Đáng ra, Nga phải trả khoản lãi suất trị giá 100 triệu USD từ hôm 27/5 nhưng đã được ân hạn đến ngày 26/6. Tuy nhiên, Đến cuối ngày 26/6, Nga vẫn chưa thể thanh toán khoản lãi 100 triệu USD. Như vậy, Nga được coi như vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918, khi chính quyền Nga từ chối công nhận các khoản nợ từ thời Sa hoàng.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã chặn khả năng Nga thanh toán hàng tỷ USD tiền nợ cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua các ngân hàng Mỹ. Đáp lại, Bộ Tài chính Nga cho biết họ sẽ sử dụng đồng rúp để trả các khoản nợ chủ yếu bằng đồng USD.

Nga nợ bao nhiêu tiền?

Nga nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu nước ngoài. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện đang bị đóng băng.

Nga chưa từng vỡ nợ nước ngoài kể từ hơn một thế kỷ trước, khi Đế chế Nga sụp đổ và Liên bang Xô viết được thành lập. Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ trong nước là cuối những năm 1990, nhưng khi đó, Moscow vẫn có thể trả được các khoản nợ nước ngoài.

Các nhà đầu tư đã dự đoán về việc Nga vỡ nợ từ nhiều tháng qua. Các công ty bảo hiểm cho các khoản nợ của Nga đánh giá khả năng Moscow vỡ nợ là 80%, các hãng xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor và Moody cũng xếp hạng nợ của Nga ở mức rủi ro cao.

Thông báo vỡ nợ chính thức thường do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhưng lệnh trừng phạt của châu Âu khiến các công ty này không thể xếp hạng đối với Nga. Tuy nhiên, trái chủ có thể đưa ra tuyên bố như vậy khi bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài nhất trí rằng Nga “vỡ nợ”. Các trái chủ sau đó có thể tìm kiếm một phán quyết từ tòa án về việc thực thi thanh toán.

Thông thường, các nhà đầu tư và chính phủ vỡ nợ sẽ thương lượng, dàn xếp thỏa thuận, trong đó các chủ nợ được trao trái phiếu mới có giá trị thấp hơn. Như vậy ít nhất họ cũng được bồi thường một phần.

Các nhà đầu tư muốn thoát khỏi khoản nợ của Nga có lẽ đã tìm cách bán tháo và nhiều người có thể đã mua trái phiếu với giá hạ thấp với hy vọng thu được lợi nhuận từ một thỏa thuận dài hạn.

Tuy nhiên các lệnh trừng phạt hiện nay cũng cản trở việc thỏa thuận với Bộ Tài chính Nga. Không ai biết khi nào xung đột Nga-Ukraine kết thúc hay những trái phiếu bị vỡ nợ có thể có giá trị bao nhiêu.

Theo ông Jay S. Auslander, một luật sư về nợ chính phủ hàng đầu tại công ty Wilk Auslander có trụ sở ở New York (Mỹ), trong trường hợp hiện nay, tuyên bố vỡ nợ và khởi kiện có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất. Hiện không thể đàm phán với Nga và có quá nhiều điều chưa rõ, vì vậy các chủ nợ có thể không cần phải hành động ngay.

Nga vỡ nợ sẽ có tác động như thế nào?

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến các công ty nước ngoài rời khỏi Nga và làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại và tài chính của Moscow với phần còn lại của thế giới. Vỡ nợ sẽ là một phần trong sự cô lập đó.

Các nhà phân tích đầu tư đang thận trọng đánh giá rằng việc Nga vỡ nợ sẽ không tác động đến các thể chế và thị trường tài chính toàn cầu như đã từng xảy ra khi Nga vỡ nợ trong nướcnăm 1998.

Người nắm giữ trái phiếu – ví dụ như các quỹ đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi - có thể bị thua lỗ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, do đó, thiệt hại đối với các nhà đầu tư cũng sẽ hạn chế.

Tình huống hiếm gặp

Ông Tim Ash, nhà phân tích cấp cao về thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management, cho rằng tình huống vỡ nợ hiện nay không nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga và việc Moscow không thể thanh toán là do các lệnh trừng phạt.

Ông Hassan Malik, chuyên gia tại công ty Loomis Sayles (Mỹ), cũng nhận định: “Đây là điều rất hiếm khi xảy ra. Một chính phủ có thể trả nợ, nhưng bị một chính phủ nước ngoài ép buộc rơi vào tình trạng vỡ nợ”.

Trong khi đó, Nga phản đối việc sử dụng khái niệm “vỡ nợ”, vì Moscow có tiền để trả nợ nhưng không thể thực hiện được nghĩa vụ này do các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 23/6 khẳng định Nga có đủ phương tiện và ý chí trả nợ nhờ nguồn tiền thu được từ xuất khẩu năng lượng.

 “Nga có đủ nguồn lực tài chính và luôn sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tình huống hiện nay là do một quốc gia không thân thiện tạo ra, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng nào đến chất lượng cuộc sống của người Nga”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh.

Kể từ sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Nga đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, khiến Moscow không thể trả lãi suất trái phiếu cho các nhà đầu tư bằng USD hay euro.

Hôm 22/6, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Nhà lãnh đạo Nga yêu cầu chính phủ trong 10 ngày phải chọn ra các ngân hàng có khả năng xử lý các khoản thanh toán liên quan trái phiếu châu Âu, tương tự cơ chế Moscow áp dụng để xử lý các khoản thanh toán khí đốt bằng đồng rúp./.