Thiếu nguyên liệu quan trọng có thể dẫn tới chiến tranh
Thế giới hiện nay và công chúng nước Mỹ nói riêng đều đã biết về trận chiến Trân Châu Cảng nổi tiếng xảy ra vào năm 1941. Việc Nhật Bản tấn công Mỹ lúc đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân mà ít người biết đến: Đế chế Nhật Bản trong lúc muốn mở rộng tham vọng toàn cầu thì vấp phải trở ngại từ Mỹ. Khi ấy, Mỹ áp lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu mỏ mà Nhật Bản rất cần vì họ không tự khai thác được ở trong nước.
Ngày nay tình hình có nhiều thay đổi nhưng sự thiếu hụt nguyên liệu thiết yếu vẫn xảy ra. Chẳng hạn, Mỹ đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt đất hiếm. Các kim loại đất hiếm, gọi đơn giản là đất hiếm, là những vật liệu thiết yếu, không thể thay thế được dùng cho công nghệ hiện đại. Trong khi đó, kể từ năm 1985, Trung Quốc đã giành được một cách có hệ thống quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản thị trường tự do ở Mỹ đã từ lâu ủng hộ việc để Trung Quốc lo cung ứng đất hiếm cho họ. Và chính phủ Mỹ gần đây bắt đầu thừa nhận mối nguy hiểm chiến lược từ sự phụ thuộc đó.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp vạch ra chiến lược bảo đảm nguồn cung an toàn và tin cậy các khoáng sản thiết yếu. Sắc lệnh này coi các khoáng sản này là "sống còn đối với an ninh và thịnh vượng của quốc gia này".
Những điểm yếu trong nguồn cung đất hiếm cho nước Mỹ đã nổi rõ hơn nữa khi đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó chưa từng có phơi bày cái giá đắt đỏ của việc phụ thuộc vào công nghiệp nước ngoài và những hậu quả khó lường của toàn cầu hóa.
Năm 2020, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz đã giới thiệu đạo luật "Quặng" để hỗ trợ phát triển phát triển năng lực đất hiếm nội địa của Mỹ. Một tháng sau khi nhập chức, Tổng thống Joe Biden cũng xác định đất hiếm là một ưu tiên.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện mới chỉ có một số đầu tư ít ỏi và tương đối nhỏ vào ngành đất hiếm.
Thiếu đất hiếm đe dọa trực tiếp an ninh Mỹ về dài hạn
Tương lai của an ninh nước Mỹ gắn trực tiếp với an ninh nguồn cung đất hiếm. Nếu Mỹ không bảo đảm được nguồn cung để đuổi kịp các đổi mới công nghệ, điều đó có nghĩa rằng Mỹ khó duy trì sức cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc đã có hàng thập kỷ phát triển năng lực công nghiệp này và tự vệ trước các thách thức từ thị trường tự do. Nếu thiếu biện pháp can thiệp mạnh mẽ, sáng tạo, và chủ động, Mỹ có thể đối mặt với thách thức giống Nhật Bản cách đây khoảng 8 thập kỷ.
Thực sự đất hiếm đã trở thành một phần căn bản của cuộc sống hiện đại. Điện thoại di động, máy tính, ti-vi và ô tô con là một vài trong số các sản phẩm cần đến nam châm bên trong mạnh mẽ được chế tạo từ đất hiếm. Các thiết bị y tế hiện đại, hệ thống viễn thông và quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh bền vững đều hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác thành công nguồn tài nguyên không tái tạo được này. Tương tự, đất hiếm cũng thiết yếu đối với việc phát triển công nghệ quân sự.
Để dễ hình dung, hãy so sánh với dầu mỏ. OPEC kiểm soát 41% sản lượng dầu mỏ và cùng với đó, họ có được quyền lực địa chính trị lớn lao trong nhiều thập kỷ. Sự phụ thuộc của Mỹ vào OPEC đã thúc đẩy Mỹ tích cực ủng hộ phát triển các nguồn cung ứng thay thế. Ngày nay, dù Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% quặng đất hiếm, sản xuất 85% oxide loại này, và chiếm tới hơn 95% sản lượng đất hiếm, vẫn chưa có nguồn thay thế đáng kể nào.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đông Nam Á, tình trạng chiến tranh thương mại vẫn diễn ra và có áp lực lớn trên toàn cầu phải chống biến đổi khí hậu thông qua công nghệ "xanh", nguy cơ xảy ra khủng hoảng toàn cầu do vấn đề đất hiếm đang tăng lên.
Khả năng của Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh về quân sự trước Trung Quốc lại phụ thuộc nhiều vào chính chuỗi cung ứng đất hiếm. Các vũ khí chính xác, công nghệ tàng hình, phi cơ không người lái (UAV), và các vệ tinh đều là những yếu tố chủ chốt phụ thuộc vào đất hiếm. Chẳng hạn, một chiếc máy bay chiến đấu F-35 hiện đại chứa tới 417kg đất hiếm.
