Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Vào giữa tháng 12/2020, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tăng vọt và các bệnh viện phải chịu áp lực do có nhiều bệnh nhân. Tới năm 2021, tình hình đại dịch đã thay đổi nhờ có vaccine Covid-19.
Năm 2020, người dân Mỹ cảm thấy mệt mỏi vì ngày càng nhiều người mắc bệnh, phải cách ly trong nhà và bế tắc trước những biện pháp hạn chế và lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của vaccine Covid-19 hứa hẹn sẽ xoa dịu tình hình dịch bệnh. Vaccine sẽ giúp kết thúc việc áp dụng lệnh phong tỏa và các trường học, doanh nghiệp, nhà hàng sẽ mở cửa trở lại.
Ngày 14/12/2020, Mỹ triển khai đợt tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên. Đây được xem là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tới cuối tháng 1/2021, hơn 25 triệu người dân Mỹ đã được tiêm chủng.
Tại các trung tâm hội nghị và sân vận động được sử dụng làm nơi tiêm chủng, người dân xếp hàng dài để chờ tiêm vaccine Covid-19. Các địa điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng loạt đã trở thành địa điểm tiêm chủng.
Vào cuối tháng 1/2021, 1,2 triệu liều vaccine đã được tiêm mỗi ngày. Vài tuần sau, Tổng thống Joe Biden đến thăm một nhà máy sản xuất của Pfizer ở thành phố Kalamazoo, bang Michigan và dự đoán đất nước sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay. “Giáng sinh năm nay sẽ khác với năm ngoái”, ông Biden nói.
Một tháng sau, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đã tăng gấp đôi. Tổng thống Biden đã đưa ra mục tiêu 70% người trưởng thành tại Mỹ sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 vào trước dịp Quốc khánh 4/7. Một số tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã bắt đầu lên kế hoạch mở cửa trở lại.
“Vết sẹo” khó lành do Covid-19
Tuy nhiên, vẫn có những “vết sẹo” do đại dịch Covid-19 để lại. Những ngày bất ổn và sợ hãi, tiếng còi xe cứu thương, biểu đồ về số ca mắc bệnh và tử vong gia tăng, đã gây ám ảnh đối với người dân Mỹ. Hình thức học trực tuyến diễn ra không mấy thành công, nhiều học sinh đã bỏ học. Tình trạng thất nghiệp và vô gia cư tăng vọt.
Ngày 22/2, Mỹ ghi nhận cột mốc buồn với 500.000 người tử vong vì Covid-19. Tổng thống Joe Biden đã chủ trì một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Nhà Trắng. Ông kêu gọi người dân tôn trọng các biện pháp phòng dịch, đồng thời ra lệnh treo cờ rủ tại các tòa nhà Liên bang trong 5 ngày.
Ngay cả những người lạc quan nhất cũng cảm thấy tuyệt vọng trước đại dịch. “Khi số người tử vong do dịch bệnh tăng lên, chúng ta ngày càng trở nên vô cảm hơn”, Paul Slovic, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oregon tại Eugene, giải thích.
Trở lại cuộc sống bình thường không chỉ là mong muốn của riêng Mỹ mà còn của nhiều quốc gia khác, nhưng tình hình đại dịch ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ở Brazil, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tăng 125% mỗi giờ. Tại Indonesia, hàng chục người tử vong vì dịch bệnh mỗi tuần khi bệnh viện cạn kiệt oxy. Trong khi đó, tại Ấn Độ, bầu trời trở nên tăm tối hơn do khói từ những giàn hỏa táng người chết vì Covid-19. Một số quốc gia ở châu Phi ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới mỗi ngày. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Phi cáo buộc các nước giàu có đi theo chủ nghĩa dân tộc vaccine.
“Lệnh cấm xuất khẩu và tích trữ vaccine đang cản trở nguồn cung vaccine sang châu Phi”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, nói.
