Chính phủ Mỹ hoãn trừng phạt Nga

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/1 cho biết sẽ không áp đặt hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

rts10vo0_1024x623_erqu.jpg
Tổng thống Donald Trum phát biểu tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: PBS.

Trả lời báo chí, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Chúng tôi đã thông báo cho Quốc hội rằng việc ban hành và thực hiện “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận" (CAATSA) đang cản trở các giao dịch liên quan đến quốc phòng của Nga. Đã có nhiều chính phủ nước ngoài từ bỏ kế hoạch hoặc thông qua các thương vụ mua bán trong lĩnh vực quốc phòng trị giá hàng tỷ USD. Theo bà Heather Nauert, việc công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể hoặc cá nhân tiến hành giao dịch với Nga ở thời điểm này là không cần thiết bởi đạo luật nêu trên đã hạn chế đáng kể nguồn doanh thu quốc phòng của Nga.

Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng, nhờ CAATSA, Mỹ cũng có thể gây sức ép buộc Nga phải giải quyết những lo ngại của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Ukraina. “Bằng cách ngăn chặn các quốc gia khác tiếp cận trang thiết bị tình báo, quân sự của Nga, chúng tôi đang ngăn chặn những chiến dịch nhằm mở rộng ảnh hưởng và gây bất ổn tại nhiều khu vực.”

Đạo luật (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ngăn chặn khả năng Nga tiến hành can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Ngày 29/1 là hạn chót để chính quyền Tổng thống Donald Trump  thực hiện câc điều khoản trong đạo luật. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải công bố danh sách các công ty trong nước và nước ngoài hoặc các chính phủ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì giao dịch với các tổ chức tình báo và quốc phòng Nga bị Washington liệt vào "danh sách đen".

Vấp phải sự công kích kịch liệt trong quốc hội Mỹ

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump trì hoãn trừng phạt Nga đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều nghị sĩ khi cho rằng, chính quyền không xem xét mối đe dọa của Nga một cách nghiêm túc.

Cần phải nhắc lại rằng Đạo luật CAATSA do Quốc hội thông qua nhằm tìm cách buộc Tổng thống Donald Trump phải trừng phạt Nga. Kết quả biểu quyết cho thấy có sự nhất trí gần như hoàn toàn tại hai viện thuộc quốc hội Mỹ liên quan đến vấn đề này. Tổng thống Donald Trump, dù mong muốn xây dựng một quan hệ nồng ấm hơn với Nga và lường trước được phản ứng gay gắt từ phía Nga nhưng trước sức ép của các nghị sỹ, ông vẫn phải miễn cưỡng ký thông qua đạo luật, chỉ 6 tháng sau khi lên nắm quyền.

Việc thực thi đạo luật CAATSA được coi là phép thử đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vì vậy quyết định hoãn trừng phạt Nga khiến các nghị sỹ lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump đã lờ đi mong muốn của quốc hội và từ chối cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì can thiệp vào vấn đề nội bộ của Mỹ.

Nghị sĩ Eliot Engel, thành viên đảng Dân chủ của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng: “Bộ Ngoại giao từng cho rằng chỉ có trừng phạt mới ngăn chặn được những hành vi khiêu khích của Nga. Vậy làm thế nào để ngăn chặn một cuộc tấn công như vụ tấn công xảy ra cách đây hai năn và các vụ tấn công khác. Tôi thấy chán ngắt khi phải chờ đợi chính phủ đưa ra hành động để bảo vệ đất nước và các cuộc bầu cử của chúng ta.”

Thượng nghị sỹ Chris Coons, một thành viên trong Ủy ban đối ngoại Hạ viện cho rằng “Quốc hội không thể trao cho Tổng thống một công cụ nào tốt hơn CAATSA để bày tỏ sự bất bình của Mỹ trước việc Nga can thiệp vào nền dân chủ Mỹ. Tôi nhận thấy rằng Tổng thống đang tiếp tục từ chối thực hiện biện pháp đáp trả Nga.”

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng Twitter, ông Ted Lieu, Hạ nghị sĩ bang California cũng tỏ ra hết sức bất bình trước quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump. “Tôi đã nhận thấy điểm yếu của Tổng thống Donald Trump trong quan hệ với Nga và điều này thực sự đáng quan ngại”, ông nói. 

Vì sao chính quyền Tổng thống Donald Trump hoãn trừng phạt Nga

Trên thực tế từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã dành những lời tốt đẹp để khen ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đồng thời bày tỏ hy vọng khôi phục quan hệ giữa Nga và Mỹ. Điều này cũng được ông nhắc lại khi tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 tại Davos, Thụy Sỹ ngày 26/1 vừa qua. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng ra sức bảo vệ Nga trước tâm bão nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, lý do ông Trump giữ thái độ mềm mỏng với Nga là bởi nhận thấy tầm quan trọng của Nga trong hợp tác chống khủng bố toàn cầu, đặc biệt là đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Để xóa sổ IS và ngăn chặn các nhánh chân rết của tổ chức này vươn vòi hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, Nga và Mỹ cần phối hợp chia sẻ thông tin tình báo cũng như đạt được thỏa thuận về chiến dịch không kích nhằm tránh đụng độ trong vùng hoạt động chung. 

Tiếp đến, Mỹ cần Nga để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau tại các điểm nóng khu vực, chẳng hạn như Syria hay Triều Tiên, nơi Nga cũng có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nhận thấy rằng, việc tăng cường áp đặt trừng phạt có thể vấp phải phản ứng “không thể lường trước” từ phía Nga. Ông Tim Stanley, giám đốc điều hành trung tâm Nga/CIS tại Moscow cho rằng, “chắc chắn Tổng thống Nga Putin sẽ có biện pháp đáp trả, song không phải ngay lập tức. Ông Putin sẽ sử dụng nó vào thời điểm thích hợp và như một cơ chế mặc cả với Mỹ cũng như phương Tây”./.