Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh trục xuất 60 người Nga ra khỏi nước Mỹ và đóng cửa lãnh sự Nga tại Seattle ngày 26/3 vừa qua sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị tấn công bằng chất độc thần kinh hồi đầu tháng này tại Anh đã đẩy căng thẳng Mỹ- Nga lên một nấc thang mới, nghiêm trọng hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

my_va_phuong_tay_truc_xuat_nha_ngoai_giao_nga_puha.png
Mỹ và phương Tây trục xuất nhà ngoại giao Nga. Ảnh minh họa: Getty image.

Chỉ mới đây thôi, Tổng thống Donald Trump còn đề cập một hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ và né tránh vấn đề cựu điệp viên bị đầu độc trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống. Động thái bất ngờ của ông Donald Trump khiến dư luận dấy lên câu hỏi tại sao Tổng thống Donald quyết hợp lực với EU “đánh đòn hội đồng” Nga và nước Mỹ được gì cũng như mất gì trong vụ việc này.

Vì sao ông Donald Trump lật ngược ván cờ?

Hiếm có khi nào Mỹ và các đồng minh Châu Âu đứng trên cùng một “sân khấu quốc tế” kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức. Với sự khác biệt quan điểm qúa rõ ràng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, sự đoàn kết giữa Mỹ và các nước phương Tây thời điểm này rất đáng để suy ngẫm.

Mối quan hệ với các đồng minh Châu Âu đã đóng vai trò là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Thế nhưng từ khi lên nắm quyền, chính quyền ông Trump dường như muốn dỡ bỏ mọi truyền thống và gây dựng lại mọi thứ từ đầu.

Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần khiến các đồng minh phương Tây “bối rối và thất vọng”, chẳng hạn như ông đã từ chối bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị bàn tròn trước sự chứng kiến của các nhà báo hay gồng mính siết chặt cái nắm tay với nhà lãnh đạo Pháp Macron, lên tiếng ủng hộ Brexit hay chỉ trích Đức về chính sách nhập cư. Ông đã gọi NATO là lỗi thời và nhấn mạnh khối này cần phải thúc đẩy cải cách, phản đối Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…

Về phía Châu Âu, đã có nhiều tiếng nói phản đối chính sách “nước Mỹ trên hết của chính phủ Mỹ. Nhiều chính trị gia Châu Âu cũng bày tỏ sự không hài lòng, thậm chí “khiếu nại” các chính sách của Mỹ. Do những khác biệt về chiến lược, lợi ích, Mỹ và các đồng minh ngày càng rời xa nhau.

Giới quan sát cho rằng, chỉ đến khi Nga công bố những loại vũ khí tối tân với sức mạnh mà khó có đối thủ nào có thể chống đỡ và việc Tổng thống Vladimir Putin đắc cử để tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm 6 năm nữa, Mỹ mới nhận ra tầm quan trọng của sự hợp tác với Liên minh Châu Âu trong bảo vệ các lợi ích của nước này. 

Giáo sư Thornike Gordadze thuộc Đại học Sciences Po - cố vấn tại Viện Nghiên cứu cao cấp quốc phòng (IHEDN) của Pháp nhận định, đối với Mỹ và đồng minh, từ Đông sang Tây, Nga đang gia tăng các hoạt động được xem là "gây tổn hại" và làm suy yếu các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Nói cách khác, "cái gai" thực sự trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh mà chính là sự khôi phục “quyền lực” của Nga. Vì thế việc Tổng thống Donald Trump nối gót nhiều nước Châu Âu đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga là điều dễ hiểu.

Không chỉ trên bình diện ngoại giao mà ngay trên sân nhà Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chịu sức ép của lực lượng ủng hộ Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra. Trong tình thế hiện tại, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump cũng đang lâm vào thế khó khi tỷ lệ tín nhiệm của ông Trump ở mức khá thấp, nhiều đạo luật do đảng Cộng hòa và ông Trump đề xuất chưa được thông qua. Để xoay chuyển tình thế hiện tại, nhà lãnh đạo Mỹ cần phải thay đổi cả chiến lược và sách lược nhằm nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa giúp đảng Cộng hòa giành ưu thế trước phe Dân chủ.

Mỹ được và mất gì từ vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga?

Trước mắt, quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Mỹ sẽ là đòn giáng mạnh vào Nga, khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin tình báo và tuyển mộ điệp viên.  Thêm vào đó, quyết định cũng giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump duy trì được chính sách cứng rắn về mặt ngoại giao và an ninh, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump vừa thay thế một loạt nhân sự ở vị trí cấp cao gồm cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng, cùng nhiều quan chức ngoại giao khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vụ việc cũng sẽ gây ra tác động ngược chiều bởi chính các công dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng từ đòn đáp trả này. Người Mỹ muốn xin thị thực đến Nga giờ đây sẽ phải đi xa hơn khi lãnh sự quán Nga ở Seattle bị ngừng hoạt động. Trước đó, vào tháng 8/2017, Mỹ đã ra quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga ở San Francisco nhằm đáp trả việc Nga trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ.

Phía Nga, mặc dù chưa công bố biện pháp “phản đòn” Mỹ ngay lập tức nhưng theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng Nga sẽ mạnh tay trục xuất nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán của Washington, dẫn tới cả hai bên đều đánh mất ảnh hưởng lẫn nhau. Những đòn đáp trả qua lại này sẽ làm xói mòn mọi hy vọng về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Trump gọi điện chúc mừng người đồng cấp Putin tái đắc cử./.