Ưu tiên chính trong chương trình nghị sự
Với khẩu hiệu “Dám tiến bộ hơn” và “Dám dân chủ hơn”, tân Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định sẽ xây dựng chính phủ liên minh 3 bên gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) trở thành lực lượng hiện đại hóa mạnh mẽ và năng động. Ông Olaf Scholz quyết nói không với sự tự mãn, đồng thời cam kết phá vỡ thế thế bế tắc trong tiến trình cải cách ở những năm cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Angela Merkel.
Thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh đưa ra một chương trình hiện đại hóa sâu rộng tập trung vào các mục tiêu hành động đầy tham vọng nhằm chống biến đổi khí hậu và cải tổ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ của Đức. Thỏa thuận cũng bao gồm nhiều quy định mới, chẳng hạn như cho phép công dân được mang hai quốc tịch và đề xuất nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại, an ninh của Đức nói riêng cũng như các chính sách của châu Âu nói chung.
Liên minh 3 đảng cam kết thúc đẩy sự hội nhập châu Âu, đưa EU trở thành “hợp chúng quốc châu Âu”, nhằm bảo vệ “chủ quyền chiến lược” cũng như các lợi ích của châu Âu trong thế kỷ 21. Lập trường cứng rắn của đảng Xanh và FDP đối với Nga, Trung Quốc, cho thấy chính phủ mới của Đức có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, khác với cách tiếp cận mềm mại, thận trọng của bà Merkel.
Khó đáp ứng kỳ vọng của châu Âu
Bất chấp những nội dung mới trong thỏa thuận liên minh, giới phân tích cho rằng, chính phủ mới khó có thể thực hiện được kỳ vọng lâu nay của nhiều đối tác (trong đó có Pháp) mong muốn Đức đóng một vai trò tích cực, chủ động hơn trong các vấn đề đối ngoại cũng như thúc đẩy lập trường chung của châu Âu trước các thách thức địa chính trị lớn.
Thứ nhất, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ mới chủ yếu tập trung vào chương trình nghị sự trong nước. Cả 3 đảng cần phải thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, đáng chú ý không có bất cứ cam kết nào xoáy sâu vào chính sách đối ngoại hoặc châu Âu. Chiến dịch tranh cử của ông Scholz chủ yếu xoay quanh vấn đề bình đẳng xã hội. Do đó, nhiều khả năng nhà lãnh đạo này sẽ thực hiẹn các đề xuất về tăng lương tối thiểu, cải tiến hệ thống phúc lợi xã hội và đảm bảo nơi ăn chốn ở cho những gia đình có thu nhập thấp. Ông Olaf Scholz cần nhanh chóng thực hiện cam kết này để đảng cánh tả của ông có thể giành đa số ghế trong nghị viện.
Tương tự, FDP sẽ phải tìm cách đáp ứng mong muốn của các cử tri cốt lõi của mình, kiểm soát kế hoạch chi tiêu công và thực hiện cam kết số hóa bộ máy hành chính nhà nước, cải cách giáo dục và kinh tế.
Về tổng thể, nhiều khả năng tất cả các đảng trong liên minh sẽ nỗ lực đạt được tiến bộ nhanh chóng về một loạt chính sách đối nội. Bài phát biểu đầu tiên của ông Scholz tại Hạ viện mới đã phản ánh những ưu tiên này. Trong bài phát biểu dài 80 phút, ông Scholz đã dành phần lớn thời gian nói về vấn đề trong nước, còn châu Âu và các vấn đề khác trên thế giới chỉ được đề cập vắn tắt ở phần cuối. Áp lực về chính sách đối nội dự kiến sẽ gia tăng, khi Đức chuẩn bị tiến hành 4 cuộc bầu cử địa phương quan trọng vào năm 2022 và đây sẽ là thử thách chính trị lớn đầu tiên của chính phủ mới.
Thứ hai, ngay cả khi liên minh mới có xu hướng tập chung vào chính sách đối ngoại và chương trình nghị sự của châu Âu, vẫn chưa rõ chính phủ mới của Đức có thể nhất trí một lập trường chung hay không. Bất chấp sự đồng thuận được nêu rõ trong thỏa thuận thành lập liên minh, khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề cốt lõi vẫn còn tồn tại.
Về thách thức an ninh lớn mà châu Âu đang phải đối mặt, cụ thể là các hành động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine, chính phủ mới vẫn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng. Trong khi đảng Xanh, nhiều khả năng được sự ủng hộ của FDP, kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine, thì SPD lựa chọn phản ứng ôn hòa hơn.
Vấn đề Trung Quốc cũng tương tự. Nếu như đảng Xanh mong muốn Đức hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh thì tân Thủ tướng Olaf Scholz lại tránh nói đến chủ đề này. Lãnh đạo mới của SPD, ông Klingbeil công khai phản đối việc tẩy chay và cho rằng các bên cần phải tiếp tục đối thoại.
Vẫn là sự tiếp nối kỷ nguyên Merkel
Khi nói đến chính sách chung của châu Âu, ông Olaf Scholz cam kết thúc đẩy sự hội nhập châu Âu và cho biết sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Paris vào đầu tháng 12 này. Nhiều khả năng, ông sẽ củng cố những tiến bộ đạt được trong tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các nước thành viên EU, thông qua gói cứu trợ Covid-19 mà ông từng tham gia với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Đức, đồng thời cam kết đầu tư vào các dự án chung của EU để củng cố “chủ quyền châu Âu”. Tuy vậy, về chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu, mức độ can dự của Đức vẫn chưa rõ ràng.
Với sự khác biệt giữa 3 đảng trong chính phủ liên minh của Đức, khó có khả năng ông Scholz sẽ thực hiện được tầm nhìn nâng cao vị thế của châu Âu trong bối cảnh chính trị hiện tại. Nhưng rõ ràng, ông sẽ đẩy lùi bất cứ xu hướng nào gây chia rẽ châu Âu.
Theo giới phân tích, trước áp lực từ chương trình nghị sự trong nước cũng như sự thiếu rõ ràng về lập trường của chính phủ mới đối với chính sách đối ngoại và chương trình nghị sự của châu Âu, trong tương lai gần, Đức vẫn sẽ hành động theo cách quen thuộc. Chẳng hạn, Berlin sẽ tiếp tục để Tổng thống Pháp Macron đề ra chương trình cải cách và lựa chọn các lĩnh vực để hỗ trợ.
Bất chấp những cam kết của tân Thủ tướng Đức về việc thành lập một chính phủ liên minh mạnh mẽ, năng động, mang lại làn gió mới cho Đức và châu Âu, nhiều nhà quan sát nhận định, kỷ nguyên Olaf Scholz sẽ vẫn là sự tiếp nối của kỷ nguyên Merkel. Xét về bề ngoài, nền chính trị Đức có nhiều thay đổi sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9/2021, nhưng trên thực tế, nó vẫn đang diễn ra theo những đường hướng quen thuộc./.