Ngày 12/6, lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) đã tấn công, mở rộng nhiều vùng kiểm soát và chỉ còn cách thủ đô Baghdad 90 km. Các lực lượng người Kurd cũng đã chiếm đóng thêm thành phố Kirkuk, giàu dầu mỏ ở phía Bắc, sau khi quân Chính phủ rút lui.

 

 

 Các chiến binh Shiite quyết tâm bảo vệ Chính phủ (Ảnh AP)

Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng hành động quân sự khi các lợi ích an ninh quốc gia của Washington bị đe dọa và ông đang xem xét mọi lựa chọn để giúp Chính phủ Iraq đánh bại phong trào nổi dậy của các tay súng Hồi giáo tại nước này”.

Bất ổn gia tăng

Kể từ năm ngoái, lợi dụng mâu thuẫn giữa chính quyền với cộng đồng người Arab Sunni thiểu số, lực lượng ISIL liên tục khuấy động chiến tranh sắc tộc, nhằm thiết lập vùng lãnh thổ riêng xuyên qua biên giới hai nước Syria và Iraq, đã làm hơn 8.860 Iraq chết trong năm 2013. Chỉ tính riêng tháng 5 đã có gần 800 người thiệt mạng, trong đó có 603 người là dân thường.

Sau chiến dịch tấn công 3 ngày liền vừa qua ở phía Bắc, ISIL đã chiếm thêm được Jalawla và Saadiyah, sau khi kiểm soát thị trấn Dhuluiyah và một số vùng lãnh thổ. Trước đó, lực lượng này đã đánh chiếm một số thành phố lớn của Iraq và đang tiếp tục tấn công vào các trung tâm dân cư ở các tỉnh miền Bắc.

Nhóm phiến quân này còn lên tiếng xác nhận đã tiến hành 3 vụ đánh bom tại Baghdad khiến 30 người thiệt mạng. ISIL còn thông báo về một chiến dịch tấn công mới mang tên “cuộc hành quân”. Họ tuyên bố, sẽ tiến về Thủ đô và áp đặt luật hồi giáo Sharia đối với tất cả nơi nào họ chiếm được.

Theo giới quan sát, Iraq đang tăng cường khả năng phòng thủ tại Baghdad đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ để đối phó với phiến quân. Chuẩn tướng Saad Maan nói: “Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch mới dể bảo vệ Baghdad”, và “Chúng tôi từng trải qua cuộc chiến chống khủng bố một thời gian và tình hình hiện nay là đặc biệt”.

Trước khi tiến về Thủ đô Baghdad, lực lượng phiến quân đã tiến công các thị trấn ở phía Đông và Nam có đông người Arab sinh sống và nhóm này còn tiến công vào lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul, bắt cóc 49 người cùng với ông Tổng Lãnh sự tại đây.

Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn, khi phiến quân tấn công, quân đội Chính phủ đã bỏ vũ khí và chạy khỏi các vị trí đóng quân ở thành phố dầu mỏ Kirkuk ở miền Bắc Iraq và một số khu vực khác.

Chính phủ Iraq đã chính thức yêu cầu Washington điều chiến đấu cơ và máy bay không người lái đến giúp đỡ. Giới phân tích cho rằng, diễn biến trên càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa các Bộ tộc Sunni, Shiite và Kurd.

Sự phản ứng quốc tế

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 12/6, đã triệu tập một cuộc họp kín thảo luận về tình hình Iraq. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Ðại sứ Nga, ông Vitaly Churkin, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho biết, cơ quan này sẽ cân nhắc đưa phiến quân ISIL vào danh sách các tổ chức khủng bố để có các chế tài trừng phạt thích hợp.

Ông Churkin nói: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thống nhất quan điểm về tình hình Iraq hiện nay. Tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ và người dân Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi lên án các hoạt động khủng bố và cực đoan bất kể là vì động cơ gì. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân Iraq đối thoại dân tộc toàn diện nhằm hỗ trợ Iraq sớm thành lập được Chính phủ và Quốc hội mới tại nước này”. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đã không đề cập đến khả năng ngăn chặn các các lực lượng vũ trang đang tiến về Baghdad như thế nào.

