Việc Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị phía Canada bắt giữ ngày 1/12 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ có thể sẽ khiến các công ty công nghệ Mỹ phải hứng chịu hậu quả và gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, vụ lùm xùm này cũng ít nhiều gây tổn hại tới quan hệ giữa Trung Quốc với Canada khi Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Ottawa.

vutapdoanhuaweikhienquanhemytrungxoimon_bseu.jpeg
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc lại tiếp tục chứng kiến bước thụt lùi khi Mỹ yêu cầu Canada bắt và dẫn độ Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: AP

Trung Quốc ngay lập tức có những phản ứng quyết liệt khi nhà điều hành cấp cao của Huawei - nhân tố quan trọng trong chiến lược khẳng định vị thế cường quốc công nghệ của Bắc Kinh, bị bắt giữ liên quan tới cáo buộc cố tình lách lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran. Trung Quốc khẳng định bà Mạnh Vãn Chu không vi phạm luật pháp của Mỹ hoặc Canada, đồng thời yêu cầu hai nước này giải thích lý do bắt giữ cùng với việc "ngay lập tức sửa sai" và trả tự do để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân Trung Quốc.
Hiện dư luận cũng đang đặt ra những dấu hỏi lớn xoay quanh việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ngay trong ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 tại Argentina nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột thương mại đang diễn ra và khi đó hai bên vừa mới đạt thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày.

Giới quan sát cảnh báo, vụ việc đang gây ầm ĩ này chắc chắn sẽ có tác động nhất định tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Không ít chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ có thể lợi dụng diễn biến mới này như một con bài mặc cả trong tranh chấp thương mại. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ có thể dùng bà Mạnh Vãn Chu để gây sức ép trực tiếp lên Trung Quốc nếu nước này không đáp ứng được thời hạn mà Tổng thổng Trump đặt ra để giải quyết tranh chấp thương mại.

Ông Dennis Wilder, từng là nhà phân tích Trung Quốc tại CIA cho rằng, vụ việc chắc chắn sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán và có vẻ như Mỹ muốn gia tăng áp lực trong giai đoạn 90 ngày. Trong khi đó, Giáo sư Giả Văn Sơn của Đại học Chapman, Mỹ nhận định, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một phần chiến lược địa chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đối đầu với Trung Quốc, cảnh báo điều này có nguy cơ đẩy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đi chệch hướng.

Liên quan tới việc Mỹ yêu cầu Canada bắt và dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giáo sư luật học Lưu Đức Lương thuộc Học viện pháp luật, Đại học Bắc Kinh chỉ trích cách làm này đã vi phạm luật pháp quốc tế. Giữa lúc căng thẳng Mỹ- Trung ở giai đoạn cao trào mới, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6/12 đã lên tiếng biện hộ cho việc bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu của “ông trùm công nghệ” mà chính phủ Trung Quốc ra sức vun vén này.

Ông Trudeau nói: "Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng chúng tôi là một quốc gia có nền tư pháp độc lập và cảnh sát đã đưa ra quyết định này mà không có bất kỳ sự can thiệp chính trị hay can thiệp nào khác. Và đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc với các cơ quan tình báo đẳng cấp thế giới của mình, đồng thời thực hiện theo các khuyến nghị mà họ đưa ra theo cách chúng tôi có thể đảm bảo rằng người Canada được an toàn. Chúng tôi luôn luôn làm theo khuyến nghị của cộng đồng an ninh và tình báo quốc gia của chúng tôi."

Rõ ràng, thời điểm này chưa thể đánh giá vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể khiến mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ - Canada ảnh hưởng ở mức độ như thế nào. Liệu rằng đây có phải vật cản mới đặt ra cho thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung hay không? Hay mọi nỗ lực trước đây cho một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Canada có bị đổ sông, đổ biển?

Tất cả những điều này có lẽ sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách xử lý tình hình của các bên liên quan. Ở đây, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò chính để diễn biến xung đột thương mại mới không biến thành một vụ án chính trị với những hậu quả khôn lường./.