Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Mỹ Tổng thống Joe Biden sẽ hội đàm trực tuyến vào tối 15/11 (theo giờ địa phương). Nội dung thảo luận tại cuộc gặp dự kiến bao gồm căng thẳng xung quanh hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Đài Loan, các vấn đề về nhân quyền cũng như hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung liên tục căng thẳng thời gian gần đây, cuộc hội đàm trực tuyến này là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung hướng tới tháo gỡ bất đồng. Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp còn là một ẩn số bởi Mỹ và Trung Quốc khác biệt nhau rất nhiều, thậm chí còn đối đầu nhau về quan điểm trong một số vấn đề.
Cách tiếp cận nào cho các vấn đề song phương gai góc?
Ngay sau khi Trung Quốc và Mỹ chính thức công bố thông tin về hội đàm trực tuyến, hai nước đã lập tức lời qua tiếng lại về vấn đề Đài Loan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 13/11 đã cảnh báo Mỹ không ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Ông đã bày tỏ sự phản đối của Trung Quốc trước những lời nói và hành động của Mỹ trong vấn đề Đài Loan thời gian gần đây, gọi đây là những hành vi “sai trái” và tái khẳng định lập trường nghiêm khắc của Bắc Kinh về vấn đề này.
Theo lời ông Vương Nghị, bất kỳ sự dung túng và ủng hộ nào đối với lực lượng ly khai Đài Loan đều là phá hoại hòa bình trên eo biển Đài Loan và “cuối cùng sẽ phải gánh chịu hậu quả”. Ông cảnh báo Mỹ nếu thực sự muốn bảo vệ hòa bình trên eo biển Đài Loan, nên kiên quyết và dứt khoát phản đối bất kỳ hành động ly khai nào, tôn trọng cam kết thực hiện ba Thông cáo chung Trung - Mỹ, thực thi chính sách “một nước Trung Quốc” và ngừng gửi đi các tín hiệu sai lầm.
Cùng ngày, phát biểu trực tuyến tại một sự kiện ở San Francisco, Đại sứ Trung Quốc Tần Cương tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn, cho rằng Mỹ liên tục thao túng vấn đề Đài Loan với nỗ lực “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” và gọi hành động này là “vác đá ghè chân mình”.
Về vấn đề dân chủ nhân quyền, trong cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức cấp cao nước này đã tuyên bố, Trung Quốc có nền dân chủ của riêng mình, đồng thời chỉ trích nền dân chủ bầu cử phương Tây là “cuộc bầu cử do tư bản chi phối, là trò chơi của các nhóm tư bản và nền dân chủ dành cho người giàu.”
Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, có thể thấy, Trung Quốc sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào trong các vấn đề gai góc như Đài Loan hay dân chủ nhân quyền, mà sẽ tiếp tục tái khẳng định lập trường mang tính nguyên tắc của mình.
Thách thức lớn nhất của Mỹ
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Biden đã coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 và từ đó xác định cách tiếp cận cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc. Điều này thể hiện một chính sách không khoan nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng thể hiện sự linh hoạt của chính quyền Tổng thống Biden trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Ngay trước khi diễn ra cuộc gặp trực tuyến này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã đề cập tới tinh thần của cuộc gặp đó là hai bên sẽ thảo luận cách thức quản lý một cách có trách nhiệm cạnh trạnh giữa hai nước cũng như cùng phối hợp trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có lợi ích. Tuy nhiên, bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden cũng sẽ làm rõ các ý định và ưu tiên của Mỹ cũng như các mối quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Giới chức Mỹ không đặt kỳ vọng cao vào một kết quả cụ thể từ cuộc gặp này mà coi đây là một cơ hội để tiếp tục chiến lược ngoại giao tăng cường để cân bằng hai yếu tố hợp tác và cạnh tranh với Bắc Kinh.
Có thể thấy giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều bất đồng nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn chủ trương đối thoại và thông qua ngoại giao để giảm bớt căng thẳng cũng như nhấn mạnh tới nhu cầu hợp tác trong một số lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu. Do đó, không giống các cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước trước đây, ông Biden được cho sẽ tìm cách thuyết phục ông Tập Cận Bình, rằng khuôn khổ “cạnh tranh, đối đầu và hợp tác”, là cơ sở cho quan hệ song phương ổn định và không cần dẫn đến xung đột.
