Liên minh quốc tế chống nhóm IS ngày 2/6 nhóm họp tại Paris, Pháp. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh nhóm IS đang đạt được nhiều bước tiến hơn trong việc mở rộng khu vực kiểm soát tại Iraq và Syria.

tay_sung_olpu.jpg
Các tay súng người Shitte chiến đấu chống IS (Ảnh AP)

Nhận định trước thềm cuộc họp, các nhà ngoại giao đều cho rằng, các nước sẵn sàng hỗ trợ Iraq về quân sự trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, Chính phủ Iraq cũng cần phải hoạt động hiệu quả hơn cũng như chấm dứt tình trạng chia rẽ bè phái tại nước này.

Các cuộc đàm phán Paris có sự tham dự của đại diện 24 nước trong liên quân quốc tế chống IS. Nội dung chính của phiên họp tập trung vào cuộc khủng hoảng Iraq- nơi nhóm IS đã chiếm giữ thành phố Ramadi cách đây 2 tuần. Đây được coi là cú giáng lớn nhất vào liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS từ tháng 8 vừa qua.

Liên quân quốc tế bao gồm 60 quốc gia thành lập năm ngoái, sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tiếp tục mở rộng khu vực. Hiện không có nước nào sẵn sàng gửi binh lính đến tham chiến tại Iraq. Vì vậy, chiến dịch chống IS chủ yếu dựa vào các cuộc không kích, hỗ trợ vũ khí và đào tạo quân đội chính phủ Iraq cũng như các nhóm vũ trang Sunni.

Tuy nhiên, việc IS chiếm giữ Ramadi gần đây, sau nhiều ngày chiếm thành phố cổ Palmyra ở Syria, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả trong chiến lược hiện nay của liên quân. Bên cạnh nguyên nhân cho rằng nhóm vũ trang này đang nhận được nguồn tiền khổng lồ từ việc khai thác dầu tại những khu vực đang kiểm soát tại Iraq, giới quan sát cảnh báo, chủ nghĩa bè phái ở Iraq có thể là “hồi chuông báo tử” cho những nỗ lực chống IS.

Cam kết của Chính phủ Iraq do người Shitte cai trị kêu gọi lực lượng Sunni tham gia hoạt động chính trị không có tiến triển, do những mâu thuẫn bấy lâu nay giữa hai bên. Liên quân quốc tế đẩy mạnh chiến dịch đào tạo các tay súng bộ lạc Sunni để đối phó với IS.

Tuy nhiên, chính quyền Baghdad lại do dự vũ trang cho lực lượng này, vì lo ngại họ có thể sử dụng vũ khí để chống lại chính phủ. Phát biểu trước thềm phiên họp, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, căng thẳng phe phái có thể ảnh hưởng đến khả năng đối phó với các nhóm cực đoan. Ông Fabius cũng khẳng định, các nước sẵn sàng tham gia hợp tác quân sự. Tuy nhiên, chính phủ Iraq cũng cần phải hoạt động hiệu quả và chấm dứt tình trạng chia rẽ hiện nay.

Ông Fabius nói: “Việc Ramadi rơi vào tay IS là một bước thụt lùi cho lực lượng an ninh Iraq. Điều này cũng cho thấy không có giải pháp quân sự nào mà không kèm theo một giải pháp chính trị. Tại cuộc họp vào tháng 9/2014, chúng tôi đã khẳng định sự ủng hộ của liên minh đối với cam kết chính trị của chính phủ mới tại Iraq mà như chúng tôi gọi đó là một chính sách toàn diện. Điều này hoàn toàn phù hợp với các cam kết quân sự của chúng tôi . Tôi xin nói rõ rằng  những cam kết chính trị này cũng cần phải được tôn trọng”.

Theo các quan chức Mỹ, tại cuộc họp hôm nay thủ tướng Iraq sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể để chiếm lại thành phố phía Tây Ramadi từ tay các nhóm IS. Bên cạnh tình hình Iraq, cuộc chiến chống IS tại Syria cũng được đề cập tại hội nghị này.

Ngay trước thềm phiên họp, các tổ chức cứu trợ kêu gọi quốc tế đóng góp quĩ trị giá 500 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo do nhóm IS gây ra tại Iraq.

Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Iraq cho biết, tình hình nhân đạo tại Iraq đang tiến gần đến thảm họa. Có 8 triệu người dân Iraq đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là 3 triệu người phải đi sơ tán sau khi IS mở rộng khu vực kiểm soát./.