“Gió đang thổi về phía Taliban”
Taliban đã kiểm soát thành phố Jalalabad tại Afghanistan mà không cần giao tranh, khiến cho Kabul là khu đô thị lớn cuối cùng còn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng chính phủ.
Thành phố phía đông quan trọng này, đồng thời là thủ phủ của tỉnh Nangarhar, đã rơi vào tay Taliban sáng 15/8, ngay sau khi lực lượng này chiếm được thành phố Mazar-i-Sharif quan trọng nằm ở phía bắc.
Trước đó, lực lượng Taliban đã chiếm được thành phố Mazar-i-Sharif được bảo vệ nghiêm ngặt ở phía bắc Afghanistan, đánh dấu một bước lùi quan trọng của lực lượng chính phủ, và tiến gần thủ đô Kabul, chỉ chưa đầy 3 tuần trước khi Mỹ dự kiến hoàn tất việc rút quân,
Sự sụp đổ của Mazar-e-Sharif, thành phố lớn thứ tư Afghanistan, nơi các lực lượng chính phủ khẳng định sẽ dồn sức bảo vệ, đã giúp Taliban kiểm soát toàn bộ miền bắc Afghanistan,
Abas Ebrahimzada, một nghị sĩ từ tỉnh Balkh, nơi đặt thành phố này, cho biết quân đội quốc gia đã đầu hàng trước, khiến cho lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ và các lực lượng khác mất đi nhuệ khí chiến đấu và đầu hàng trước cuộc tấn công của Taliban. Taliban đã giành được những chiến thắng quan trọng trong những ngày gần đây, trong đó có việc kiểm soát được Herat và Kandahar, thành phố lớn thứ hai và thứ ba Afghanistan.
Trước sự rút quân của liên minh do Mỹ dẫn đầu và việc Taliban nhanh chóng kiểm soát các vùng lãnh thổ của Afghanistan, các quan chức lo ngại rằng cuối cùng lực lượng này có thể kiểm soát hoàn toàn Afghanistan.
Các chuyên gia coi Kabul - thủ đô của Afghanistan có thể là quân cờ domino cuối cùng sụp đổ nếu Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước này.
"Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong 1 tuần qua. Rất nhiều người, trong đó có tôi đang xem xét tình hình quân sự và cán cân lực lượng giữa Taliban và chính phủ Afghanistan", Andrew Watkins, nhà phân tích về Afghanistan thuộc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng nhận định với Newsweek.
Mỹ đã rút gần như toàn bộ quân khỏi Afghanistan sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự năm 2001 sau vụ khủng bố 11/9. Những binh lính Mỹ cuối cùng dự kiến sẽ rời khỏi đất nước này vào cuối tháng 8. Ngày 11/8, một quan chức quốc phòng Mỹ dẫn lời cơ quan tình báo Mỹ nhận định với Reuters rằng Taliban có thể cô lập Kabul trong 30 ngày và có thể kiểm soát thành phố này trong 90 ngày.
Tổng thống Biden hôm 10/8 cho biết ông không hề hối tiếc về việc rút quân, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo Afghanistan phải đấu tranh cho đất nước của chính mình. Tuy nhiên, tới ngày 15/8, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ triển khai khoảng 5.000 binh sỹ đến Afghanistan để hỗ trợ di tản công dân, nhân viên ngoại giao, trong bối cảnh Taliban đang nhanh chóng giành quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn tại quốc gia này.
Claude Rakisits, một chuyên gia về Afghanistan và là giáo sư về Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Deakin cho biết có một điều ngày càng rõ ràng là các lực lượng an ninh Afghanistan không muốn và cũng không có ý định hy sinh vì chính quyền của Tổng thống Ghani.
"Gió đang thổi về phía Taliban và con đường tới Kabul sẽ không quá khó khăn", chuyên gia này nhận định với Newsweek.
Ông Rakisits cho rằng Taliban có thể sẽ nắm quyền và không quan tâm đến việc thành lập chính phủ liên minh.
"Taliban, vốn cảm nhận rõ chiến thắng, hoàn toàn không hứng thú với việc chia sẻ quyền lực. Họ muốn Tổng thống Ghani từ chức. Và họ biết rằng ông ấy có thể cảm nhận được quyền lực của mình đang mất dần. Họ cũng biết Mỹ đã không còn mặn mà với ông ấy nữa. Tổng thống Biden đã khẳng định rõ rằng Washington sẽ không đảo ngược quyết định".
