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Chung Dũng (Zhong Yong), Giám đốc Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương về một số vấn đề liên quan đến hợp tác tài nguyên nước trên dòng sông này.

Ông Chung Dũng cho biết, Trung Quốc bắt đầu chia sẻ dữ liệu nước mùa khô với các nước vùng Mekong từ ngày hôm nay (1/11). Trước đó, theo Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong (MRCS), từ năm 2003, Trung Quốc mới chỉ cung cấp dữ liệu về mực nước và lượng mưa từ hai trạm thủy văn của nước này ở sông Lan Thương trong mùa mưa, tức từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những thông tin mới nhất về việc chia sẻ dữ liệu nguồn nước giữa Trung Quốc với các quốc gia dọc dòng Mekong sau tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Hội nghị trực tuyến lãnh đạo cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ ba về việc chia sẻ dữ liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương?

Ông Chung Dũng: Công việc này hiện do Bộ Thủy lợi Trung Quốc thực hiện. Trung Quốc coi trọng cao độ hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong. Theo tôi được biết, việc chia sẻ thông tin thủy văn sông Lan Thương vào mùa khô, tức dữ liệu thủy văn cả năm đã gặt hái kết quả. Nhóm công tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong mới đây đã tổ chức hội nghị tham vấn và đi đến nhận thức chung. Hơn nữa, kết quả này cũng được thể hiện tại hội nghị đối thoại giữa Trung Quốc và Ủy hội Sông Mekong (MRC) ngày 22/10.

Như vậy, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin thủy văn cho 5 nước sông Mekong qua 2 kênh, một là thông báo trực tiếp cho 5 nước qua kênh làm việc đã có sẵn, hai là cung cấp cho Ban Thư ký của MRC bởi Trung Quốc còn là đối tác đối thoại của Ủy hội. Từ ngày 01/11, thông tin thủy văn mùa khô sẽ được chuyển đến các quốc gia sông Mekong.

PV: Theo số liệu thống kê, Trung Quốc dự kiến quy hoạch xây dựng 22 nhà máy thủy điện trên dòng Lan Thương, trong đó có 7 nhà máy ở Tây Tạng, 15 nhà máy ở Vân Nam. Liệu ông có thể chứng thực điều này? Khi quy hoạch xây dựng Trung Quốc có tính toán đến những tác động đối với các quốc gia hạ nguồn hay không?

Ông Chung Dũng: Vì tôi không phải là người phát ngôn về phát triển thủy điện trên sông Lan Thương, nên con số cụ thể chị có thể kiểm chứng qua các kênh khác. Tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là những tính toán xoay quanh việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Không chỉ ở Trung Quốc, mà tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, khai thác thủy điện đều là một cách làm căn bản nhằm cải thiện kinh tế, xã hội của chính quyền sở tại.   

Việc khai thác thủy điện, bao gồm cả việc xây các đập thủy điện và hồ chứa nước đều là một trong những biện pháp khai thác nguồn nước căn bản nhất được quốc tế công nhận. “Trị quốc trước tiên trị thủy” đây là quan điểm của Trung Quốc, cũng là quan điểm chung trong sự phát triển của văn minh nhân loại. Tỷ lệ khai thác thủy điện hiện nay của Trung Quốc là khoảng 30%. Xây dựng đập nước, hồ chứa, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực là một sự lựa chọn đúng đắn mà chúng ta không thể né tránh, nhưng trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng cần xem xét đến tính bền vững với môi trường. Theo tôi được biết, các nhà máy thủy điện trên dòng Lan Thương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan. Bên cạnh việc phát huy tối đa lợi ích của công trình, còn cần phải hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với môi trường.

PV: Mỗi năm tỉnh Vân Nam, địa phương có dòng Lan Thương chảy qua dài nhất và cũng là nơi có nhiều đập thủy điện nhất trên dòng sông này ở Trung Quốc, đều đề ra mục tiêu trữ nước. Vậy mục tiêu này là cố định hay thay đổi hàng năm và nó tác động ra sao tới các quốc gia hạ nguồn?

