Trong ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên của Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ, Bộ Tứ kim cương) với lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Làm thế nào để nhóm Bộ Tứ hoạt động hiệu quả sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden ở châu Á. Nhưng để làm được điều đó sẽ cần phải có một chương trình cụ thể được xây dựng trên những mục tiêu chung.
Phép thử quan trọng đối với Tổng thống Biden
Ông Biden đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên và tự tin hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Điều này sẽ khiến ông gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết một loạt thách thức ở châu Á, từ an ninh hàng hải cho tới vấn đề Triều Tiên. Với những thách thức như vậy, chính quyền Biden đã đúng khi tiếp tục động thái từ người tiền nhiệm Donald Trump trong việc “hồi sinh” Bộ Tứ kim cương.
Nhóm Bộ Tứ không chỉ đóng một vai trò quan trong trong việc kiềm chế Trung Quốc mà con có một vai trò lớn hơn thế.
Dù chưa bao giờ được coi là một liên minh chính thức, Bộ Tứ được xem như một nhóm lợi ích chung giữa các nền dân chủ hàng đầu. Cơ chế này mở ra cơ hội dẫn đầu một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên các giá trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối với không chỉ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia mà còn cả các quốc gia có chung quan điểm.
Hành động tập thể đầu tiên của các nước Bộ Tứ là phản ứng trước thảm họa sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương, đặc biệt là cung cấp viện trợ ứng phó thảm họa ở Indonesia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất một kế hoạch chính thức của nhóm Bộ Tứ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông năm 2006. Dù vậy, việc ông Abe chỉ nắm quyền trong thời gian ngắn và việc Australia và Ấn Độ lo ngại căng thẳng trong quan hệ với phía Trung Quốc khiến nhóm này ít có hành động cụ thể ngoài một cuộc họp năm 2007 bên lề hội nghị thường niên của ASEAN và một cuộc tập trận hải quân chung vào tháng 9 cùng năm. Australia được mời tham gia cuộc tập trận Malabar năm 2007 với tư cách đối tác không thường trực.
Mọi thứ đã rất khác biệt sau 1 thập kỷ. Tháng 10/2017, khi ông Abe trở lại nắm quyền ở Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó Taro Aso đã đề xuất khôi phục Đối thoại Tứ giác An ninh.
Cuộc họp chính thức thứ 2 của Bộ Tứ diễn ra vào tháng 11/2017, một lần nữa cũng là bên lề hội nghị thường niên của ASEAN. Kể từ đó, ngoại trưởng các nước Bộ Tứ nhóm họp 3 lần, vào năm 2019, 2020 và lần gần đây nhất là tháng 2/2020 với sự tham dự của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nhấn mạnh rằng, Bộ Tứ là yếu tố cơ bản đối với vị thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những khía cạnh hợp tác tiềm năng của Bộ Tứ
Dù vậy, phép thử thực sự đối với Bộ Tứ là làm thế nào để thực sự duy trì quy tắc pháp luật và ổn định châu Á. Có 4 lĩnh vực mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác nhằm thúc đẩy lợi ích chung đồng thời củng cố hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước tiên là an ninh hàng hải. Những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã dấy lên bất ổn ở Biển Đông và biển Hoa Đông suốt nhiều năm qua. Với việc xây dựng, quân sự hóa trái phép các đảo, đá ở Biển Đông, nhiều lần xâm nhập vào các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, Bắc Kinh đã làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.
Luật hải cảnh mới cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài cũng có thể làm dấy lên nguy cơ đối đầu vũ trang.
Với sức mạnh hải quân của mình, các nước Bộ Tứ có thể đi đầu trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực, tăng cường chia sẻ thông tin, thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải, tự do hàng hải chung ở các vùng biển quốc tế, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc đe dọa các nước khác trong khu vực.
Lĩnh vực thứ hai mà nhóm Bộ Tứ có thể hợp tác là an ninh chuỗi cung cấp hàng hóa. Các nước thuộc nhóm Bộ Tứ nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới và là các đối tác thương mại quan trọng nhất. Việc Trung Quốc trì hoãn vận chuyển các thiết bị bảo hộ cá nhân do các công ty của Mỹ sản xuất ở Trung Quốc và việc nước này đe dọa sẽ không cho Mỹ tiếp cận thị trường dược phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đối với chuỗi cung cấp toàn cầu. Điều này cho thấy sự cấp bách phải giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung cấp hàng hóa.
Các đồng minh và đối tác đáng tin cậy rộng rãi trong khu vực cần phải cùng nhau nỗ lực để xây dựng các chuỗi cung cấp hàng hóa an toàn và ngăn Trung Quốc tận dụng các công cụ bắt nạt mà nước này đang tận hưởng lợi thế.
Hợp tác về công nghệ là lĩnh vực thứ ba. Dù cả 4 nước đều đang tụt lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua 5G, nhưng các nước Bộ Tứ nên có thể tập trung vào phát triển công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo và mở rộng các lựa chọn vượt ra ngoài Trung Quốc.
Nhóm Bộ Tứ cũng có thể tận dụng sự đa dạng của các nước thành viên để thúc đẩy ngoại giao giữa các nền dân chủ hàng đầu với các nước khác ở khu vực châu Á. Ví dụ, Nhật Bản có truyền thống duy trì quan hệ tốt với các nước như Campuchia, Myanmar và các nước khác, trong khi cả Ấn Độ và Australia đều có quan hệ sâu sắc với nhiều nước ở châu Á và châu Đại Dương, nơi mà Mỹ ít có sự hiện diện.
Để đối phó Trung Quốc, còn một yếu tố khác cũng rất quan trọng, đó là cơ chế hợp tác với các tổ chức trong khu vực như Cấp cao Đông Á, ASEAN và Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Liên kết các nền dân chủ lớn nhất trong khu vực với nhau để đẩy mạnh hành động hợp tác giữa các nước có chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng có thể đem lại cơ hội tốt nhất để kiềm chế Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở châu Á./.