Vấn đề nổi bật nhất trong cuộc điện đàm ngày 30/12/2021 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin là lực lượng quân sự Nga đang tập trung ở phía Bắc, Đông và Nam Ukraine. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden “đã tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả dứt khoát nếu Nga xâm lược Ukraine”.
Mỹ và các nước châu Âu cho rằng, việc Nga tập trung lực lượng sát biên giới với Ukraine là điều đáng lo ngại. Số lượng binh sỹ, khí tài được điều động hiện nay lớn hơn năm 2014. Khi đó, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga bị cáo buộc hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine chống lại lực lượng chính phủ Ukraine.
Cho tới nay, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn đang diễn ra và là một thảm kịch đối với người dân Ukraine, khiến 14.000 người thiệt mạng. Một phần của biên giới Đông Nam Ukraine vẫn đang là vùng chiến sự ác liệt.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một cuộc xung đột cục bộ. Nếu Nga thực sự can thiệp vào Ukraine trong mùa đông năm nay, cuộc xung đột gần như chắc chắn sẽ ở quy mô lớn hơn, không chỉ gây ra nhiều thiệt hại hơn mà phạm vi ảnh hưởng còn vượt ra ngoài Ukraine. Vì vậy, điều cấp bách là Mỹ cần phải hành động để ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy.
Nguy cơ tiềm tàng từ một cuộc chiến tranh Nga-Ukraine
Số lượng binh sỹ và khí tài của Nga gần biên giới Ukraine hiện nay cho thấy sự khác biệt về quy mô so với trước đây. Vào tháng 8/2014, Nga chỉ điều động 8 đơn vị cơ giới hóa, được gọi là Tiểu đoàn chiến thuật.
Vào những tháng cuối năm 2021, Nga đã tập hợp hơn 50 Tiểu đoàn chiến thuật, với tổng quân số ước tính khoảng 100.000 người bố trí gần biên giới Ukraine, cùng với một trung đoàn tên lửa đạn đạo tầm xa và bệ phóng tên lửa uy lực. Các nước phương Tây cho rằng, với một lực lượng quy mô đáng kể như vậy, bao gồm cả lực lượng hậu cần và hỗ trợ y tế, Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
Nếu quyết định tấn công, vẫn chưa rõ Nga sẽ sử dụng những lực lượng kể trên như thế nào. Nga có thể tấn công Ukraine bằng tên lửa, không quân và pháo binh, hoặc bằng các lực lượng cơ giới hóa; có thể tạm thời chiếm một số khu vực hoặc thậm nếu chiếm toàn bộ phần đất phía đông sông Dnieper, Nga có thể chia cắt Ukraine làm hai nửa.
Dù sử dụng chiến lược nào, một cuộc chiến quy mô như vậy sẽ bùng phát và lan rộng hơn nhiều so với xung đột về mặt địa lý ở miền Đông Ukraine, tạo ra các vấn đề cho các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu và tác động trực trực tiếp hơn đối với chính Washington. Do đó, mối đe dọa đối với Mỹ cũng lớn hơn trước đây và chính sách của Washington cần phải linh hoạt hơn.
Trước tiên, một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ tạo ra sự bất an trên toàn châu Âu. Hàng trăm nghìn người Ukraine có thể tìm cách chạy khỏi các cuộc giao tranh, tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mới. Và nếu Nga chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Ukraine, điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến không hồi kết.
Khi đó, các quốc gia thành viên NATO lân cận Ukraine như Hungary, Romania, Slovakia, Ba Lan sẽ có lý do để yêu cầu NATO tăng cường bảo vệ trước mối đe dọa từ Nga và ngăn chặn chiến tranh lan rộng.
Các quốc gia vốn vận động NATO có quan điểm cứng rắn hơn với Nga và hỗ trợ trực tiếp hơn cho Ukraine như Ba Lan và Litva có thể bị thúc đẩy để đáp trả một cách độc lập. Điều này có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được ngay tại trung tâm của lục địa châu Âu.
Lý do Mỹ cần hành động
Tất nhiên, Nga sẽ chỉ trích việc Mỹ tăng cường hỗ trợ an ninh cho các thành viên phía Đông của NATO là một dấu hiệu của ý định hung hăng, gây ra cuộc khủng hoảng an ninh leo thang ở Trung Âu, cũng như thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang.
Mỹ sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng Mỹ để duy trì và hiện đại hóa lực lượng nhằm bảo vệ các thành viên NATO. Mặt khác, điều đó cũng cản trở nỗ lực của Washington trong việc “xoay trục sang châu Á” và tập trung chủ yếu vào an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cuối cùng có thể bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh chiến lược hai mặt trận kéo dài tương tự như với Liên Xô trước đây.
Không gì có khả năng thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của Mỹ và châu Âu cũng như việc triển khai quân sự toàn cầu hơn một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Do đó, những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden cần phải làm là khiến kế hoạch hành động quân sự ở Ukraine trở thành viễn cảnh tồi tệ đối với Nga, đồng thời đưa ra lý do để Nga dễ dàng chấp nhận kiềm chế một kế hoạch như vậy.
Những lời đe dọa về việc Mỹ viện trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine không hiệu quả, bởi các khí tài hạng nặng như tên lửa phòng không hiện đại không thể đến kịp thời để thay đổi cán cân quân sự đang nghiêng rõ ràng về phía Nga. Trong khi đó, những lời đe dọa như vậy có thể củng cố lập luận Nga rằng Moscow phải sớm tấn công để ngăn chặn sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của NATO ở biên giới.
Thay vào đó, Mỹ phải xác định cụ thể cái giá đắt đỏ mà Nga có thể phải đối mặt nếu tấn công: các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn, mất các cơ hội kinh tế, bao gồm cả việc đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động...
Ông Biden cũng phải tìm cách để xoa dịu lo ngại của Nga về việc Ukraine có thể trở thành cơ sở tiến hành các hành động quân sự thù địch mà không ảnh hưởng đến và an ninh của Mỹ và châu Âu.
Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Ngày 17/12/2021, Nga đã công bố các yêu cầu đối với Mỹ và NATO, như hạn chế NATO kết nạp thêm thành viên mới, cấm máy bay ném bom và tàu Mỹ tuần tra không phận và vùng biển gần Nga.
Ông Biden không thể và chắc chắn không nhượng bộ “tối hậu thư” của Điện Kremlin trong cuộc điện đàm ngày 30/12/2021. Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực mà 2 bên có thể chấp nhận và đạt thỏa thuận.
Chẳng hạn như việc ông Putin bày tỏ lo ngại rằng Mỹ có kế hoạch triển khai tên lửa đất đối đất tầm trung ở Ukraine. Trên thực tế, các tên lửa tầm trung của Mỹ sẽ chỉ đi vào hoạt động trong vài năm tới và khó có khả năng được triển khai ở những nơi xa xôi như Ukraine. Việc Mỹ đưa ra hạn chế mới trong triển khai loại vũ khí như vậy có thể giảm bớt mối lo ngại của Nga./.