CNN dẫn nhận xét của một số quan chức Mỹ cho rằng, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các phần tử thuộc tổ chức khủng bố IS-K (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan) đã cho thấy những trở ngại đối với các quan chức quân đội và tình báo được giao nhiệm vụ thực hiện cam kết của Tổng thống Biden buộc IS-K phải trả giá cho vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul.

Theo 2 quan chức Mỹ, Washington dựa một phần vào những hình ảnh giám sát từ trên không để nhắm mục tiêu vào các tay súng IS-K bị nghi ngờ thực hiện vụ đánh bom. Hình ảnh cho thấy, các tay súng IS-K đã chất thuốc nổ lên thùng xe ô tô. Giới tình báo đã theo dõi chiếc xe rất lâu và thấy nó dừng lại ở nhiều địa điểm của IS-K. Lầu Năm Góc đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy chiếc sẽ hướng đến Sân bay Quốc tế Hamid Karzai để thực hiện vụ đánh bom.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã gọi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ là hành động “chính nghĩa” vì ít nhất một trong số những người thiệt mạng là chỉ huy của IS-K. Nhiều quan chức khác cho rằng cuộc tấn công là cần thiết nhằm ngăn chặn mối đe dọa tiềm ẩn đối với các lực lượng Mỹ đang hỗ trợ sơ tán hàng nghìn người Mỹ và người tị nạn ra khỏi Afghanistan.

Nhưng cái giá phải trả rất đắt. Một số người dân tại Afghanistan nói với CNN rằng, cuộc tấn công diễn ra trong một con hẻm chật hẹp trong khu dân cư và khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em. Không phải tất cả các nạn nhân trong số này đều liên hệ với IS-K. Lầu Năm Góc vẫn lên tiếng bảo vệ cuộc tấn công song cho biết họ đang điều tra về cáo buộc gây thương vong cho dân thường.

Rủi ro cao

Tổng thống Mỹ Biden cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng IS-K tại Afghanistan, buộc chúng phải trả giá cho cuộc tấn công vào sân bay Kabul tuần trước khiến 13 binh sỹ Mỹ thiệt mạng. Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ và Taliban nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, việc duy trì khả năng theo dõi các nhóm khủng bố như IS-K sẽ trở nên khó khăn hơn.

Mỹ có thể tiếp tục triển khai máy bay không người lái từ vùng Vịnh đến Afghanistan song nhiệm vụ sẽ rất hạn chế, vì những máy bay này sẽ phải dành 60% thời gian để đến và đi khỏi Afghanistan. Chúng cũng không thể bao quát được không gian rộng, như khi được triển khai trên chính lãnh thổ nước này. Một số nhà phân tích cho rằng, điều đó tạo ra những “điểm mù”. Nếu không có một mạng lưới các nguồn lực dồi dào như những gì Mỹ đã xây dựng tại Afghanistan trong suốt 20 năm qua, các quan chức tình báo và quân sự sẽ không biết nên giao nhiệm vụ cho máy bay không người lái tìm kiếm ở các khu vực nào.

“Bạn có thể không sở hữu những vũ khí tinh vi nhất nhưng nếu bạn không có thông tin thì đây là thực sự là vấn đề. Bạn cần phải biết về mối đe dọa, những đối tượng có liên quan và xác định vị trí của họ, chẳng hạn như họ sẽ đi đâu và khi nào thì đến đó?”, một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết.

Lựa chọn khó khăn

Chính quyền Tổng thống Biden đang tích cực thảo luận trong nội bộ và với các đồng minh quốc tế về việc liệu có nên thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban hay không và làm như thế nào để thực hiện điều đó. Quyết định này sẽ tác động đến tương lai của chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan.

Trong vài tuần qua, các quan chức Mỹ đã đặt câu hỏi liệu có nên tiết lộ nơi gửi các quỹ dự trữ của Afghanistan cho Taliban hay không và ai sẽ là người đối thoại chính với một lực lượng từng được coi là kẻ thù của Mỹ. Câu hỏi về việc cần phải chia sẻ thông tin tình báo với Taliban ở mức độ nào để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố cũng là một chủ đề gây tranh cãi.

Trong nhiều tháng qua, chính quyền Biden đã xem xét lại chính sách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nằm vào lực lượng khủng bố tại các vùng chiến sự. Một số nguồn thạo tin cho biết, việc đánh giá gần như đã hoàn tất, nhưng chiến thắng quá nhanh và quá bất ngờ của Taliban tại Afghanistan đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Dù Taliban nhất trí phối hợp với quân đội Mỹ thiết lập hành lang an toàn cho người Mỹ và người Afghanistan tới sân bay quốc tế ở Kabul để sơ tán, nhưng chính quyền Biden vẫn chưa tin tưởng lực lượng này sẽ trở thành một đối tác chống khủng bố đáng tin cậy.

Khi được hỏi liệu Mỹ có tìm cách hợp tác với Taliban tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào IS-K hay không, Tướng Mark Milley nói rằng: “Có thể”. Song cả ông Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc. Phát biểu với báo chí, ông Lloyd Austin cho biết, sự hợp tác hạn chế trong quá trình sơ tán không nên được xem là mô hình hợp tác trong tương lai.

Ngay cả trong quá trình sơ tán, Mỹ vẫn thể hiện sự dè dặt khi phối hợp với Taliban. Một quan chức Mỹ cho biết, mặc dù Mỹ đã chia sẻ một số thông tin tình báo với Taliban để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào sân bay song phạm vi chia sẻ cực kỳ hạn chế và chỉ dừng lại ở mức đảm bảo sự an toàn cho binh sỹ Mỹ.

Về mặt lý thuyết, cả Mỹ và Taliban đều có thể hợp tác với nhau trong một số trường hợp nhất định để ngăn chặn những kẻ khủng bố tập hợp lại ở Afghanistan. Nhưng các quan chức Mỹ nói rằng trên thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với CNN: “Chúng tôi biết lực lượng khủng bố al Qaeda về cơ bản có liên hệ với Taliban và họ đã sống lưu vong trong suốt 20 năm. Trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều tay súng nước ngoài quay trở lại Afghanistan và tự nhận mình thuộc lực lượng al Qaeda, IS hay Taliban. Dù không biết họ có phải là thành viên hay không. Chính vì vậy, việc tin tưởng Taliban và cung cấp cho họ những thông tin nhạy cảm sẽ khiến chúng ta gặp nhiều nguy hiểm hơn. Thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta có thể hợp tác với Taliban chống lại IS-K”.

Một quan chức khác cho rằng, Taliban và IS-K có nhiều điểm khác biệt, nhưng ông vẫn phải thừa nhận IS-K hiện nay đã mạnh hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Mỹ rút quân./.