Thời gian gần đây, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd lại bùng lên. Ngày 18/4 Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiến hành một chiến dịch quân sự mang tên Claw-Lock cả trên không và trên bộ nhằm vào các mục tiêu của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.
Trong một tuyên bố ngày 23/5, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến hành chiến dịch quân sự mới ở miền Bắc Syria. Ông Erdogan không tiết lộ thông tin cụ thể nhưng chiến dịch được cho là nhằm vào khu vực có nhóm dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, giống như 3 chiến dịch mà Ankara từng tiến hành ở Syria từ năm 2016.
Vấn đề người Kurd cũng là một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ankara viện dẫn Stockholm và Helsinki có mối quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm vũ trang mà cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố.
Từ những năm 1980, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK về quyền tự trị lớn hơn cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và dẫn tới việc người Kurd thiết lập một mạng lưới liên kết ở Iraq, Syria và một số nơi khác.
Các cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK thường được Ankara tuyên bố là chiến dịch chống khủng bố, theo đó, việc loại bỏ sự hiện diện của PKK dọc theo biên giới phía Nam là điều bắt buộc phải làm đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều khác biệt lần này là các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria và Iraq, cùng với việc Ankara phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể sẽ tạo ra những tác động sâu sắc trong nước.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua cũng như làn sóng phản đối người tị nạn gia tăng trong nước, Tổng thống Erdogan được cho là sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử nhiều khó khăn, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023.
Ông Erdogan đang tìm cách tận dụng cuộc xung đột với các phong trào vũ trang người Kurd để cải thiện vị thế của ông trong nước, tìm cách đảm bảo các nguồn đầu tư, ngoại tệ và các dự án năng lượng mới để giúp ông tái đắc cử.
Củng cố liên kết với KRG ở Iraq
Thổ Nhĩ Kỳ củng cố liên kết với Chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) nắm quyền kiểm soát miền Bắc Irắc, bằng cách đàm phán một thỏa thuận năng lượng mới.
Trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các mối quan hệ năng lượng này càng trở nên quan trọng. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa năng lượng từ nhiều hướng, trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn chưa khai thác, mới phát hiện gần đây ở Đông và Nam Kirkuk của Iraq là một lời nhắc nhở nữa đối với Ankara rằng KRG là một đối tác quan trọng chiến lược.
Khi tiến hành chiến dịch Claw-Lock ở Bắc Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mục đích là nhắm vào lực lượng PKK hoạt động trong các đường hầm, boongke tại khu vực giữa Metina và Zap ở vùng núi Qandil ở Iraq. Ankara cáo buộc PKK sử dụng miền Bắc Iraq như một bàn đạp để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ suốt hàng chục năm qua.
Mặc dù lực lượng Peshmerga (nhánh người Kurd trong quân đội Iraq) từ chối hợp tác với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này, nhưng đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) cầm quyền tại KRG không lên tiếng chỉ trích chiến dịch này. Thực tế, chiến dịch Claw-Lock diễn ra sau các cuộc liên lạc cấp cao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và KRG.
Hai bên có chung mục tiêu là hạn chế vai trò của PKK ở Bắc Iraq và cũng đã đạt thỏa thuận về việc xuất khẩu dầu mỏ từ Kirkuk và Erbil sang cảng Ceyhan bên bờ Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu khí đốt từ khu tự trị người Kurd sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là châu Âu cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại, đó là sự đối địch và đấu đá nội bộ KRG, cũng như mâu thuẫn giữa Ankara và Baghdad.
Điểm mấu chốt ở chỗ: để thực hiện thỏa thuận năng lượng, tất cả các bên liên quan cần phải làm việc cùng nhau và điều này không dễ dàng vì chính phủ Iraq cho rằng thỏa thuận năng lượng Ankara-Erbil là không hợp pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến Mỹ để giải quyết bất đồng với chính phủ Iraq và những diễn biến sau đó đã dẫn tới sự hợp tác trực tiếp tiềm năng giữa Ankara và Baghdad.
Ngay sau khi Chiến dịch Claw-Lock bắt đầu, Chính phủ Iraq cũng triển khai binh sỹ ở quận Sinjar, khu vực biên giới giữa Iraq và Syria. Baghdad phủ nhận động thái này là sự phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Baghdad có chung mục tiêu với Ankara ở Sinjar: cả 2 bên đều muốn hạn chế vai trò của các nhóm phiên quân có liên quan tới Iran hoạt động trong khu vực.
Trong kịch bản này, một yếu tố có thể kéo Ankara và Baghdad lại với nhau là mối quan hệ “sóng gió” của cả 2 với Tehran. Việc loại bỏ các nhóm phiến quân khỏi Sinjar và thiết lập một thỏa thuận năng lượng mới sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của Iran tới Syra và xóa bỏ vai trò của Tehran với tư cách là nhà cung cấp năng lượng trong khu vực.
Chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự ở Bắc Syria
Từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát một dải lãnh thổ Syria dọc biên giới 2 nước. Phần còn lại của vùng biên giới do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.
Thành phần chủ yếu của SDF là các Đơn vị bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc YPG ở Syria có liên quan tới đảng Công nhân người Kurd (PKK). Sự ủng hộ của Mỹ đối với người Kurd ở Syria là một trong những bất đồng chính giữa Ankara và Washington.
Kể từ khi tiến hành chiến dịch Claw-Lock ở Bắc Iraq, Ankara cũng đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân quân người Kurd ở Syria, liên tiếp không kích bằng UAV khiến nhiều thành viên nhóm này thiệt mạng.
Tuy nhiên, việc đẩy người Kurd khỏi biên giới không phải là lý do chính cho sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria: Ankara muốn thiết lập các các vùng lãnh thổ để thể tái định cư những người Syria có nguồn gốc Hồi giáo Sunni hiện đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận 3,7 triệu người tị nạn Syria và gần 2 triệu người tị nạn từ các nước khác. Khủng hoảng kinh tế khiến sự phẫn nộ đối với những người tị nạn ngày càng gia tăng. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng người Syria đang “ăn cắp” công việc của họ và được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cao cấp.
Vấn đề người tị nạn cũng là chủ đề nóng trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thập kỷ. Phe đối lập đã công kích vào vấn đề này mạnh hơn trong những tuần gần đây.
Trước những áp lực ngày càng gia tăng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/5 tuyên bố chính phủ đang thực hiện một “dự án mới cho phép 1 triệu người Syria tự nguyện trở về” các khu vực an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền Bắc Syria.
Bên cạnh nỗ lực hồi hương người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn đạt được một mục tiêu chiến lược quan trọng khác: Nếu những người Hồi giáo dòng Sunni được di dời đến miền Bắc Syria, tỷ lệ người Kurd sống ở đó sẽ thu nhỏ lại. Ankara hy vọng việc tái cơ cấu nhân khẩu học này sẽ ngăn chặn sự xuất hiện của một nhà nước sơ khai ủng hộ người Kurd ở Syria, từ đó đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn.
Nếu các hoạt động quân sự ở Bắc Iraq và Bắc Syria thành công, Tổng Tổng thống Erdogan sẽ không chỉ tạo được một dải đất không có PKK dọc biên giới phía Nam, mà còn củng cố hợp tác năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở Iraq và đưa ra giải pháp cho vấn đề người tị nạn để có thể lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri.
Vào thời điểm kinh tế khó khăn và đối mặt với chiến dịch tái tranh cử khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị, những toan tính kể trên có thể giúp cải thiện cơ hội của ông Erdogan./.