Tạp chí quân sự IHS Jane's tuần trước đưa tin, các hình ảnh vệ tinh thu được tháng 10/2014 cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một bãi đáp trực thăng với 10 đường băng và tuabin gió ở đảo Nanji, cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300 km. Hòn đảo này cũng cách Okinawa – nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ - Nhật có 400 km.

dao_umek.jpgCác hoạt động xây dựng trên đảo Nanji (ảnh: IHS Jane's)
Hãng Kyodo News đưa tin “một số thiết bị phục vụ cho các trạm radar đã được lắp đặt tại những điểm cao ở trung tâm đảo Nanji. Ngoài ra, một số đường băng cũng đã được xây dựng ở đảo này để có thể sử dụng cho các máy bay từ tàu chiến và tàu tuần tra”.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng những hình ảnh vệ tinh mà tạp chí IHS Jane's công bố chưa cho thấy rõ các hoạt động của máy bay trên đảo Nanji, song có thể khẳng định “Trung Quốc đã cho xây dựng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại trên đảo”.

Tuy nhiên, ông Yang Yujun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ những thông tin này. Ông Yujun: “Không có gì đáng để chỉ trích hay nghi ngờ khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động trong lãnh thổ của mình. Một số phương tiện truyền thông Nhật đã có những bình luận vô trách nhiệm về các hoạt động và quá trình xây dựng hợp pháp của Trung Quốc, điều này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Trong khi đó, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Hải quân Trung Quốc nói với Bloomberg: quân đội Trung Quốc ở đảo Nanji hiện chưa lớn song có thể được tăng thêm trong thời gian tới. “Đảo Nanji có vị trí chiến lược quan trọng vì nó có khoảng cách gần với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Vì thế Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở đó”.

Căn cứ mới trên đảo Nanji sẽ là cơ sở để Trung Quốc tiến hành thuận lợi hơn những chuyến bay tuần tra các khu vực quần đảo có tranh chấp, hồi năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc sẽ trình diễn sức mạnh quân sự

BBC dẫn tin từ hàng loạt tờ báo của Trung Quốc sáng 28/1 thông báo Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn kỷ niệm kết thúc 70 năm Chiến tranh thế giới II.

 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) (ảnh: EPA)
Website Nhật dân Nhật báo của Trung Quốc nói rằng các cuộc diễu hành sẽ “cho thấy quyết tâm của Trung Quốc để duy trì trật tự thế giới sau chiến tranh” và cũng là một minh chứng cho việc “răn đe quân sự đối với Nhật Bản”.

Tuy nhiên, China Daily nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn là một đất nước yêu chuộng hòa bình và cuộc diễu hành quân sự không nhằm mục đích khoét sâu thù hận.

“Trung Quốc không có ý định khiêu khích Nhật Bản bằng cách khoe sức mạnh quân sự của mình, ngay cả khi những lời nói và hành động của các chính trị gia Nhật Bản đã tăng cường thêm căng thẳng trong khu vực Đông Á”, trích tin China Daily.

AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị ngoại giao Hu Zhanhao lý giải việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ tổ chức diễu hành quân sự: “Việc trình diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ cho Nhật Bản thấy thái độ và quyết tâm của Bắc kinh và để Tokyo không thể thách thức kế hoạch giữ gìn trật tự thế giới sau chiến tranh. Nhật bản không thể xâm phạm đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nếu làm như vậy sẽ trở thành kẻ thù và cần phải chuẩn bị tâm lý rằng Trung Quốc sẽ phản công”.

Mặc dù chưa công bố chính thức thời gian tổ chức diễu hành quân sự song các báo chí Trung Quốc đồng loạt xác nhận thông tin này là có thật./.