Hầu hết các lãnh đạo các chính phủ ở châu Âu giữ yên lặng, đợi chờ các sự kiện tiếp tục bộc lộ ra. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Aráncha González Laya đã hối thúc các nhà lãnh đạo Mỹ đợi chờ tới khi tất cả các phiếu bầu đã được kiểm.

Giới lãnh đạo châu Âu đồng thời cảnh báo một cuộc chiến pháp lý về kết quả cuộc bầu cử này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với danh tiếng nước Mỹ.

Nguy cơ cuộc chiến pháp lý phức tạp khó lường

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói: “Đây là một tình huống rất dễ dẫn đến bùng nổ. Đây là một tình huống có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Mỹ, như các chuyên gia đã nhận định đúng đắn. Và điều này tất nhiên khiến chúng ta quan ngại lớn”.

Người đứng đầu mảng đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, nói: “Người dân Mỹ đã lên tiếng. Trong lúc chúng ta đợi chờ kết qua bầu cử, EU vẫn sẵn sàng tiếp tục xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương, dựa trên các giá trị chung và lịch sử chung của chúng ta”.

Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab, kêu gọi kiên nhẫn và nói: “Chúng tôi tôn trọng các giá trị của dân chủ và cơ chế kiểm soát và cân bằng trong hệ thống của Mỹ, mà chúng tôi tự tin là sẽ tạo ra một kết quả”.

Cựu Ngoại trưởng Anh thuộc đảng Bảo thủ Jeremy Hunt nói rằng sẽ là thảm họa nếu kết quả gây lo lắng này kết thúc bằng một trận chiến pháp lý tại tòa và những cáo buộc gian lận.

Ông Hunt nói với đài BBC rằng điều khiến ông lo lắng nhất là nếu tình hình này kéo dài, nó sẽ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cụ thể, ông Hunt ngại viễn cảnh lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ nói với nhân dân của họ rằng “tình hình bên Mỹ hỗn loạn thế đấy”.

Thủ tướng cực hữu thân Trump của Slovenia, Janez Janša, đã gọi kết quả này là có lợi cho ông Trump và chỉ trích “những sự trì hoãn và phủ nhận thực tế” của giới truyền thông.

Tâm lý lo ngại ông Trump tái đắc cử

Ở Đức, việc ông Joe Biden - người cam kết với chủ nghĩa đa phương và thân châu Âu, thất bại trong nỗ lực giành chiến thắng áp đảo đã gây ra tình trạng nản lòng sâu sắc.

Giới chính trị gia dự báo tình trạng hỗn loạn có thể xảy đến và cảnh báo kết quả nói trên đã cho thấy việc ông Trump được bầu vào năm 2016 không hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên.

Thậm chí nếu Biden có được tuyên bố là người chiến thắng thì có dấu hiệu cho thấy chiếc ghế tổng thống của ông vẫn ở thế yếu do không thể kiểm soát được đa số trong Thượng viện Mỹ và do vậy dễ bị áp đảo bởi các áp lực trong nước.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức (Bundestag), Norbert Röttgen, thừa nhận rằng kết quả cho tới nay đã khiến Đức bị bất ngờ. Ông này nói: “Chúng tôi không được chuẩn bị cho kịch bản này”.

Peter Altmaier, một đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho hay: “Tôi e rằng nếu đây là một kết quả sít sao thì sẽ có một cuộc thảo luận rất rất dài. Bất kể ai giành chiến thắng, có một điều tệ là chiến dịch tranh cử ở Mỹ được thực hiện chủ yếu dựa trên các vấn đề đối nội”.

Lãnh đạo đảng Xanh của Đức, Robert Habeck, nói: “Nếu ông Trump giành chiến thắng, trật tự toàn cầu sẽ thay đổi căn bản. Châu Âu phải đoàn kết, nếu không nó sẽ không còn đóng vai trò quốc tế được nữa”.

Ông Nigel Sheinwald, một cựu Đại sứ Anh tại Mỹ, cho biết vấn đề trong trường hợp ông Trump thắng là liệu Mỹ có tiếp tục nhạt nhòa trên “sân khấu” thế giới hay không. Ông bày tỏ quan ngại Mỹ đang bị chia rẽ nội bộ nặng nề và có những vấn đề xã hội sâu sắc mà ông Trump thì sẽ khó mang lại sự lãnh đạo mà thế giới mong mỏi.

Nigel Sheinwald nói: “Tôi sợ rằng chúng ta sẽ có thêm một vị lãnh đạo khó dự đoán và thiếu nhất quán, ở mức độ còn hơn nhiệm kỳ thứ nhất”.

Phản ứng từ Nga

Các đồng minh ở Nga của Tổng thống Putin đã biểu lộ sự thỏa mãn với kết quả bầu cử Mỹ cho đến lúc này. Họ tuyên bố các cáo buộc trước đây về chiến thắng 2016 của ông Trump là do Nga can thiệp, đã bị chứng minh là sai.

Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev, nói như sau: “Đã đến lúc Mỹ quay trở lại với nền chính trị tỉnh táo, mà chúng tôi sẽ luôn ủng hộ”.

Iran, nước hứng chịu chính sách gây áp lực kinh tế tối đa của chính quyền Trump, đã phản ứng bằng việc tuyên bố rằng Mỹ đang suy yếu và dự báo Iran sẽ dễ dàng kháng cự hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng kết quả của bầu cử Mỹ không quan trọng đối với ban lãnh đạo Iran nhưng ông vẫn kêu gọi vị tổng thống Mỹ khóa tới hãy tôn trọng các điều ước và luật lệ quốc tế./.