Mặc dù Tham vấn an ninh chiến lược Nga – Trung Quốc lần thứ 16 giữa ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại tướng Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga đã diễn ra từ hôm 25/5, song đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về nội dung tham vấn được tiết lộ.

Truyền thông và chuyên gia Trung Quốc nhận định, hai bên có thể đã đề cập đến việc thiết lập một trật tự thế giới mới thay thế trật tự do Mỹ dẫn dắt và chuẩn bị cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ngay sau Thượng đỉnh Mỹ-Nga.

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Nga diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng dự buổi ra mắt trực tuyến dự án năng lượng hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước hôm 19/5.

Phía Nga mời ông Dương Khiết Trì sang thăm ngay sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Nga, gợi nhớ đến việc Trung Quốc mời Ngoại trưởng Lavrov đến Trung Quốc hồi tháng 3/2021, thời điểm cách cuộc đối thoại cấp cao Trung - Mỹ tại Anchorage, Mỹ không lâu.

Một số nhà bình luận cho rằng, chuyến thăm Nga của ông Dương Khiết Trì là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Trung-Nga đang đi vào chiều sâu. Hai nước ngày càng coi trọng quan hệ song phương khi đang phải đối mặt với nhưng thách thức từ Mỹ và phương Tây, cũng như tình trạng xáo trộn trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nga-Trung không liên minh, nhưng sẽ cùng thiết lập trật tự quốc tế mới?

Việc Trung Quốc và Nga không xây dựng liên minh từ lâu đã được hai nước khẳng định. Hồi tháng 4/2021, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nhắc đến điều này trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại New Delhi sau hội đàm, ông Lavrov khẳng định: “Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung, chúng tôi đã nói rằng mối quan hệ của chúng tôi đang ở mức cao nhất trong lịch sử nhưng mối quan hệ đó không theo đuổi mục tiêu thiết lập một liên minh quân sự”.

Trong bài xã luận hôm 26/5 về quan hệ Trung-Nga nhân chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc và Nga sẽ không thành lập liên minh, nhưng sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước sẽ rất mạnh mẽ, sự phối hợp chiến lược giữa hai nước đã thâm nhập vào tất cả các khía cạnh của chính trị quốc tế. Sự xích lại gần nhau giữa hai bên không nhằm mục đích thách thức bất kỳ quốc gia nào, nhưng nếu Mỹ và các đồng minh gây áp lực lên Trung Quốc hoặc Nga vượt ra ngoài các tranh chấp thông thường, họ chắc chắn sẽ chứng kiến quốc gia kia đứng chung với quốc gia bị áp bức, và sức ép càng lớn thì sự ủng hộ của quốc gia còn lại sẽ càng kiên định".

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, Tham vấn an ninh chiến lược Nga – Trung Quốc lần thứ 16  là cuộc họp cấp cao tập trung vào hợp tác chiến lược nhằm đối phó với các mối đe dọa địa chính trị và an ninh khu vực và toàn cầu.

Do vậy, bên cạnh các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga, hai bên có thể đã tập trung vào hàng loạt các vấn đề khu vực và thế giới, như tình hình Trung Á sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, các mối đe dọa của phương Tây đối với an ninh chính trị của hai nước và các quốc gia xung quanh, chiến dịch chống thông tin sai lệch và an ninh mạng.

Trong bài phân tích mới đây về quan hệ Trung-Mỹ, ông Chu Dĩnh, Giáo sư Kinh tế của Đại học Sư phạm Thượng Hải cho rằng, Trung Quốc không còn chấp nhận trật tự quốc tế do Mỹ chủ trương và lập trường của Trung Quốc đã được Nga đáp lại.

Theo chuyên gia này, tại cuộc gặp “2+2” ở Alaska, Trung Quốc tuyên bố với thế giới rằng “sẽ không chấp nhận” trật tự quốc tế dựa trên luật lệ “do một số ít quốc gia chủ đạo”. Với tuyên bố này chính phủ Trung Quốc đã thay đổi quan điểm trước đó mà họ từng nhiều lần khẳng định, rằng Trung Quốc “không có ý định thay đổi Mỹ, chứ đừng nói là thay thế Mỹ".

Sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã ra tuyên bố chung nêu rõ "tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ, cần kiên định duy trì hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc là nòng cốt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế."

Tuyên bố này là những gì ông Dương Khiết Trì đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Nga đã tiếp thu cách biểu đạt trên của Trung Quốc về trật tự quốc tế, cho thấy Nga và Trung Quốc đang đứng về cùng một phía, ông Chu Dĩnh nhận định.

Ông Dương Tiến, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho rằng, trong khi gây áp lực lên Trung Quốc và Nga, Mỹ cũng rút khỏi nhiều khu vực còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, những khu vực này như Trung Đông, Trung Á đều liên quan mật thiết đến lợi ích của Trung Quốc và Nga. Do vậy, Bắc Kinh và Moscow cần phối hợp chặt chẽ để xử lý các tình huống sắp xảy ra, bao gồm cả việc thiết lập một trật tự mới để thay thế trật tự do Mỹ dẫn dắt khi trật tự này gặp trục trặc.

Chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin tới Trung Quốc? 

Trung Quốc và Nga đã duy trì trao đổi thường xuyên trong năm qua, đặc biệt là khi phải đối mặt với những áp lực từ Mỹ và đại dịch Covid-19.

Năm 2020, nguyên thủ hai nước đã điện đàm 5 lần. Hai bên cũng tuyên bố sẽ kỷ niệm 20 năm Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung – Nga trong năm 2021.

Mới đây, theo thông báo chính thức, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc Putin thăm Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ cũng là điều hợp lý để phối hợp hơn nữa với Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, ông Putin có thể thăm Trung Quốc sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Biden vào tháng 6 và trước lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung-Nga ngày 16/7. Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc 1/7 cũng là một cơ hội và môi trường thuận lợi cho chuyến thăm.  

"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang tiến triển ổn định ... rất có thể Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước", tức là từ tháng 6 đến tháng 7, mối quan hệ ba bên Trung Quốc-Nga-Mỹ có thể sẽ chứng kiến ​​một loạt các sự kiện lớn – ông Vương Hiến Cử, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga của Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Quốc gia St. Petersburg nhận định.

Thôi Hoành, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông cũng cho rằng, ông Dương Khiết Trì và các quan chức Nga có thể đề cập đến chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hai nước trong năm nay.

"Năm nay đánh dấu 20 năm kỷ niệm Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời cũng sẽ chứng kiến các tương tác thường xuyên ngày càng tăng và quan hệ song phương chặt chẽ", ông nói.

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Nga diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến việc khởi công các dự án năng lượng hạt nhân quan trọng hồi tuần trước và bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau. Ông Putin còn ca ngợi quan hệ giữa hai nước đã đạt đến mức “tốt đẹp nhất và tầm cao nhất trong lịch sử”.

Chuyên gia Nga khi trả lời truyền thông Trung Quốc cũng hy vọng chuyến thăm của ông Dương có thể dẫn đến "thông báo về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình"./.