Cuộc khảo sát đã liên hệ lại với những người được thăm dò ý kiến hồi tháng 1 năm nay để xem quan điểm của họ về vấn đề tiêm vaccine đã có thay đổi ra sao. Kaiser Family Foundation (KFF) cho biết, những người quyết định tiêm vaccine sau khi từng chưa chắc chắn về khả năng có tiêm hay không thường nói rằng “gia đình, bạn bè và bác sĩ đã giúp họ thay đổi suy nghĩ”.
Cũng theo khảo sát của KFF, hầu hết những người đã đưa ra quyết định chắc chắn tiêm hoặc không tiêm hồi tháng 1 không thay đổi quan điểm kể từ đó. Trong số những người chưa tiêm chủng hồi đầu năm, chỉ có khoảng 8% thay đổi quyết định, số còn lại tiếp tục kiên định với lựa chọn ban đầu của họ hoặc mới chỉ bắt đầu lưỡng lự về khả năng có tiêm vaccine hay không.
Trong số những người quyết định tiêm vaccine Covid-19 sau khi ban đầu chưa chắc chắn, khoảng một nửa nói rằng họ được thuyết phục bởi những thông tin mà học đọc được hoặc nghe thấy và 36% nói rằng họ được thuyết phục qua trao đổi với một người nào đó.
Khoảng 1/4 trong số những người đã tiêm vaccine sau do dự ban đầu cho biết họ cảm thấy yên tâm khi chứng kiến những người khác chủng ngừa mà không bị ảnh hưởng nặng nề; một phụ nữ nói rằng cô đã được thuyết phục về độ an toàn của vaccine sau khi Tổng thống Joe Biden tiêm vaccine.
“Tôi tin rằng một số tác dụng phụ mà người ta đồn đại là không đúng sự thật”, một người đàn ông ở Colorado, 69 tuổi – người ban đầu cho biết ông sẽ chỉ tiêm vaccine nếu cần thiết, nói với KFF.
Những người khác cuối cùng quyết định chủng ngừa do áp lực từ gia đình và bạn bè (8%) hoặc mong muốn được thăm người thân một cách an toàn (3%).
Một phụ nữ ở Indiana, 42 tuổi, từng khẳng định chắc chắn sẽ không tiêm vaccine trong cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 1 nhưng đến mùa hè năm nay đã quyết định chủng ngừa. Lý do mà người này đưa ra là do chồng của cô cảm thấy khó chịu khi cô không tiêm vaccine và cuối cùng cô đã nhượng bộ.
Sự trấn an và khuyến nghị từ các bác sĩ và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng đóng một vai trò nhất định (11%).
Một phụ nữ 28 tuổi ở Iowa cho biết, ban đầu cô quyết định tạm chưa tiêm vaccine Covid-19 vì đang trong thời gian cho con bú, nhưng sau khi nghe tư vấn từ các bác sĩ rằng cô có thể cung cấp cho con mình kháng thể, cô đã chủng ngừa.
Một số người khác cho biết họ chọn tiêm vaccine vì những hạn chế đặt ra đối với những người chưa được tiêm chủng. Một người đàn ông cho biết đã tiêm vaccine để có thể đến thăm người thân ở Bahamas.
Tính đến ngày 12/7, khoảng 56,2% người dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp nguy hiểm tại các bang như Alabama, Mississippi và Arkansas – đây cũng chính là những nơi đang phải chứng kiến các ca mắc mới trong ngày gia tăng mạnh nhất trên toàn quốc.
Số ca mắc mới trung bình trên cả nước là 21.420 ca trong 7 ngày đến ngày 12/7, cao hơn so với mức thấp nhất được ghi nhận từ đầu năm nay với 11.462 ca đến ngày 20/6. Số ca tử vong cũng tăng dần, từ mức trung bình 151 ca trong 7 ngày đến ngày 6/7 lên 194 ca đến ngày 12/7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu đến ngày 4/7, có 70% số người trưởng thành tại nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, song con số thực tế chỉ đạt 67,7%.
Cuộc khảo sát của KFF cũng cho thấy, có khoảng 1/5 số người trưởng thành vẫn chưa được tiêm chủng. Với nhóm đối tượng này, các tác dụng phụ của vaccine được xem là lý do chính khiến họ quyết định không chủng ngừa. Những người khác thì bày tỏ lo ngại về tính an toàn của vaccine hoặc cho rằng họ không thấy có lợi ích gì khi tiêm.
“Chồng tôi đã tiêm vaccine và gặp nhiều tác dụng phụ. Tôi không thể bị ốm, tôi còn phải lo nhiều công việc trong gia đình”, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha, 42 tuổi nói.
Mặc dù tỷ lệ công chúng được thuyết phục để tiêm vaccine đã giảm đi kể từ tháng 1, tuy nhiên nỗ lực chưa hẳn đã là công cốc. Có khoảng 1/10 người Mỹ vẫn nói rằng họ đang chờ xem vaccine ảnh hưởng thế nào đối với những người đã tiêm trước khi họ đưa ra quyết định./.