Khát vọng trên càng nổi bật hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, làm gia tăng sự bất bình đẳng khi những người nghèo đang phải đấu tranh để nhận được quyền sống, quyền được bảo vệ trước đại dịch.

Vụ một người Mỹ gốc Phi không có vũ khí bị cảnh sát thành phố Columbus, bang Ohio (Mỹ), bắn chết mới đây đã châm ngòi cho làn sóng mới phản đối phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát tại Mỹ những ngày cuối năm. Những vụ việc trên xảy ra không lâu sau khi nước Mỹ vừa trải qua mùa Hè dậy sóng với làn sóng biểu tình chưa từng có nhằm phản đối sự phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát, sau vụ việc anh George Floyd, người Mỹ gốc Phi, bị cảnh sát ghì cổ tới chết. Biểu tình cũng đã lan rộng ra toàn thế giới, với việc chưa bao giờ nhiều người da trắng - đặc biệt là những người trẻ tuổi - tham gia “cơn thịnh nộ” của người da màu đến vậy.

Có lẽ câu nói của George Floyd: "Tôi không thở được", thốt ra khi bị đè chết dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng, đã chạm đến trái tim của triệu người dân trên thế giới không chỉ bởi nó phản ánh một thực tế phân biệt chủng tộc từ lâu đã âm ỉ trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, mà nó còn thể hiện khát vọng được công bằng và bình đẳng trong xã hội giữa đại dịch Covid-19.

Virus SARS-CoV-2 không phân biệt đẳng cấp, biên giới quốc gia hay mức độ giàu nghèo. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng xã hội được thể hiện rõ hơn trong đại dịch khi những số liệu chính thức cho thấy những người sống tại các khu dân cư nghèo tại Mỹ có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các khu giàu có.

Câu chuyện công bằng và bình đẳng còn được thể hiện ở quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Theo báo cáo của Oxfam và các tổ chức nhân quyền khác, các quốc gia giàu có chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã sử dụng nguồn lực và ảnh hưởng của mình để thu được 96% vaccine của Pfizer và 100% của Moderna. Các quốc gia này thậm chí còn đang lên kế hoạch dự trữ. 

Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn là khi những nước giàu đang sở hữu những loại vaccine hiệu quả nhất, thậm chí còn dự trữ chúng thì tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sĩ tuyến đầu hay người già yếu.

Vấn đề nghiêm trọng tới mức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng Covid-19 đang "lan truyền với tốc độ tối đa", khiến người dân ở các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới phải dõi theo một số nước giàu triển khai hoạt động tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 như thế nào, rồi tự hỏi liệu mình có được tiêm vaccine này hay không.

“Tác động xã hội và kinh tế của đại dịch là rất lớn và ngày càng tăng. Không có vaccine nào có thể bù đắp những thiệt hại đã gây ra. Chúng ta phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong 8 thập kỷ. Nghèo đói cùng cực đang gia tăng, nạn đói đe dọa hiện hữu. Những tác động kéo dài là kết quả của bất bình đẳng và bất công trong thời gian dài do đại dịch gây ra. Chúng tôi cần thiết lập lại".

Câu chuyện công bằng và bình đẳng có lẽ không phải là vấn đề mới nhưng tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy vấn đề này càng trở nên nhức nhối và nghiêm trọng hơn. Năm 2021 được dự đoán cũng sẽ không dễ dàng đối với những người nghèo, người yếu thế khi họ phải vật lộn để có “đủ bánh mì” trên bàn ăn hay “giành giật” để có những liều vaccine bảo vệ mạng sống của mình trước đại dịch.

Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới David Beasley nhấn mạnh: “Nhiệm vụ khó khăn nhất đang ở phía trước trong năm 2021. Điều này đòi hỏi phải hành động. Nếu chúng ta không hành động sẽ có những thảm họa khác xảy ra như nạn đói, bất ổn xã hội kéo theo di dân hàng loạt. Cái giá cho những điều này sẽ rất đắt”.

Để có một giải pháp đòi hỏi sự chung tay, sẻ chia và kế hoạch không chỉ tại các quốc gia mà còn trên mức độ toàn cầu để đảm bảo sự bình đẳng thực sự, nơi những người yếu thế được trao các quyền cơ bản./.