Mỹ đã chính thức rút toàn bộ quân và chấm dứt 2 thập kỷ can dự tại Afghanistan. Hành động này của Mỹ không chỉ tác động đến một loạt chính sách của nước này và còn tạo ra những tác động tới Australia, quốc gia đã đồng hành với Mỹ suốt thời gian nước này tham chiến tại Afghanistan.
Theo thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, trong 20 năm qua, Australia đã cử 39.000 binh sỹ tới Afghanistan trong đó 41 người đã thiệt mạng. Theo truyền thông Australia, ước tính chi phí mà Australia đã chi cho cuộc chiến này lên tới 10 tỷ AUD, trong đó có 1,5 tỷ AUD là viện trợ. Với những đóng góp này, Australia là thành viên ngoài NATO có đóng góp nhiều nhất vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế tại Afghanistan và là quốc gia có số quân lớn thứ 9 được đưa đến nước này.
Đang có nhiều ý kiến về việc Mỹ và các lực lượng quốc tế rút quân khỏi Afghanistan song sự việc này đang gây ra những tác động tới Australia và các quốc gia trong khu vực.
Tác động đầu tiên và thấy rõ nhất đó là Australia sẽ không phải cử quân cũng như chi cho các hoạt động của binh sỹ tại Afghanistan và như thế sẽ tiết kiệm được khoản chi không nhỏ trong lúc bảo toàn được lực lượng.
Tác động thứ 2 đó là dòng người tị nạn Afghanistan đổ dồn sang các quốc gia Phương Tây, trong đó có Australia. Cho đến lúc này, chính phủ Australia đã cam kết sẽ tiếp nhận 3.000 người tị nạn Afghanistan song Thủ tướng Scott Morrison cho rằng đây là con số tối thiểu và số lượng người tị nạn Afghanistan mà nước này tiếp nhận có thể sẽ nhiều hơn thế.
Tác động thứ 3 là nguy cơ khủng bố gia tăng. Dư luận quốc tế đã nói nhiều về việc Afghanistan có thể trở thành cái nôi của khủng bố khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. Vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Hamid Karzai vào ngày 26/8 vừa qua của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K) và tiếp đến là vụ nã rocket cũng của nhóm này vào sân bay Hamid Karzai ngày 30/8 là những minh chứng cụ thể cho thấy sự lo ngại này là có cơ sở. Và khi lực lượng cực đoan phát triển tại Afghanistan thì chúng có thể tìm cách tấn công để trả thù các quốc gia đã từng gửi lực lượng đến tham chiến tại nước này mà Australia là một trong số đó.
Australia và nhiều quốc gia cũng không loại trừ các phần tử cực đoạn trà trộn vào dòng người tị nạn ra nước ngoài định cư và sau đó thực hiện các vụ tấn công liều chết ở nước ngoài. Chính vì vậy mà Australia rất thận trọng trong việc tiếp nhận những người tị nạn đến từ Afghanistan và cố gắng sàng lọc kỹ để không bị bỏ lọt những đối tượng có nhiều nguy cơ.
Không chỉ riêng Australia, nguy cơ khủng bố đe dọa ở khu vực Đông Nam Á cũng gia tăng khi sự phát triển của lực lượng cực đoan tại Afghanistan có thể trở thành sự khích lệ đối với các lực lượng khủng bố ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng các lực lượng khủng bố ở Đông Nam Á sẽ tìm cách liên kết với các lực lượng cực đoan tại Afghanistan.
Không chỉ tạo ra những tác động trực tiếp, việc Mỹ rút quân tại Afghanistan cũng được cho là mở ra cơ hội cho sự thay đổi chiến lược can dự của Mỹ ở nước ngoài. Ông Ashley Townshend, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney cho nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan không có nghĩa là nước này cũng sẽ rút khỏi các cam kết khác và thực tế việc làm này giúp Mỹ có thể tập trung tốt hơn vào những nơi khác trên thế giới.
Còn giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia khẳng định, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan để tập trung vào “cuộc cạnh tranh trong thế kỷ 21” với Trung Quốc thì cũng gần với mối quanh tâm của Australia. Việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng hơn trong cách hành xứ với Australia được cho là thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Australia trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.
Vì những lý do này giáo sư Rory Medcalf cho rằng Australia nên tự tin hơn với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Ông Rory Medcalf lưu ý, bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Australia cần tiếp tục đẩy mạnh chiến lược của một quốc gia tầm trung, tăng cường liên kết với các quốc gia tầm trung trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, một số quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp, Đức và các quốc gia Đông Nam Á để gia tăng ảnh hưởng và khả năng tự bảo vệ trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Chiều 31/8 theo giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ có bài phát biểu về quyết định không kéo dài sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan. Dư luận mong chờ bài phát biểu này không chỉ đề cập vấn đề Afghanistan mà còn hé lộ những dự định mới của Mỹ sau khi nước này kết thúc cuộc can thiệp quân sự dài nhất trong lịch sử của mình./.