Biến thể Delta – ác mộng của Mỹ
Mùa hè năm nay, Mỹ đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Biến thể Delta đang lan truyền vào một thời điểm “không chắc chắn” ở Mỹ. Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã giảm xuống rất nhiều so với mức đỉnh điểm vào mùa đông, từ mức trung bình hơn 250.000 ca/ngày trong tháng 1 xuống còn khoảng 14.000/ca vào tháng 6.
Đồng thời, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng giảm đáng kể. Điều này đã khiến nhiều tiểu bang dỡ bỏ tất cả các yêu cầu giãn cách xã hội. Bang California đã cho phép tổ chức các sự kiện thể thao tập trung đông người trong nhà.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 dần được dỡ bỏ, biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm virus ở Mỹ tăng gần gấp đôi mỗi 2 tuần.
“Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đã thay đổi”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong một tài liệu nội bộ được công bố hồi cuối tháng 7.
Không còn nhắm mục tiêu chủ yếu đến những người cao tuổi và người dễ bị tổn thương, virus SARS-CoV-2 giờ đây đã tấn công những người trẻ tuổi và khỏe mạnh. Số người nhập viện ở Michigan, Texas và Florida tăng vọt. Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế rơi vào tình trạng kiệt sức do bệnh viện quá tải.
“Tôi không muốn tiếp tục đặt cược mạng sống của mình chỉ vì mọi người không muốn tiêm chủng”, Pascaline Muhindura, một y tá tại đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Trung tâm Y tế Nghiên cứu, thành phố Kansas, nói.
Giới chức y tế liên bang đã cố gắng triển khai chiến dịch tiêm chủng để đầy lùi đại dịch, tuy nhiên, những nỗ lực này gặp phải một số trở ngại.
Kể từ khi vaccine Covid-19 được ra mắt, 14% người dân Mỹ cho biết sẽ không tiêm chủng vì những lý do như niềm tin tôn giáo hoặc không tin tưởng vào chính phủ.
Làn sóng Delta vào mùa hè tại Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 3.418 người vào ngày 16/9. Đây là một trong những ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Phần lớn những người tử vong do Covid-19 vào thời điểm này đều chưa được tiêm vaccine.
Covid-19 sẽ tiếp tục “bủa vây” Mỹ trong năm 2022?
Khi năm học mới bắt đầu và số ca mắc Covid-19 ở trẻ em trên toàn quốc tăng gấp đôi, Học viện Nhi khoa Mỹ đã kêu gọi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ làm việc tích cực để phê duyệt vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Ngày 29/10, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Vaccine của Pfizer trước đó mới được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 12-15 tuổi.
Vào đầu tháng 10, Mỹ chạm cột mốc u ám mới với 700.000 người Mỹ tử vong do Covid-19. Con số này cao hơn số người chết trong đại dịch cúm vào năm 1918.
Khi năm 2021 sắp kết thúc, cơn ác mộng Covid-19 dường như vẫn chưa buông tha Mỹ khi xuất hiện biến thể đáng lo ngại Omicron.
Tiến sĩ Jacob Lemieux, người theo dõi các biến thể trong một dự án hợp tác nghiên cứu do Trường Y Harvard dẫn đầu, cho biết, nhiều khả năng một làn sóng lây nhiễm Omicron đang diễn ra ở Mỹ.
Giới chức Mỹ cho biết, Omicron đang trở thành biến thể phổ biến nhất ở nước này. CDC hôm 20/12 thông báo, biến thể Omicron hiện chiếm 73,2% ca nhiễm mới được phát hiện từ ngày 12-18/12, dựa theo dữ liệu giải trình tự gen.
Theo dữ liệu của CDC, hơn 240 triệu người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều, trong đó có hơn 58 triệu người đã tiêm liều thứ ba. Tới nay, Mỹ ghi nhận hơn 51 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 827.000 ca tử vong do dịch bệnh.
Đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 5,3 triệu người trên toàn cầu đã tử vong do đại dịch nhưng diễn biến tiếp theo của Covid-19 vẫn là điều không thể lường trước được.
“Tôi trở nên khiêm tốn hơn sau những năm tháng qua, bởi tôi nhận ra rằng còn biết bao nhiêu điều tôi không biết”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói./.