Sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp tục có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8. Chuyến thăm này của bà Kamala Harris đánh dấu lần đầu tiên nữ Phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực.

Ông Thomas Vallely - chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Havard cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của bà Harris sẽ là “chuyến đi quan trọng nhất (tới Việt Nam) mà một quan chức cấp cao của Mỹ thực hiện kể từ thời Tổng thống Bill Clinton - người đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995”.

Khẳng định sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam

Theo thông báo từ Nhà Trắng, bà Harris dự kiến sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính để bàn về dịch bệnh Covid-19 cũng như các vấn đề an ninh khu vực và hợp tác kinh tế.

ABC News cho rằng, chuyến thăm của bà Harris không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương mà còn khẳng định cam kết hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam khi dịch bệnh Covid-19 đang lây lan mạnh.

Mỹ hiện là nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam với việc trao tặng 5 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng công bố khoản hỗ trợ hơn 20 triệu USD giúp Việt Nam phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận thương mại với các nhà sản xuất vaccine của Mỹ là Moderna và Pfizer để đảm bảo có ít nhất 80 triệu liều vaccine giúp khoảng 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên vào quý đầu tiên của năm 2022. 

Giống như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đang phải nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch bệnh mới do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam vẫn ở mức thấp. Ước tính có khoảng 17,5 triệu liều vaccine đã được sử dụng cho đến nay. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 60% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, bà Harris sẽ tham dự lễ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Chuyến thăm này diễn ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam vào tháng 7 vừa qua. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân y để chống dịch Covid-19, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Mỹ cũng cam kết tài trợ 77 tủ đông âm sâu, giúp Việt Nam bảo quản và phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Thúc đẩy hợp tác thương mại

Trong một bài bình luận trên tờ Geopoliticalmonitor, ông James Borton chuyên gia tại Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts (Mỹ) cho rằng, Washington hiểu rõ cầu nối chiến lược với Việt Nam vì cả hai bên đều chia sẻ mối lo ngại chung về các thách thức trong khu vực.

Hai bên đã dành hàng thập kỷ hành động một cách có mục đích và thực hiện những bước đi thận trọng nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh cả hữu hình và vô hình. Có rất nhiều điểm nổi bật trong các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Việt Nam và những chuyến thăm kể trên được coi là những bước đi biểu tượng mang ý nghĩa về mặt địa chính trị.  

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sự hòa giải, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã cho các quốc gia khác thấy rằng hai bên có thể trở thành những người bạn và đối tác thực sự”.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến tích cực nhằm thúc đẩy sự hợp tác. Kim ngạch thương mại song phương đạt 90 tỷ USD vào năm 2020, tăng 17% so với năm 2019. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

Sự kết nối với Mỹ và nhiều quốc gia khác đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á. Theo ông James Borton, thời gian qua, các chuyên gia tài chính đã chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, tự do hóa tài chính và mở cửa thị trường. Bước chuyển biến này bắt đầu vào năm 2001 với việc ký kết một loạt thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam, tạo tiền đề cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thượng mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Một số nhà phân tích cho rằng, thương mại cũng sẽ là một chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris. Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là chuỗi cung ứng chất bán dẫn khi ngày càng có nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều nhà máy ở Việt Nam phải đóng cửa. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp để tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của bà Harris.

Còn theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Australia bất cứ sự thông báo nào về kế hoạch thúc đẩy một hiệp định thương mại kỹ thuật số và các cuộc thảo luận nhằm nâng cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nhà cung cấp chất bán dẫn cho Mỹ cũng có thể nhận được sự hưởng ứng tích cực từ hai phía.

Ngoài vấn đề ứng phó dịch Covid-19 và hợp tác thương mại, bà Harris nhiều khả năng sẽ truyền tải thông điệp rằng Mỹ sẽ không cho phép bất cứ nhân tố nào làm tổn hại đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải tại các vùng biển trong khu vực, chuyên gia James Borton lưu ý. Chính sách này là nền tảng cho tầm nhìn của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, tiến hành thương mại một cách tự do, công bằng./.