Những mục tiêu trọng tâm trong hội đàm
Dù còn bất đồng trong hàng loạt vấn đề, nhưng nhu cầu hợp tác với Mỹ của Trung Quốc là có thật và cấp thiết.
Trước khi thông tin hội đàm được công bố không lâu, trong một thông điệp gửi đến buổi tiệc thường niên của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung (NCUSCR) tổ chức tại New York, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Mỹ trên các lĩnh vực để cùng ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế lớn, cũng như các thách thức toàn cầu, đồng thời kiểm soát ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng hướng.
Ông Tập nhấn mạnh trong bức thư, “Quan hệ Trung - Mỹ đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng. Cả hai nước sẽ có lợi từ sự hợp tác và cùng thua nếu đối đầu. Hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng”.
Các nhà phân tích cho rằng các tương tác gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra khá tích cực, giúp tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đồng thời cũng cho thấy hai bên đang nỗ lực kiểm soát bất đồng. Gần đây nhất là việc hai nước ra Tuyên bố chung về biến đổi khí hậu tại COP26.
Do vậy, hội đàm trực tuyến lần này không phải để khởi động lại quan hệ Trung-Mỹ, nhưng nó sẽ thúc đẩy hai bên đạt được đồng thuận mới về các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh song phương.
Nếu như hai cuộc điện đàm trước giúp hai bên hiểu rõ hơn lập trường của nhau, thì cuộc gặp trực tuyến lần này có thể giúp hai nước vạch ra một lộ trình và thiết lập “tông” tương tác trong thời gian tới. Điều này có thể đem lại kỳ vọng về những trao đổi thường xuyên hơn giữa Trung Quốc và Mỹ trong hai tháng cuối năm 2021 và quý đầu của năm 2022, trong đó có lĩnh vực thương mại.
Điều dư luận Mỹ trông đợi
Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên cạnh tranh và phức tạp hơn trong những năm gần đây về hàng loạt vấn đề liên quan tới an ninh, kinh tế và chính trị. Các cuộc trao đổi giữa nguyên thủ quốc gia sẽ không thể giải quyết được tất cả vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng có thể giúp ổn định quan hệ và ngăn chặn các kết quả không mong muốn. Dư luận đang kỳ vọng nhiều vấn đề cụ thể sẽ được lãnh đạo hai nước nêu lên trong cuộc gặp lần này.
Đài Loan sẽ đứng đầu danh sách, bởi đây là một trong số vấn đề gây nguy hiểm nhất cho quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ ngày càng lo ngại việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu thống nhất, trong khi Bắc Kinh cho rằng sự ủng hộ ngày càng tăng của Washington dành cho Đài Bắc cũng tương đương với việc ủng hộ Đài Loan độc lập.
Ngoài eo biển Đài Loan, một loạt vấn đề an ninh, từ căng thẳng gia tăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đến tranh chấp lãnh thổ ngày càng trầm trọng giữa Trung Quốc và các đồng minh hiệp ước của Mỹ, hay sự nghi ngờ nỗ lực hiện đại hóa quân đội của mỗi bên, sẽ được hai nhà lãnh đạo nêu lên. Đã nhiều dịp và lần này cũng vậy, Tổng thống Biden sẽ bày tỏ quan ngại của Mỹ về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, cũng như các hoạt động kinh tế không công bằng và hoạt động quân sự ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng cũng nêu lên quan ngại của mình về hành vi và hành động của bên kia làm suy yếu lợi ích của nước mình. Tuy nhiên, dư luận đang kỳ vọng Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận khả năng hợp tác thiết thực Mỹ-Trung về không phổ biến hạt nhân của Triều Tiên và Iran, ổn định tình hình tại Afghanistan và Myanmar, và chống biến đổi khí hậu.
Tóm lại, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng phức tạp, sẽ đòi hỏi sự can dự mạnh mẽ và thường xuyên giữa quan chức cấp cao hai nước, đặc biệt giữa hai nguyên thủ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây đã nói rằng “cạnh tranh gay gắt đòi hỏi phải có biện pháp ngoại giao mạnh mẽ”. Dư luận tại Mỹ đang kỳ vọng cuộc gặp trực tuyến lần này giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp làm dịu phần nào những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung./.