Gấp rút sơ tán quân nhân
Theo hạn chót 31/8, việc rút quân của các lực lượng Mỹđang bước vào giai đoạn nguy hiểm cuối cùng. Những binh lính Afghanistan hỗ trợ Mỹ sẽ tham gia vào một cuộc chiến sinh - tử khi họ và gia đình được đảm bảo những tấm vé trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi đất nước.
Với những dân thường cố gắng chạy trốn, đặc biệt là những người có quốc tịch Afghanistan đang đến sân bay ở thủ đô Kabul, tình hình sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm khi các tay súng Taliban đã chặn các lối vào. Với những người đã qua được chốt kiểm tra của Taliban, bóng ma khủng bố từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn treo lơ lửng trên đầu họ khi các đám đông dồn về sân bay những ngày này.
Việc rút quân của Mỹ có thể diễn ra cùng lúc với việc các chiến đấu cơ Mỹ sẽ cho phát nổ số vũ khí được sử dụng để đảm bảo an ninh trong quá trình sơ tán, các quan chức Mỹ nhận định với USA Today.
Mặc dù đã có hàng nghìn người Afghanistan rời đi nhưng vẫn còn nhiều người sẽ không thể rời khỏi đất nước này bởi không có đủ thời gian và không đủ chỗ trên các chuyến bay.
Tổng thống Biden đã đặt ra mục tiêu hoàn tất toàn bộ việc rút quân vào 31/8 nên các chuyến bay sơ tán dân thường sẽ bị cắt giảm và sau đó dừng lại để đưa những binh lính cuối cùng cũng như các trang thiết bị của họ về nước, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định.
Tổng thống Biden cho biết ông đã yêu cầu lên kế hoạch cho các trường hợp bất ngờ phòng khi hạn chót không thể thực hiện. Việc đáp ứng lịch trình trên sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của Taliban nhằm đảm bảo việc rời đi an toàn cho người Mỹ. Dù vậy, Taliban, lực lượng từng bị Mỹ đánh bại vào năm 2001, đã khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ không còn được hoan nghênh sau ngày 31/8. Theo các điều khoản trong thỏa thuận đã ký với cựu Tổng thống Trump, Taliban sẽ không tấn công các lực lượng Mỹ. Trừ khi các nhà ngoại giao đạt được một thỏa thuận về việc mở rộng hạn chót rút quân, nếu không thì hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra.
Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định sẽ phản ứng nhanh chóng và quyết liệt nếu Taliban tấn công máy bay hoặc quân đội Mỹ trên thực địa. Sân bay giống một "ốc đảo" ở Kabul được bao quanh bởi các chốt kiểm tra của Taliban.
Những ngày cuối cùng Mỹ hiện diện tại Afghanistan ngày càng trở nên căng thẳng và thử thách khả năng của Taliban trong việc duy trì trật tự, Seth Jones, phó chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đồng thời là cựu cố vấn chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan đánh giá.
Một mối nguy hiểm nữa cho quân đội Mỹ là nhóm phiến quân có tên là ISIS-K, một nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kẻ thù của Taliban. Các quan chức Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Biden đã cảnh báo mối đe dọa về một cuộc tấn công ở sân bay.
"Những ngày cuối cùng này vô cùng nguy hiểm khi những nhóm phá hoại như IS đang nỗ lực nhắm vào Mỹ và muốn làm bẽ mặt Taliban. Đây sẽ là một phép thử về khả năng chống khủng bố và tình báo của Taliban xem liệu họ có thể ngăn cản một cuộc tấn công của IS hoặc các lực lượng khác hay không", ông Jones cho hay.
Quan chức Mỹ này cho biết, các công dân Mỹ đến các cổng ở Sân bay Quốc tế Hamid Karzai sẽ có một ghế trên một trong những chuyến bay cuối cùng rời Afghanistan còn bất kỳ ai khác đều sẽ bị bỏ lại.
Bên ngoài sân bay, sự tuyệt vọng ngày càng gia tăng với các công dân Mỹ và những người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ. Các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã phải mở đường vào một khu dân cư tại Kabul để đưa 20 người Mỹ đến sân bay, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.
Cùng theo người phát ngôn này, việc rút quân của Mỹ phải được thực hiện một cách chính xác và tuần tự. An ninh có tầm quan trọng "tối cao".
Vận chuyển và phá hủy các thiết bị quân sự
Trước khi Taliban lật đổ chính quyền Afghanistan được Mỹ ủng hộ, khoảng 1.000 binh lính bảo vệ Đại sứ quán Mỹ và sân bay. Hiện nay, Đại sứ quán đã bị bỏ trống và không còn lính Mỹ nào canh gác. Từ 14/8, Lầu Năm Góc đã cử thêm khoảng 5.000 binh lính tới đảm bảo an ninh sân bay sau khi những đám đông người Afghanistan cố gắng bám vào những chiếc máy bay vận tải Mỹ đang cất cánh trên đường băng.
Một số thiết bị quân sự của Mỹ có lẽ sẽ bị bỏ lại. Nếu cần phải phá hủy, "chúng tôi sẽ làm điều đó", người phát ngôn Kirby khẳng định.
Quân đội Mỹ sử dụng các trực thăng tấn công Apache để bảo vệ sân bay. Họ cũng sử dụng các trực thăng Chinook để sơ tán các công dân Mỹ bị mắc kẹt và đưa những người này tới sân bay. Một số trong những máy bay này có lẽ sẽ bị bỏ lại để có thêm không gian trên những máy bay vận tải C-17 cho những binh lính cuối cùng, một quan chức quốc phòng giấu tên cho hay.
Quan chức này đánh giá, việc rút quân thực sự là một bài toán khó. Không quân có thể vận hành an toàn một số chuyến bay tới sân bay Kabul mỗi ngày. Dù vậy, thời tiết xấu, vốn không phải điều hiếm gặp ở Afghanistan, có thể làm giảm số lượng chuyến bay này. Vấn đề sắp xếp chỗ cho các binh lính, các phương tiện và trang thiết bị cũng là một mối lo ngại.
Hiện không thể đưa tất cả phương tiện chiến tranh khỏi Afghanistan, quan chức trên nhận định.
Một cuộc không kích để phá hủy các thiết bị là một khả năng được tính đến. Lầu Năm Góc thừa nhận, các chiến đấu cơ F-18, đang vận hành từ tàu sân bay trên Biển Arab, đã được điều tới để tuần tra trên bầu trời Kabul.
Quân đội có lẽ sẽ sử dụng lựu đạn cầm tay để phá hủy các thiết bị nhạy cảm như radio, quan chức quốc phòng này cho biết. Những quả lựu đạn như vậy có thể cháy nổ ở nhiệt độ hơn 2.000 độ C và có thể xuyên thủng sắt thép.
Hồi tháng 4, khi chính quyền Tổng thống Biden thông báo về việc rút quân, Lầu Năm Góc có kế hoạch cử 600 binh lính tới Kabul nhằm bảo vệ Đại sứ quán và sân bay. Nhưng kế hoạch này đã phải thay đổi sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Những quả bom Mỹ nhằm phá hủy các thiết bị quân sự của chính mình có thể sẽ là nhiệm vụ cuối cùng của chúng tại Afghanistan./.