Năm 2020, đáp trả thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với Đài Loan, Trung Quốc đã đe dọa cắt chuỗi cung ứng đất hiếm cho 3 nhà sản xuất quốc phòng của Mỹ, bao gồm cả hãng Lockheed Martin chế tạo chiếc F-35. Phản ứng này cho thấy sức mạnh của thế độc quyền Trung Quốc và hậu quả đắt giá tiềm tàng đối với Mỹ và đồng minh của họ. Đây cũng là lời cảnh báo đối với bất cứ nước nào có thể gián tiếp thách thức chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời cũng khuyến khích các bên tìm một nguồn cung ứng đất hiếm độc lập và tin cậy.
Hành trình Trung Quốc tiến tới thế độc quyền đất hiếm
Xấp xỉ 40% nguồn dự trữ đất hiếm đang được khai thác hiện nay nằm trong các mỏ của Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu hàng đầu cả quặng đất hiếm và đất hiếm cô đặc.
Khác với các nước công nghiệp khác, Trung Quốc có khả năng trợ cấp cho ngành công nghiệp đất hiếm theo các kế hoạch chiến lược dài hạn. Theo thời gian, điều này tạo ra sức cạnh tranh của các công ty đất hiếm Trung Quốc trước các đối thủ toàn cầu của họ.
Việc khai thác đất hiếm cho đến nay vẫn là một nghề khó khăn và gây ô nhiễm. Nhiều nước công nghiệp khác có khả năng khai thác đất hiếm nhưng lại ngại ngần do thấy ngành này thiếu hiệu quả về kinh tế và khó đảm bảo về môi trường. Thực tế này càng thúc đẩy lợi thế của các hãng Trung Quốc - họ có 4 lợi thế là trình độ chuyên môn được tích lũy, chi phí sản xuất thấp, quy định không quá khắt khe và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đóng góp tới hơn 80% bằng sáng chế quốc tế mới liên quan đến công nghệ đất hiếm, khiến các hãng đất hiếm nước ngoài càng không có cơ cạnh tranh với Trung Quốc.
Hãng MP Materials ở California (Mỹ) gần đây cung cấp tới 15% lượng đất hiếm toàn cầu, nhưng 100% trong số này lại được gửi cho các nhà máy chế biến của Trung Quốc dưới hình thức đất hiếm cô đặc đơn giản. Hãng này có chiến lược tham vọng nâng cao năng lực chế biến vào năm 2022 nhưng các thất bại trong quá khứ của ngành đất hiếm Mỹ khiến nhiều người nghi ngờ mục tiêu đó.
Hãng Lynas ở Australia có lẽ là chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn toàn duy nhất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà máy chế biến duy nhất của họ lại đặt ở Malaysia chứ không phải trong lãnh thổ Australia nên cũng có nhiều yếu tố bất định.
>> Xem thêm: Trung Quốc nhòm ngó nguồn đất hiếm ở đáy Biển Đông
Đối sách của Mỹ và đồng minh
Hãng Neo Materials của Canada gần đây phối hợp với Energy Fuels phát triển một sáng kiến cung cấp đất hiếm Mỹ-châu Âu độc lập hoàn toàn với Trung Quốc.
Ngoài các hãng đất hiếm, thì các công ty trong các lĩnh vực khác cũng tìm cách xử lý vấn đề gây lo ngại toàn cầu này. Năm 2018, hãng sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản giới thiệu một nam châm chứa đựng lượng đất hiếm giảm đi 50% so với thông thường. Kể từ đó, các nhà sản xuất ô tô khác đã tham gia chiến lược đổi mới này. Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu Frauenhofer-Gesellschaft của Đức đang điều phối các nỗ lực quốc tế trong việc thăm dò các phương pháp khai thác đất hiếm hiệu quả hơn và tìm kiếm những thứ có thể thay thế cho đất hiếm.
Về phần mình, Mỹ cần trợ cấp nhiều hơn cho ngành công nghiệp đất hiếm của mình.
Thứ hai, Mỹ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đất hiếm và các thách thức từ thế độc quyền của Trung Quốc.
Dự luật Quặng của thượng nghị sĩ Cruz ngoài việc khuyến khích các hãng Mỹ trong lĩnh vực đất hiếm còn hỗ trợ việc thu lượm đất hiếm từ các thiết bị tái chế và các rác thải công nghiệp. Ngoài ra dự luật này còn cập nhật một luật hiện nay của Mỹ hạn chế Bộ Quốc phòng nước này tìm kiếm đất hiếm từ các nước không liên kết (bao gồm Trung Quốc) và buộc họ phải theo đuổi các giải pháp khác về chuỗi cung ứng.
Nhưng ngoài việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, chính phủ Mỹ có thể thúc đẩy ngành đất hiếm quốc tế và các sáng kiến để tạo ra một hệ thống trao đổi thông tin và chia sẻ gánh nặng hợp tác./.