Đối mặt lựa chọn khó khăn

Sau khi đảng Dân chủ Xã hội Đức(SPD) chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua, ông Olaf Scholz - ứng cử viên thủ tướng của đảng này đã nổi lên là gương mặt nhiều triển vọng nhất.

Với kinh nghiệm chính trường dày dặn, từng là bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng, ông Olaf Scholz  được cho là người kế nhiệm phù hợp của bà Merkel. Tuy vậy, ông sẽ phải điều hành một đất nước đang chịu nhiều chia rẽ chính trị và xử lý những mối quan hệ quốc tế phức tạp ở thời điểm hiện tại, nếu được lựa chọn. Theo các nhà phân tích, nước Đức sắp tới có thể phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc này.

Hans Kundnani, giám đốc Chương trình châu Âu của viện Chatham House ở Anh cho rằng, Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng đối đầu trên mọi mặt trận. Theo ông, nước Đức dưới thời Merkel đã thể hiện tốt trong việc cân bằng quan hệ với 2 cường quốc nói trên, nhưng lãnh đạo tiếp theo của nước này sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn đó là nghiêng về bên nào.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã điều chỉnh lại chính sách của Mỹ với Trung Quốc, về cơ bản xem Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, đồng thời tuyên bố sẽ đối đầu trên nhiều mặt trận.

Trả lời phỏng vấn Newsweek, ông Kundnani nhận định: “Đức và các nước châu Âu dần dần sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể tạo áp lực để khiến họ phải chọn phe. Theo thời gian, áp lực này sẽ trở nên nặng nề hơn”.

“Nhưng trước mắt vẫn phải nói rằng, cho đến nay, chính quyền Biden đã thực sự có một số nhượng bộ đối với Đức, cho dù đó là vấn đề Dòng chảy phương Bắc II – không liên quan đến Trung Quốc, hoặc thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc mà bà Merkel đã thúc đẩy trước khi rời nhiệm sở”.

Theo chuyên gia này, việc thành lập liên minh giữa Anh-Australia-Mỹ đã khiến Đức và các nước châu Âu khác không thoải mái nhưng điều này có thể xuất phát từ lý do người châu Âu không mấy mặn mà với Mỹ trong những năm gần đây.

Theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc

Ariane Reimers, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin cho rằng, ông Scholz có thể theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc, thiên về kinh doanh nhiều hơn, tương tự như con đường của bà Merkel.

“Nhưng ông Scholz sẽ phải tìm cách hài hòa với lập trường của Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – khi cả 2 đều có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc”.

Chuyên gia Ariane Reimers cho rằng, một chính phủ liên minh do ông Olaf Scholz lãnh đạo nhiều khả năng sẽ ít tập trung vào quan hệ với Mỹ hơn so với một chính phủ do ứng cử viên Armin Laschet của liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo CDU/CSU đứng đầu, dù SPD đã kêu gọi “khởi động lại” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Song chuyên gia này lưu ý, “cho dù ai là nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức, không một đảng phái chính trị nào có lợi khi theo đuổi chính sách đối đầu quá mức với Trung Quốc, vì bất cứ tình huống Chiến tranh Lạnh hoặc tiến sát bờ vực Chiến tranh Lạnh đều có thể gây tổn hại lợi ích kinh tế của Đức”.

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Angela Merkel đã rất thành công trong việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Bà đến thăm Trung Quốc 12 lần trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng, nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo châu Âu nào. Chuyên gia Kundnani hy vọng di sản của bà Merkel trong quan hệ với Bắc Kinh sẽ được chính quyền mới kế thừa.

“Quan điểm của bà Merkel về cơ bản sẽ được tiếp nối trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó một phần là do sự khác biệt giữa hai ứng cử viên Scholz và Laschet nói riêng, cũng như sự khác biệt giữa hai nhân vật này với bà Merkel nói chung, là không đáng kể”, ông Kundnani nhận định.

Trong quá trình tranh cử, Olaf Scholz luôn thể hiện ông là một người thực tế, tin cậy và có thể gánh vác những trọng trách lớn. Phong cách chính trị của ông không khác nhiều so với bà Merkel, dù 2 người thuộc về hai đảng phái đối đầu.

Corinna Hoerst, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ (GMF) ở Brussels, cho rằng, ông Scholz là một người ôn hòa và điều này đã khiến ông trở thành một ngoại lệ của SPD: “Ban lãnh đạo SPD chủ yếu nghiêng về cánh tả và ban đầu không ủng hộ ông. Vì vậy chúng tôi chưa biết ông sẽ tập hợp đồng minh như thế nào và ai sẽ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của ông”.  

Trước mắt, các đảng phái tham gia liên minh sẽ phải thỏa hiệp về nhiều chính sách, trong đó có cả chính sách với Trung Quốc. Theo nhà phân tích Kundnani, SPD không có xu hướng cứng rắn với Trung Quốc như Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), thậm chí ít đối đầu hơn. Còn Đảng Xanh đặt hy vọng nhiều nhất vào sự thay đổi trong quan hệ Đức-Trung, nhưng bất kể bộ phận nào mà họ kiểm soát trong liên minh cầm quyền, chính sách đối với Trung Quốc vẫn sẽ do thủ tướng quyết định./.