Hai bên thận trọng về chuyến thăm
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tới New Delhi, Ấn Độ vào tối nay (24/3) sau khi kết thúc các hoạt động ngoại giao tại thủ đô Islamabad của Pakistan. Ông Vương Nghị dự kiến sẽ có khoảng 1 ngày làm việc ở Ấn Độ trước khi bay sang Kathmandu, Nepal để hoàn tất chuyến công du khu vực Nam Á. Điểm gây bất ngờ của chuyến đi này là việc thông tin được công bố rất nhỏ giọt và chủ yếu từ phía báo chí Ấn Độ. Một số nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đã nhận được đề nghị từ phía Trung Quốc từ tuần trước để thu xếp cho chuyến thăm của ông Vương Nghị.
Tới đầu tuần này, vẫn chưa có bất cứ thông tin chính thức nào xác nhận chắc chắn về các cuộc gặp và ngày giờ vẫn chưa được chốt. Cả hai nước cũng chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào liên quan đến chuyến thăm. Có hai lý do dẫn tới việc hai nước thận trọng công bố thông tin. Trước hết, lịch trình khá dày đặc của Ngoại trưởng Trung Quốc khiến có lúc dư luận tính tới khả năng ông Vương Nghị không thể thu xếp được các cuộc gặp ở Ấn Độ. Việc kế hoạch cho chuyến đi được lên khá muộn cũng có thể coi là rào cản khiến cả Ấn Độ và Trung Quốc phải cấp tập chuẩn bị.
Nhưng lý do quan trọng nhất cho sự thận trọng này có thể là vì mối quan hệ song phương Ấn – Trung hiện vẫn chưa thoát khỏi điểm ‘đóng băng’ vì tranh chấp biên giới vốn đã kéo dài 2 năm qua. Hai cường quốc châu Á vẫn chưa thể rút quân hoàn toàn và trả lại sự yên tĩnh, hòa bình cho đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại Đông Ladakh, đồng thời khôi phục quan hệ. Đó có thể là lý do cả hai bên không quá nhiệt tình với một sự kiện như thế này và vào thời điểm này.
Dấu hiệu nào về giải quyết tranh chấp, cải thiện quan hệ?
Xét về tổng thể, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất suốt nhiều thập kỷ qua. Điều này kéo dài suốt 2 năm qua kể từ khi căng thẳng ở biên giới nổ ra từ tháng 5/2020 dọc đường LAC tại Đông Ladakh và hiện vẫn chưa có giải pháp dứt điểm. Mặc dù tình hình hiện đã được kiểm soát nhưng lực lượng quân sự của hai bên vẫn bố trí ở quy mô lớn tại khu vực này, duy trì trạng thái căng thẳng thường trực. Hiện trạng tại biên giới vẫn chưa được khôi phục như trước thời điểm tháng 4/2020 chính là nguyên nhân khiến quan hệ song phương gần như bế tắc.
Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định chừng nào quân đội Trung Quốc chưa rút đi như trước khi xảy ra xung đột, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục duy trì trạng thái ‘đóng băng’. Ấn Độ hiện vẫn đang triển khai một loạt các biện pháp hạn chế thương mại, đầu tư, công nghệ với Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ, ngưng trệ các hoạt động hợp tác song phương, Thậm chí, tâm lý ‘bài Trung Quốc’ vẫn còn đang khá mạnh trong dư luận Ấn Độ.
Chính vì thế, chừng nào chưa tháo được ‘nút thắt’ vấn đề biên giới lãnh thổ, sẽ chưa thể có được bất cứ hy vọng nào để cải thiện quan hệ Ấn – Trung. Dĩ nhiên, nếu không có các nỗ lực ‘phá băng’, sẽ chẳng thể có được thành quả cải thiện quan hệ. Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có nhiệm vụ nặng nề là tìm ra cơ hội để hai bên giàn xếp vấn đề song phương, dù hy vọng là rất mỏng manh.
Ấn Độ tham gia Quad… sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ với Trung Quốc?
Việc Ấn Độ tham gia vào nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) cùng Mỹ, Australia, Nhật Bản là một bước đột phá lớn, cho thấy tham vọng của nước này. Thực tế, cần thấy rằng Ấn Độ có nhiều lợi thế khi tham gia Quad. Đó là vị trí địa chính trị quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lợi thế về dân số, thị trường, tiềm lực nội sinh… Đó là lý do các đối tác trong Quad muốn Ấn Độ tương tác, gắn kết nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cũng nhận được nhiều thứ.
Trước tiên là khả năng phối hợp, duy trì an ninh chung ở 1 mức độ nào đó trong Quad. Tiếp đến, tham gia cùng nhóm 4 nước ‘đồng chí hướng’ này, Ấn Độ tận dụng được nguồn vốn, công nghệ, thị trường từ bên ngoài để nâng tầm chính nền kinh tế lên, đưa Ấn Độ tham gia ở vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là cách để Ấn Độ giảm sự phụ thuộc về kinh tế, thương mại vào Trung Quốc. Đó mới chính là cái Được lớn nhất.
Dĩ nhiên, việc Ấn Độ tham gia vào Quad cùng các hoạt động tương tác về an ninh, quốc phòng cũng có thể là cách để phản ứng trước các nguy cơ an ninh đang hình thành từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất với quan hệ Ấn-Trung. Cần nhắc lại, Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang là thành viên của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS), và đây có thể là điểm chung để hai nước tìm ra cơ hội hợp tác.
Các nhà quan sát cho rằng, trong năm là Chủ tịch luân phiên của BRICS, Trung Quốc có thể sẽ đề nghị Ấn Độ cùng đóng góp vai trò nào đó giúp Nga và Ukraine sớm chấm dứt cuộc xung đột hiện tại. Thực tế, quan điểm và lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc trong vấn đề Ukraine có nhiều điểm chung. Và cả hai nước đều không muốn một nước Nga bị cô lập và suy yếu nặng nề trước các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây. Vì thế, với vai trò và tiếng nói của mình, Bắc Kinh và New Delhi có thể sẽ thực hiện bước đột phá nào đó trong thời gian tới./.