Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga đã ngay lập tức đẩy giá dầu trên thế giới tăng vọt. Mỹ là quốc gia nhập khẩu dầu lửa và khí đốt ròng, trong đó nhập khẩu năng lượng từ Nga chiếm 10%. Trước thực tế đó Mỹ đã có những dự tính nhất định về những tác động đối với chính nền kinh tế Mỹ, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ hiện vẫn ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Những tác động tới Mỹ
Khi công bố áp đặt trừng phạt ngành dầu khí Nga, Tổng thống Biden đã thừa nhận rằng quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng tới nước Mỹ. Theo ông Biden, kể từ khi Nga tăng cường quân đội dọc biên giới với Ukraine, giá xăng của Mỹ đã tăng 75 xu và sẽ tiếp tục tăng với gói trừng phạt mới nhất này.
Thông tin về lệnh cấm của Mỹ đã khiến giá xăng dầu tăng vọt, cụ thể giá xăng dầu tại Mỹ đã lên cao kỷ lục vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít). Đây là mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ.
Trước đó, giá xăng dầu đã tăng cao trong vài tháng trở lại đây bởi nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đang bắt đầu quá trình phục hồi sau khi đại dịch thoái lui. Nếu như vào tháng 2, giá dầu mỏ là 90 USD/thùng thì hiện giờ đã tăng lên khoảng 130 USD/thùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong trường hợp tồi tệ nhất đó là thị trường năng lượng Nga tiếp tục bị áp dụng các hạn chế bổ sung nhằm cô lập nước này khỏi thị trường toàn cầu, giá dầu có thể tăng lên hơn 150 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng trong một khoảng thời gian nhất định. Giá xăng ở Mỹ đã tăng đáng kể trong thời gian qua và đã vượt mốc kỷ lục kể từ năm 2008.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và giá dầu tăng hơn 150 USD/thùng, giá xăng ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên hơn 5 USD/gallon và đây là một kịch bản mà Tổng thống Biden và nhiều nhà chính trị khác của Mỹ muốn né tránh. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc giá năng lượng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine có thể dẫn tới gia tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế ở Mỹ. Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs và Bank of America dự tính rằng tác động đối với người tiêu dùng ở Mỹ từ việc gia tăng giá cả các mặt hàng có thể dẫn tới GDP của Mỹ giảm 0,3% trong năm 2022.
Bù đắp nguồn năng lượng từ Nga
Mặc dù không quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga như châu Âu, nhưng việc bù đắp nguồn năng lượng từ Nga cũng là một vấn đề không dễ dàng với chính quyền của ông Joe Biden khi đang theo đuổi chính sách năng lượng sạch đầy tham vọng.
Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nghĩa là tự cắt đi 8% nguồn cung hàng năm. Đây là con số không nhiều so với 25% châu Âu đang phải phụ thuộc, nhưng 8% của quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới cũng không phải là ít và không dễ bù lấp ngay.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù không phải nước nhập khẩu lớn dầu thô của Nga nhưng quyết định trên của Mỹ có thể kéo theo các quyết định tương tự từ phía những nước đồng minh của nước này. Điều này có nghĩa các nước nhập khẩu dầu thô buộc phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thế, qua đó làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung vốn đang diễn ra trên thị trường nhiều tháng qua.
Theo các dữ liệu thống kê được công bố, hiện Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày. Nhìn lại thị trường mấy tháng qua, có 3 nguồn cung có thể được bổ sung để hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt này. Đó là dầu mỏ từ Iran, Venezuela, OPEC+ và từ các kho dự trữ dầu chiến lược. Tuy nhiên, dù là trông vào nguồn cung nào thì thị trường vẫn cần thời gian hoặc chỉ là trong ngắn hạn.
Đơn cử việc đưa dầu từ Iran và Venezuela trở lại thị trường, Mỹ cũng phải tổ chức các cuộc đàm phán bởi hiện cả 2 nước này đang chịu lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu của Mỹ. Mỹ đã cử một số quan chức sang Venezuela trước khi công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và có khả năng Mỹ sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt và cho phép Venezuela bán dầu ra thị trường thế giới. Trong khi đó, Mỹ và Iran cũng đang tiến hành đàm phán một thỏa thuận nhằm quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran và một động thái tương tự như đối với Venezuela cũng có thể được sử dụng trong quá trình đàm phán.
Hay từ nhiều tháng nay, OPEC+ đã thực hiện kế hoạch tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, theo thoả thuận đã đạt được vào tháng 4/2021 của nhóm. Nhưng thực tế từ nhiều tháng qua cho thấy, OPEC+ chưa khi nào đạt được mức tăng sản lượng như kỳ vọng, bởi không ít nước thành viên của nhóm đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, đáp ứng hạn ngạch được phân bổ. Các tính toán cũng cho thấy, nếu các nhà sản xuất lớn của OPEC+ tăng tối đa sản lượng khai thác cũng chỉ giải quyết được khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Còn việc sử dụng các kho dự trữ dầu chiến lược cũng chỉ là bài toán trong ngắn hạn. Con số 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược mà Mỹ và một số nước tiêu thụ dầu lớn thực hiện cũng chỉ duy trì được 30 ngày, với kịch bản các nước này bổ sung 2 triệu thùng/ngày vào thị trường.
Một số nhà phân tích cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm tới huyết mạch chính của nền kinh tế Nga là nhằm gây thiệt hại cho Nga và từ đó buộc nước này rút quân khỏi Ukraine, như vậy, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt không mang tính lâu dài và có thể sẽ được gỡ bỏ sau khi Nga đồng ý rút quân khỏi Ukraine.
Được – mất của Mỹ khi cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Dù thừa hiểu tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt ngành dầu khí Nga lên chính các gia đình Mỹ thời gian tới, song chính quyền Tổng thống Biden vẫn xúc tiến kế hoạch này, xuất phát từ một số lý do sau.
Thứ nhất, quyết định này nhận được sự đồng thuận từ các đồng minh và đối tác tại châu Âu, ngay cả nước Đức vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu khí nhập khẩu từ Nga.
Thứ hai, quyết định này nhận được sự đồng tình của các chính trị gia cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như sự ủng hộ của 79% cử tri Mỹ trong cuộc thăm do dư luận do Wall Street Journal tiến hành và công bố cùng ngày 8/3.
Thứ ba, tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trong năm ngoái chỉ chiếm gần 8%. Chính quyền Tổng thống Biden đã xúc tiến đàm phán với Venezuela, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia nhằm tìm cách bù đắp nguồn cung trước khi chính thức công bố lệnh trừng phạt chống Nga.
Cuối cùng và quan trọng nhất, với quyết định áp đặt trừng phạt ngành dầu khí vốn là xương sống của nền kinh tế Nga, Mỹ hy vọng sẽ khiến điện Kremlin cạn kiệt ngân sách chu cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine và phải chấp nhận rút quân, đồng thời khiến Moscow từ nay về sau không thể “vũ khí hóa dầu khí” trong quan hệ với các đồng minh và đối tác của Washington ở châu Âu./.