Biển Đông lại dậy sóng và mưu đồ thâm sâu của Trung Quốc
Vào tháng 3/2021, hơn 200 tàu dân quân của Trung Quốc tập trung ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc nhóm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa. Sự hiện diện của các con tàu nhắc nhở nhân loại về ý đồ của Trung Quốc muốn thâu tóm phi pháp hầu hết Biển Đông trong cái mà họ gọi đường 9 đoạn, coi đây là lãnh thổ của họ.
Giới chức Philippines đã lên tiếng báo động về các động thái của Trung Quốc và nhắc lại phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ tính pháp lý trong các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển này. Nhưng Trung Quốc bất chấp tất cả, tiếp tục củng cố sự hiện diện phi pháp của mình ở nhiều nơi thuộc Biển Đông, từ đó làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang. Ít nhất một nhà phê bình của Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một trong các vấn đề nổi bật nhất là quyền được tiếp cận một cách tự do và không giới hạn đối với các vùng biển quốc tế và các tuyến hàng hải chạy qua đó. Các vấn đề này có tầm quan trọng lớn lao và thu hút sự chú ý của các lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Sự hiện diện của riêng hải quân Trung Quốc đã lên tới mức độ kỷ lục và họ vẫn có kế hoạch mở rộng hiện diện hơn nữa. Mỹ cũng gia tăng hiện diện hải quân của họ ở khu vực này. Tổng thống Joe Biden đã gửi đi tín hiệu về ý đồ của ông trong việc duy trì hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, trong đó nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận tự do và mở đối với các vùng biển và tuyến thương mại quốc tế. Anh Quốc cũng đang gửi một hạm đội tàu chiến tới vùng này, hạm đội lớn nhất mà nước này từng triển khai kể từ cuộc chiến Malvinas/Falkland năm 1982. Tất cả đều là điềm báo về một kịch bản chiến tranh trong khu vực.
Tuy nhiên thủ thuật của Trung Quốc rất tinh ranh. Họ chỉ xác lập dần sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực theo chiến thuật “lá bắp cải” quanh các vị trí ở xa trong khi bác bỏ các giải pháp pháp lý. Họ chủ động dùng cách tiếp cận từ từ để tránh xung đột quy mô lớn. Có thể gọi đây là sự trì hoãn chiến lược. Dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục chiêu thức này trong tương lai gần, áp dụng chiến thuật “vết dầu loang” để mở rộng tầm vươn ở Biển Đông.
Trung Quốc khát tài nguyên chiến lược ở đáy Biển Đông để duy trì sức mạnh
Trung Quốc có nhiều lý do để thôn tính Biển Đông, trong đó có một động cơ đáng lưu ý liên quan đến những thứ có ở trên bề mặt đáy biển.
Trung Quốc hiện đang hùng hổ cạnh tranh với các cường quốc tầm cỡ toàn cầu khác trong cuộc đua kinh tế vĩ đại của thế kỷ 21: Chinh phục thị trường năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc không úp mở về ý đồ trở thành nước tiên phong trong sản xuất các loại pin đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, tiếp năng lượng cho các thiết bị điện tử tối tân dùng để giao tiếp và kinh doanh, với tiềm năng giảm biến đổi khí hậu. Đồng thời, Trung Quốc đang phấn đấu để trở thành nhà sản xuất hàng điện tử hiện đại hàng đầu thế giới. Với kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc ưu tiên các ngành sản xuất bán dẫn, công nghệ hàng không vũ trụ, và robot học.
Trong khi đó, để sản xuất các loại pin và các thiết bị điện tử tiên tiến này không thể thiếu đất hiếm. Việc tiếp cận nguồn cung đất hiếm phong phú sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với sự tăng trưởng không giới hạn của các ngành trên trong các năm tới.