Tổng Thư ký NATO Rasmussen cũng đã lên tiếng chỉ trích bạo lực tại Iraq đồng thời kêu gọi các nhóm phiến quân ngay lập tức trả tự do cho các con tin Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng này bắt giữ, ông nói “Tôi lên án bạo lực tại Iraq. Tôi kịch liệt chỉ trích việc bắt giữ các con tin và yêu cầu trả tự do ngay cho các con tin”.

Trước đó, ngày 11/6, Ngoại trưởng EU và Liên đoàn Arab (AL) đã nhóm họp tại Thủ đô Aten (Hy Lạp) để thảo luận việc hợp tác nhằm đối phó với những diễn biến tại khu vực Trung Đông. Hội nghị đã ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ làn sóng tấn công khủng bố gần đây tại khu vực miền Bắc Iraq, đồng thời kêu gọi chính quyền Iraq cũng như Chính quyền người Kurd phối hợp các lực lượng chính trị và quân sự nhằm khôi phục an ninh khu vực.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, các cường quốc thế giới cần phải hành động khẩn trương để giải quyết tình hình tại Iraq, sau khi tay súng của tổ chức ISIL của người Hồi giáo dòng Sunni phát động cuộc tấn công đe dọa nghiêm trọng sự thống nhất và chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh này, đồng thời tạo ra mối nguy lớn cho sự ổn định của khu vực.

Moscow cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến bạo loạn mới đây ở Iraq và thể hiện sự đồng cảm với chính phủ và người dân Iraq trong nỗ lực khôi phục hòa bình và an ninh ở quốc gia vùng Vịnh này.

Mỹ phản ứng bằng quân sự

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng khi gặp Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Obama nói: Mỹ có lợi ích trong việc không để các phần tử thánh chiến Hồi giáo tạo dựng được một thành trì ở Iraq. Ông còn tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hành động quân sự khi các lợi ích an ninh quốc gia của Washington bị đe dọa.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thận trọng, khi ông nói rằng: “ông cần thêm thời gian để quyết định Washington sẽ hỗ trợ Iraq như thế nào nhưng loại trừ khả năng gửi các binh sĩ trở lại”.

Tổng thống Mỹ cũng khuyên các nhà lãnh đạo Iraq cần phải gạt bỏ sự khác biệt để giải quyết mối đe dọa, rằng Washington sẽ tham gia vào “ngoại giao chuyên sâu”, và Mỹ sẽ không hành động quân sự nếu thiếu kế hoạch chính trị từ Iraq, một kế hoạch đảm bảo rằng họ sẵn sàng làm việc cùng với nhau”.

Để bảo đảm an ninh, Mỹ đã sơ tán công dân của họ khỏi căn cứ không quân Balad, cách Baghdad 80km về phía Bắc, đây là các công dân Mỹ được Chính phủ Iraq thuê làm việc cho chương trình mua sắm thiết bị quân sự nước ngoài của Mỹ (FMS).

Như vậy, sau cuộc chiến Iraq do Mỹ tiến hành cách đây đã hơn 11 năm (20/3/2003) với cái cớ nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (sau này không tìm thấy bằng chứng), đã làm cho 190.000 người thiệt mạng, trong đó có 134.000 dân thường, tiêu tốn 770 tỷ USD (riêng số lính Mỹ chết trận đã là hơn 2.000 và hàng chục ngàn người khác bị thương), nhưng hiện nay tình hình an ninh lại trở nên bất ổn hơn và nguy cơ nội chiến sắc tộc đang cận kề.

Giới phân tích cho rằng, Lầu Năm Góc đang lựa chọn cho Tổng thống Mỹ Obama một giải pháp quân sự tại Iraq, nhưng chỉ là các cuộc không kích và còn phải tham khảo ý kiến từ lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Vì thế, khả năng Mỹ đưa quân vào Iraq đã được loại trừ./.