Tính đến ngày 28/3, đã có 27 quốc gia, trong đó có Mỹ và đa số các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) công bố quyết định trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga để ủng hộ lập trường của Anh sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc. Đây được coi là là cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Thủ tướng Theresa May quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Ảnh: BBC. |
Đoàn kết chỉ là giả tưởng?
Nhìn bề ngoài, đòn “đáp trả hội đồng” của phương Tây đối với Nga được coi là chiến thắng ngoại giao của Thủ tướng Anh Theresa May, khi chỉ ba tuần sau vụ đầu độc diễn ra, các đồng minh của Anh đã chấp nhận quan điểm của London rằng Nga đứng sau việc sử dụng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok trong vụ ám sát ở Salisbury.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, chuyên gia Reiner Braun người đồng sáng lập Tổ chức hòa bình quốc tế (International Peace Bureau) cho biết: “Vụ đầu độc cựu điệp viên và những cáo buộc liên quan, phần lớn là chiến lược của Anh nhằm khẳng định tầm quan trọng của nước này sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Khi không thể giải quyết được vấn đề nội bộ, thì chiến lược hướng sự chú ý vào “kẻ thù chung” để tìm kiếm sự đồng điệu là điều dễ hiểu”.
Theo ông Reiner Braun, lý do nhiều nước phương Tây đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga là bởi từ lâu nay Mỹ và phương Tây luôn coi Nga là một “kỳ phùng địch thủ”. Vũ khí quân sự mà Tổng thống Putin công bố trong thông điệp liên bang ngày 1/3 vừa qua đã khiến phương Tây khiếp sợ. Thêm vào đó, cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Nga với chiến thắng vang dội của Tổng thống Putin, chứng tỏ ông Putin vẫn là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn và Nga vẫn là một quốc gia quyền lực trên thế giới. Đây là điều mà phương Tây không dễ dàng chấp nhận.
Tuy nhiên, ông Braun cho rằng, trong số 44 nước Châu Âu, chỉ có 16 quốc gia theo chân Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Như vậy, số lượng các quốc gia đứng về phía Anh vẫn chỉ chiếm thiểu số. Điều này cho thấy những tuyên bố và lời cáo buộc mà Anh đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Không chỉ Châu Âu bị chia rẽ, mà ngay trong nội bộ những quốc gia đã đưa ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga cũng xảy ra mâu thuẫn.
Ông Waldemar Birkle, một thành viên của Đảng sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cho biết: “Cáo buộc chống lại Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ngay trước thềm cuộc bầu cử Nga và trước kỳ World Cup cho thấy sự thiển cận của phương Tây. Nếu quan tâm đến vụ việc này, chúng ta cần phải điều tra rõ ngọn ngành thay vì chọn phương pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga”.Vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc: Cuộc chiến ngoại giao chưa hồi kết
Jiri Mastalka, một chính trị gia Cộng hòa Séc đồng thời là nghị sỹ Nghị viện Châu Âu gọi việc trục xuất đồng loạt các nhà ngoại giao Nga là một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có trong lịch sự và sẽ để lại hậu quả khôn lường. Thêm vào đó, ông nhấn mạnh: “Hành động của chính phủ Séc nối gót Anh mà không có bằng chứng rõ ràng là tín hiệu của một sự đoàn kết “giả tưởng”, sai lầm bên trong Liên minh Châu Âu. Tôi cho rằng chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nào cuộc điều tra được hoàn tất, để xác định rõ cách thức đầu độc cũng như loại chất độc được sử dụng đối với cựu điệp viên Skripal.”
Còn nghị sỹ Italy Roberto Jonghi Lavarini thì nhấn mạnh: “Trục xuất các nhà ngoại giao Nga mà không có bất kỳ bằng chứng khách quan nào về sự can dự của chính phủ Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên, các quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Italy, đang hùa theo tâm lý chống Nga do Mỹ và NATO khởi xướng”.
Nga sẵn sàng trả đũa
Đại sứ quán Nga tại London cho biết, gần 160 quốc gia ngoài khối các nước phương Tây đều cho rằng Anh cần phải cung cấp bằng chứng cụ thể khi cáo buộc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên hai mang bị đầu độc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Anh chưa đưa ra được bất cứ chứng cứ nào, thậm chí viện dẫn một lý do dù là nhỏ nhất để đổ lỗi cho Nga.
"Chúng tôi đã nhận được thông báo về tuyên bố của Thủ tướng Theresa May. Khi bà Theresa May tuyên bố rằng hoàn toàn chắc chắn Nga chịu trách nhiệm về vụ việc ở Salisbury, bà cần cung cấp tất cả các bằng chứng chứng minh điều đó là sự thật đối với Nga, cộng đồng quốc tế và công chúng Anh. Đây là ý kiến của gần 160 quốc gia không phải thành viên của khối phương Tây", người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại London nói.
Trước đó hôm 27/3, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko tổ chức một cuộc họp thông báo tình hình với các đại sứ nước ngoài ở Anh, trong đó ông khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra Anh. Thế nhưng, cho đến nay, London vẫn tiếp tục từ chối hợp tác.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Euronews, đặc phái viên Nga tại EU Vladimir Chizhov bày tỏ sự thất vọng trước thực tế là một nửa các nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ủng hộ cáo buộc vô căn cứ của Anh, đồng thời khẳng định “phương Tây sẽ nhận một sự đáp trả tương xứng từ phía Nga”.
Vụ cựu điệp viên bị đầu độc: Mỹ-Nga khẩu chiến, Anh mừng thầm
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga có thể tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ hơn nhằm vào phương Tây, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế với Mỹ và phương Tây, đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, trục xuất nhiều nhà ngoại giao hơn, thậm chí là cả nhà báo nước ngoài, đóng cửa các hãng tin của nước ngoài tại Nga. Các biện pháp đáp trả của Moscow có thể châm ngòi cho nguy cơ nổ ra cuộc đối đầu toàn diện tại những điểm nóng toàn cầu, nơi lợi ích của Nga xung đột với phương Tây, chẳng hạn như trên chiến trường ở Trung Đông.
Theo giới quan sát, Nga đang bị cô lập và bị dồn vào đường cùng theo cách này hay cách khác từ Châu Âu. Tuy nhiên việc đẩy Nga ra ngoài các vấn đề chính trị trên bình diện quốc tế là điều khó thành hiện thực bởi Nga là một nước lớn và có tầm ảnh hưởng rõ ràng. Với quyết định đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với Nga - một đối tác có tầm ảnh hưởng lớn./.