Theo nghiên cứu của Mỹ¸ một mục tiêu chiến lược cốt lõi của Trung Quốc là duy trì sức mạnh của họ trên thị trường đất hiếm. Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã thống trị thị trường sản xuất và xuất khẩu đất hiếm. Trung Quốc vẫn thường sản xuất trên 90% lượng đất hiếm được tiêu thụ trên thế giới, quốc gia này có sức mạnh thị trường để kiểm soát giá và số lượng các mặt hàng thiết yếu này. Tương tự như Saudi Arabia có thể chi phối thị trường dầu thế giới, Trung Quốc có khả năng hạn chế hoặc mở rộng việc xuất khẩu đất hiếm để duy trì mức giá và mức cung mà họ mong muốn.
Vậy vai trò của Trung Quốc trong thị trường đất hiếm thì có liên quan gì đến chính trị Biển Đông?
Trung Quốc hiện đang đối diện với 2 mối đe dọa tiềm tàng đối với việc cung cấp đất hiếm. Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển và giới trung lưu nước này ngày càng mở rộng, chính phủ Trung Quốc có khả năng dự tính đến sự cạn kiệt các mỏ đất hiếm lớn trên đất liền ở nước này. Thứ hai, Trung Quốc đã bổ sung thành công nguồn cung đất hiếm thô từ những nước như Congo nhưng sự ổn định dài hạn trong việc tiếp cận các nguồn cung từ bên ngoài vẫn là một dấu hỏi.
Trước các mối đe dọa này, Trung Quốc đã bắt đầu nhìn ra biển để tìm cách bổ sung nguồn cung đất hiếm. Đáy Biển Đông chứa đựng nhiều khoáng sản gọi là kết hạch mangan. Trung Quốc đã phát triển công nghệ khai khoáng biển sâu tiên tiến nhất thế giới và sở hữu năng lực vô song của mình trong khai thác các kết hạch mangan và đất hiếm chứa trong đó. Trước các quy định mới về khai thác do Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế đặt ra, Trung Quốc thấy cách tốt nhất để đảm bảo việc tiếp cận ổn định các khoáng sản đáy biển và nguồn cung đất hiếm ở ngoài khơi là... biến các vùng biển này thành của họ.
Bài học do Trung Quốc rút ra về đất hiếm
Nhưng nếu mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát nguồn cung và giá cả đất hiếm trong ít nhất 1/4 thế kỷ nữa thì việc phát động một cuộc chiến là phản tác dụng. Trung Quốc thực tế đã khá quen thuộc với các giới hạn trong sức mạnh thị trường hiện nay của họ đối với đất hiếm.
Hồi năm 2010, tuần duyên Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc dùng lưới kéo. Sau đó, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm lên việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản cũng như hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm tới phần còn lại của thế giới. Giá đất hiếm trên thế giới liền tăng vọt, thậm chí tới 2.000%.
Việc tăng giá và giảm nguồn cung đất hiếm đã thu hút thêm các bên nhảy vào lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở một cuộc điều tra về sự phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc, và thế rồi có hàng chục hãng tư nhân bước chân vào thị trường này.
Trong cuộc “Khủng hoảng Đất hiếm 2010-2012”, Trung Quốc nhận ra rằng việc giới hạn nguồn cung hoặc tăng giá đất hiếm quá nhiều sẽ làm xói mòn vị thế của chính họ trên thị trường này. Đến năm 2014, Trung Quốc dỡ bỏ hạn ngạch, khôi phục việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, và giá đất hiếm giảm xuống. Các nhân tố mới trong thị trường đất hiếm biến mất dần nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện trở lại.
Sau khi đã rút ra bài học đó, Trung Quốc xác định mục tiêu không phải là triển khai sức mạnh thị trường của họ để làm xói mòn sự tiếp cận của thế giới đối với đất hiếm. Thay vào đó, Trung Quốc được dự báo sẽ nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp đất hiếm ổn định cho thị trường nội địa trong khi tiếp tục thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu.
Nếu Trung Quốc đảm bảo đất hiếm phong phú và giá rẻ cho chính nhu cầu sản xuất của họ thì họ sẽ ở vị trí thuận lợi để đạt được các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng trong các năm tới đây. Lợi nhuận thu được từ thị trường đất hiếm toàn cầu sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong việc trợ cấp cho nhu cầu nội địa./.