Taliban đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận với các cựu quan chức Afghanistan để thành lập một chính phủ được quốc tế công nhận, giúp dòng tiền viện trợ chảy vào nước này và khôi phục khả năng tiếp cận hàng tỷ USD trong các quỹ dự trữ quốc tế.
Nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận chính trị
Trong tuần qua, các nhà lãnh đạo Taliban đã tiến hành hơn 10 cuộc đàm phán với một số cựu quan chức Afghanistan – những người vẫn ở lại Kabul, trong đó có cựu Tổng thống Hamid Karzai; Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan (HCNR) Abdullah Abdullah và ông Gulbuddin Hekmatyar - một người có ảnh hưởng trên chính trường Afghanistan. Các cuộc họp được tổ chức trong phủ tổng thống, văn phòng của các cựu quan chức chính phủ và cả ở các khu vực tư nhân.
Đối với Taliban, một thỏa thuận chính trị có thể giúp lực lượng này một lần nữa tránh bị đưa vào danh sách đen, giúp Afghanistan - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới không bị lâm vào tình cảnh khó khăn hơn nữa. Đối với các cựu lãnh đạo Afghanistan, thỏa thuận sẽ giúp họ nắm một phần quyền lực trong chính phủ mới của Afghanistan.
Trong buổi họp báo tại trung tâm truyền thông của chính phủ Afghanistan, hiện đang bị Taliban kiểm soát, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, các cuộc gặp với các cựu quan chức Afghanistan là một nỗ lực để tìm kiếm “lời khuyên của họ về chính phủ tương lai”, từ đó, Afghanistan có thể xây dựng “một chính phủ có trách nhiệm, phục vụ đất nước và gắn kết mọi người”.
Một cựu quan chức Afghanistan tham gia các cuộc họp cho biết, các lãnh đạo Taliban xác nhận rằng họ muốn “thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực”. “Họ nói: Chúng tôi không thể điều hành đất nước nếu không có sự giúp đỡ của các ông”.
“Taliban sợ hãi hai thứ: thứ nhất đó là sức ép từ cộng đồng quốc tế, ý nói các biện pháp trừng phạt, cắt giảm viện trợ quốc tế và không có khả năng giao thương; thứ hai là sự phản kháng”, quan chức này nhấn mạnh.
Hầu hết các quốc gia nói rằng họ muốn chứng kiến một quá trình chuyển giao quyền lực chính thức trước khi công nhận chính phủ mới tại Afghanistan. Những nước khác như Nga và Trung Quốc cho biết, quyết định của họ sẽ căn cứ nhiều hơn vào việc duy trì sự ổn định trong khu vực.
Tổng thống Nga Putin mô tả việc Taliban lên nắm quyền là một “thực tế” cần phải diễn ra nhằm ngăn chặn sự tan rã của Afghanistan. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7, trong đó có Tổng thống Biden cho biết cách tiếp cận của Taliban đối với vấn đề nhân quyền sẽ được xem xét khi đưa ra quyết định về việc chính thức công nhận lực lượng này.
“Chúng tôi sẽ đánh giá các bên liên quan tại Afghanistan bằng hành động chứ không phải bằng lời nói”, tuyên bố chung của Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Italy cho biết.
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế sẽ dẫn đến việc giải phóng hàng tỷ USD tiền dự trữ mà Taliban đến nay không thể tiếp cận được. Chính quyền Biden đã đóng băng quỹ dự trữ của chính phủ Afghanistan tại các ngân hàng ở nước này 2 ngày sau khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng thực hiện động thái tương tự.
Thừa nhận sự thật nghiệt ngã
Trong khi theo đuổi các cuộc đàm phán với các cựu quan chức Afghanistan, Taliban đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước. Giao thông được nối lại trên các phố ở thủ đô Kabul, nhiều cửa hàng đã mở cửa trở lại. Tuy vậy, phần lớn các ngân hàng vẫn đóng cửa do quỹ dự trữ bị đóng băng tại Mỹ, khiến nền kinh tế của Afghanistan gần như tê liệt. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hệ thống ngân hàng kết hợp với việc cắt giảm viện trợ quốc tế có nguy cơ khiến thêm gần 4 triệu người tại Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ chỉ trong vòng 3 tháng.
Trong cuộc họp báo ngày 24/8, người phát ngôn của Taliban Mujahid đã yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài nối lại hoạt động ở Afghanistan, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì viện trợ quốc tế, kêu gọi Mỹ và phương Tây dừng tiến hành các hoạt động sơ tán hàng loạt.
“Mỹ không nên khuyến khích người dân Afghanistan rời bỏ đất nước. Những người thợ lành nghề, các kỹ sư, bác sỹ, chuyên gia và những người được đào tại ở Afghanistan, đất nước của chúng tôi cần họ”, ông Mujahid nói.
Một cựu quan chức cấp cao của Afghanistan tham gia cuộc họp với Taliban cho biết, ông tin những lời kêu gọi chia sẻ quyền lực của Taliban là xác thực nhưng lực lượng này hiện đang phải đối mặt với một vấn đề gây cản trở trong nhiều tháng qua, đó là quyết định sẽ thực hiện những nhượng bộ nào, để tìm kiếm sự công nhận của quốc tế.
“Chúng tôi đang chờ họ chia sẻ kế hoạch thành lập chính phủ mới với chúng tôi. Chúng tôi không muốn đánh mất tất cả những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua”, quan chức này đề cập những tiến bộ về quyền phụ nữ, quyền của các nhóm thiểu số và quyền tự do dân sự.
Tuy vậy ông lưu ý, dù Taliban đưa ra rất nhiều cam kết song nhiều người vẫn lo ngại lực lượng này có thể không giữ lời một khi đạt được thỏa thuận. “Không ai có thể đảm bảo điều đó. Nó luôn có thể xảy ra”.
Một số nhà quan sát cho rằng, Taliban hiện đang cực kỳ lo ngại về vị thế của mình trong bối cảnh tình hình chính trị đầy bất ổn. Nhóm này không chỉ tuyên bố sẽ chính thức thành lập chính phủ mới, mà còn công khai thừa nhận họ cần sự hỗ trợ để điều hành đất nước. Dẫu sao, Taliban đã nhận thức được sự thật nghiệt ngã rằng họ đang thừa hưởng một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng, nền kinh tế rơi tự do với đồng tiền lao dốc, gần như không có dự trữ ngoại hối, người dân chìm trong nỗi sợ hãi, thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và thiếu các đối tác bên ngoài. Trong bối cảnh này, Taliban sẽ phải chứng minh họ là một nhân tố đáng tin cậy trước khi mong đợi dòng viện trợ quay trở lại trong tương lai./.