Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam là một phần trong chiến lược ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden ở Đông Nam Á – khu vực được Washington đánh giá là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong tương lai. Ông Biden là Tổng thống Mỹ thứ ba hứa hẹn một sự tập trung mới vào khu vực này.

Tổng thống Obama từng giới thiệu chiến lược “xoay trục”, chuyển hướng chính sách ngoại giao của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương, còn Tổng thống Trump luôn nói về khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhằm thách thức ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Cả hai chiến lược này đều không nhằm một mục đích nào khác ngoài việc đảo ngược nhận thức về sự suy giảm uy tín của Mỹ trong khu vực.

Đã có một số lo ngại trong khu vực về sự thiếu quan tâm rõ ràng của chính quyền Tổng thống Biden trong 6 tháng đầu tiên nắm quyền, khi ông Biden vẫn chưa gọi điện cho nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào và dường như tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng lại mối quan hệ với châu Âu.

Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, các chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã báo hiệu mức độ quan tâm sâu sắc của Mỹ đến khu vực này.

Đẩy mạnh ngoại giao vaccine và thương mại

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho biết: “Cái cách Mỹ rút quân khỏi Afghanistan gây tổn hại đến uy tín của Washington. Nhưng về lâu về dài, nó phụ thuộc vào những gì họ làm tiếp theo. Nếu theo dõi các chuyến thăm của ông Austin và bà Harris, đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong khu vực này và nếu họ hoàn toàn dành nguồn lực cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì đây có thể là hoạt động đối ngoại tập trung hơn của chính quyền Biden, tránh xa Trung Đông và những cuộc chiến không hồi kết”.

Việc Mỹ tặng 23 triệu liều vaccine Covid-19 gần đây đã khiến cho hình ảnh của Washington ở Đông Nam Á được cải thiện không ngờ. Bà Harris chắc chắn sẽ tận dụng chuyến thăm này để tiếp tục làm đậm nét hơn những gì đã đạt được, thông qua việc dự lễ khai trương văn phòng Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á.

Có mặt ở Singapore, bà Harris có thể thúc đẩy ý tưởng về một hiệp định thương mại kỹ thuật số giữa một số quốc gia trong khu vực, có thể bao gồm bảo mật kỹ thuật số và các tiêu chuẩn đã được thống nhất trong các công nghệ mới nổi như AI và blockchain.

Với nỗ lực này, Mỹ có thể quay trở lại tham gia vào mạng lưới thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương, sau những thiệt hại do Tổng thống Trump đột ngột rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và trong các lĩnh vực mà Mỹ có khả năng cạnh tranh.

Đối phó Trung Quốc

Chuyến thăm của bà Harris tới Đông Nam Á được cho là cũng nhằm mục đích chống lại những bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc trong việc phát triển viễn thông, các công nghệ tiên tiến khác và cái gọi là “con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Có thể nêu ra ví dụ ở đây, đó là việc cơ sở hạ tầng 5G tiên tiến của Huawei đã có mặt ở nhiều quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang thúc đẩy những thay đổi đối với cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, để giúp các công ty Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào số ít các nhà cung cấp chuyên biệt, phần nhiều là ở Trung Quốc.

Những vấn đề này dường như là có sức hấp dẫn hơn ở Đông Nam Á so với việc chính quyền Trump chỉ nói về việc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Không một quốc gia nào lại muốn được yêu cầu lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden không thể không lên tiếng trấn an các đồng minh và đối tác về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Vậy nên, nhiều khả năng bà Harris khi có mặt ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục nhấn mạnh trật tự khu vực dựa trên luật lệ với nền tảng là luật pháp quốc tế, và sự tự do đi lại trên các vùng biển để phục vụ thương mại.

Khủng hoảng Myanmar

Một vấn đề đang nóng khác trong khu vực là bất ổn chính trị ở Myanmar, có thể cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công du lần này của bà Harris. Phó Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ thúc giục các nước Đông Nam Á hành động quyết liệt hơn để xử lý vấn đề Myanmar. Mỹ nói rằng ASEAN nên đi đầu trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Hồi đầu tháng này, ASEAN bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei Erywan Yusof làm đặc phái viên về Myanmar để thúc đẩy xử lý khủng hoảng.

Việc đề cao vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia thành viên, họ sẽ bớt bị áp lực bởi cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thông qua chuyến thăm của bà Harris, nước Mỹ gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ sẽ giúp đỡ các quốc gia trong khu vực và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề chung. Ở chiều ngược lại, đương nhiên, Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi từ những gì họ cho đi./.