Mối nguy cơ từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày một lớn khi nhóm cực đoan này không ngừng mở rộng biên giới từ mục tiêu ban đầu là Iraq, hiện đã lan sang Syria, Yemen, Tunisia, Libya và hiện nay là Afghanistan.
IS vuon voi bach tuoc khap Trung Dong Bac Phi
IS vươn vòi bạch tuộc khắp Trung Đông - Bắc Phi (ảnh: Sky News)

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua công bố báo cáo an ninh trong đó khẳng định, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang trong “giai đoạn bùng nổ” tại Afghanistan. Các lực lượng quân đội Mỹ đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy nỗ lực tuyển quân của nhóm cực đoan, dù vẫn còn hạn chế. 

Cụ thể là sự nổi lên của nhóm cực đoan mang tên “Tỉnh Khorosan” tách ra từ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và hiện đã gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo đang đóng vai trò nòng cốt trong việc chiêu mộ và đào tạo những người Hồi giáo quốc tịch Mỹ và châu Âu để họ trở về nước tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Sự khởi đầu của giai đoạn bùng nổ này đang khiến liên quân quốc tế, chính phủ Afghanistan và Pakistan lo ngại, nhất là nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc chạy đua giữa các phe nhóm cực đoan tại Afghanistan, giữa Taliban, al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.

Theo báo cáo, Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường sự có mặt tại Afghanistan trong năm  tới, cũng như tìm cách kích động mâu thuẫn với Taliban và các nhóm nổi dậy khác tại Afghanistan. Trong khi đó, bộ máy an ninh của Afghanistan vẫn chưa được kiện toàn sau một thời gian dài phụ thuộc vào Mỹ và liên quân quốc tế do Tổ chức Hiệp ước an ninh Bắc Đại Tây Dương dẫn đầu.

Mỹ hiện triển khai khoảng 9.800 binh sĩ tại Afghanistan, với nhiệm vụ huấn luyện các binh sĩ Afghanistan và dự kiến ngay trong năm nay, một nửa trong số này sẽ được rút về nước.

Trong khi đó tại Libya, quốc gia đang chìm trong bất ổn an ninh kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011, hiện có tới khoảng 1.500 tổ chức Hồi giáo cực đoan bao gồm khoảng  100.000 – 200.000 thành viên đang hoạt động.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là chính phủ Libya lại không có bất kỳ biện pháp cần thiết nào nhằm kiểm soát các nhóm cực đoan này, làm gia tăng nguy cơ sẽ thành lập liên minh với Nhà nước Hồi giáo để mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa  Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Bắc Phi này.

Giữa năm 2014, Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo với lãnh thổ trải dài từ Iraq và Syria. Theo tài liệu công bố mới đây của Ủy ban trừng phạt chống al-Qaeda thuộc Liên hợp quốc, nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện có khoảng 25.000 tay súng thành viên đến từ hơn 100 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.

Từ tháng 8 năm ngoái, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ của Nhà nước hồi giáo tại Iraq và tháng 9 sau đó là tịa Syria. Song cuộc chiến này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, mà thậm chí còn gây chia rẽ trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo. Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã phải thừa nhận thất bại trong cuộc chiến này và buộc nước này phải thay đổi chiến lược.

Phát biểu trong một  phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua kêu gọi một cam kết lớn hơn từ chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Theo ông, chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo rất khó thành công khi phía Iraq không cung cấp đủ binh sĩ, cũng như trao quyền cần thiết cho các bộ lạc người Sunni.

“Tôi muốn nhấn mạnh điểm quan trọng trong chiến dịch của chúng tôi tại  Iraq, cũng như tại Syria đó là xây dựng được một lực lượng bộ binh có năng lực, động cơ chiến đấu cao và tính hợp pháp để truy quét Nhà nước Hồi giáo và giành lại những vùng đất đã mất. Đây là cách duy nhất để đảm bảo một thắng lợi bền vững, đánh bại hoàn toàn Nhà nước Hồi giáo.”

Trước những thắng lợi liên tiếp của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, các nước liên quan mà cụ thể là Mỹ và Iraq không ngừng đổ lỗi cho nhau. Và chính điều này đã tạo cơ hội cho Nhà nước Hồi giáo mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi. Theo các nhà phân tích, quyết tâm chống Nhà nước Hồi giáo thôi là không đủ, mà điều quan trọng là một sự phối hợp hiệu quả.

Trong khi các nước liên quan vẫn loay hoay trong cuộc chiến này, thì Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và gieo rắc nỗi sợ hãi. Ngay ngày hôm qua, nhóm “Nhà nước Hồi giáo” đã tiến hành cùng lúc 5 vụ đánh bom nhằm vào các thánh đường của người Hồi giáo dòng Shi’ite và một số văn phòng tại thủ đô Saana của Yemen, làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Điều đáng lo ngại là vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh tại Yemen vẫn chưa có một chính quyền ổn định và các phe nhóm đối địch vẫn đang trên bàn đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ với mục tiêu khiêm tốn là đạt được một lệnh ngừng bắn dù mong manh./.

Xem thêm: 

>> Quái thú Hồi giáo cực đoan IS

>> Khả năng quốc tế đưa bộ binh can thiệp vào Syria-Iraq