Ông Chung Dũng: Vì sao phải có kế hoạch trữ nước hàng năm? Bởi bất cứ công trình thủy lợi nào cũng cần phát huy ở mức cao nhất hiệu quả tổng hợp, như phát điện, tưới tiêu, cấp nước..., do vậy cần phải điều phối một cách khoa học. Tôi cho rằng, mỗi năm cần căn cứ tình hình thực tế để phân tích và đưa ra một kế hoạch khoa học, nhằm thực hiện được nhiều mục tiêu và đạt được hiệu quả tối đa về môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội...

Việc các nước hạ nguồn quan tâm đến việc khai thác, sử dụng nguồn nước của các nước đầu nguồn là hoàn toàn hợp lý và bình thường. Tuy nhiên, việc quản lý các dòng sông không chỉ là điều hết sức phức tạp giữa nhiều quốc gia, mà còn cả ở ngay trong một đất nước. May mắn là trong cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong, cả 6 nước đều sẵn sàng đối diện với những vấn đề đã, đang và có thể xảy ra, không hề né tránh. Đó chính là lý do vì sao chúng ta phải xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin tài nguyên nước.

Lượng nước dòng Lan Thương của Trung Quốc chiếm 1/7 trên tổng thể, do vậy để giải quyết vấn đề trong lưu vực, vừa cần có ý nguyện hợp tác chung của cả 6 nước và sự tin cậy cao độ, vừa phải có các phương pháp khoa học. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hợp tác của 6 nước trong lưu vực.

PV: Vậy việc thiết lập nền tảng chia sẻ thông tin giữa các nước Mekong-Lan Thương đã thực hiện đến đâu và theo ông các bên nên thiết lập một cơ chế hợp tác chia sẻ thông tin như thế nào?

Ông Chung Dũng: Theo tôi được biết, công việc này đã có những tiến triển tích cực. Đối với việc trị thủy trong lưu vực, chia sẻ thông tin là nền tảng quan trọng nhất. Nếu thông tin không minh bạch, cân đối, sẽ không thể triển khai hợp tác, cũng không có cơ sở và sự tin cậy lẫn nhau. Chỉ có thông tin, mới có sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau, mới có cơ sở để đưa ra các quyết sách khoa học. Do vậy, muốn giải quyết ổn thỏa các vấn đề về thiên tai, như lũ lụt, hạn hán trên dòng Lan Thương-Mekong, chia sẻ thông tin là điều hết sức quan trọng.

Hiện nay, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đang tập trung triển khai công việc này và tích cực trao đổi với các nước Mekong. Tháng 9 vừa qua, dưới sự phối hợp của Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Lan Thương-Mekong, 6 nước đã tham vấn chuyên đề về nền tảng chia sẻ thông tin tài nguyên nước và đi đến các ý tưởng mang tính nguyên tắc.

Việc xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin là một công trình mang tính hệ thống, do vậy vẫn cần thêm thời gian. Có thể là 2 năm, 3 năm hay 5 năm mới có thể hoàn tất, nhưng quan trọng là “Vạn lý trường chinh” giờ đã có 1 khởi đầu tốt. Đây là trọng tâm công tác hiện nay và đã được Thủ tướng 6 nước cùng đi đến thống nhất tại Hội nghị trực tuyến lãnh đạo cấp cao lần thứ ba. 

Về phương thức hợp tác, tôi cho rằng, các kiến nghị của Bộ trưởng Thủy lợi Trung Quốc Ngạc Cánh Bình đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương hồi tháng 12/2019 là rất hay. Thứ nhất, các nước trong lưu vực cần tôn trọng quyền lợi phát triển của nhau. Thứ hai, các nước đều có quyền khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước để cùng phát triển. Thứ ba, trong quá trình hợp tác không tránh khỏi gặp phải khó khăn, khi đó tất cả cần cùng nhau bàn bạc để giải quyết.

PV: Xin cảm ơn ông./.