Những kịch bản có thể xảy ra
Kịch bản đầu tiên chính là kế hoạch bóp nghẹt dần dần. Chiến lược chính của Taliban là chiếm các khu vực nông thôn mà chính phủ khó có thể bảo vệ rồi sau đó bao vây các thành phố. Hiện nay, chiến lược này đã mở rộng trên quy mô toàn quốc với việc Taliban lần lượt kiểm soát các thành phố lớn, tăng cường bao vây và cô lập Kabul. Taliban hiện kiểm soát hầu hết các cửa khẩu của Afghanistan, không chỉ chặn đứng nguồn doanh thu của chính phủ mà còn có thể khiến lực lượng này có thêm nguồn thu từ thuế thương mại. Bản đồ Taliban kiểm soát các quận và thành phố cho thấy tính tới ngày 15/8, Kabul đã bị bao vây ở tứ bề ở cả 4 phía đông, tây, nam, bắc sau khi Taliban chiếm được Jalalabad. Chiến lược bao vây của Taliban nhằm mục đích làm cạn kiệt dần sức mạnh của lực lượng chính phủ, gây sức ép đủ lớn để chính phủ Afghanistan phải chấp nhận hầu hết những gì lực lượng này muốn trong quá trình đàm phán.
Một kịch bản dẫn tới sự kiểm soát nhanh chóng hơn của Taliban là lực lượng này sẽ giành được chiến thắng cuối cùng khi các nhà lãnh đạo chính trị và các bên trung gian hòa giải đầu hàng để tránh hậu quả giao tranh hoặc bị ngược đãi sau khi một trật tự chính trị mới được thiết lập.
Tuy nhiên, một viễn cảnh triển vọng hơn có thể xảy ra là chính phủ Afghanistan và liên minh các nhà lãnh đạo chính trị chống Taliban nhận thức được mối đe dọa hiện hữu từ các cuộc tấn công của lực lượng này, sẽ đoàn kết với nhau để chống lại Taliban. Tổng thống Biden dường như cũng nghiêng về kịch bản này khi nhận định hôm 10/8 rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (ANDSF) trên không và các nguồn lực khác. Nếu ANDSF có thể trì hoãn Taliban kiểm soát các thành phố lớn và các tuyến đường thì lực lượng chính phủ Afghanistan sẽ có thêm thời gian để thích ứng với thực tế giao tranh mới khi không có Mỹ hay NATO để chiến đấu chống lại Taliban.
Tuy nhiên, tất cả các kịch bản trên đều khiến Afghanistan phải trả một cái giá vô cùng lớn và không thể sớm ổn định tình hình. Ngay cả khi chính phủ Afghanistan không từ bỏ quyền lực thì lực lượng này vẫn rất mong manh và dễ bị đánh bại, trong khi cuộc tấn công hiện nay chỉ có thể bị đảo ngược hoặc dừng lại khi Taliban nhận được sự nhượng bộ lớn trong quá trình đàm phán.
Điều gì xảy ra nếu Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan?
Khi được hỏi về chính phủ do Taliban lãnh đạo sẽ như thế nào, chuyên gia Rakisits nhận định: "Chiến thắng của Taliban sẽ là điều vô cùng tồi tệ với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Những thành quả khó khăn mới đạt được trong 20 năm qua sẽ bị xóa bỏ".
Chuyên gia này cũng cho rằng, các quan chức cấp cao của Afghanistan có lẽ sẽ an toàn rời đi vào thời điểm Taliban tiến vào Kabul nhưng những quan chức và nhân viên cấp thấp hơn ở lại sẽ bị đối xử tồi tệ.
"Bất kỳ ai từng làm việc với lực lượng Liên minh, chẳng hạn như phiên dịch viên, đầu bếp hay tài xế có lẽ đều sẽ bị xử bắn. Đã có những bài báo về những điều này. Các nỗ lực ám sát có mục đích cũng đang xảy ra", ông Rakisits cho hay.
Hiện khó có thể nói rằng khu vực này sẽ trở nên như thế nào nếu Taliban lãnh đạo Afghanistan nhưng đây sẽ không phải là một tin tốt cho Pakistan, giáo sư này cảnh báo.
"Lực lượng Taliban ở Pakistan, còn được gọi là TTP, có một 'thiên đường an toàn' ở Afghanistan, sẽ ngày càng táo bạo hơn trong việc tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan. Trong khi quân đội Pakistan từ lâu đã có quan hệ với Taliban và từng hỗ trợ lực lượng này có nơi trú ẩn an toàn trong 20 năm qua thì Taliban không muốn trở thành con rối của Islamabad".
"Nếu Pakistan yêu cầu Taliban ngừng các cuộc tấn công của TTP, hoàn toàn không có gì chắc chắn là Taliban sẽ tuân theo. Mọi thứ thực sự có thể trở nên vô cùng hỗn loạn".
Trong những tháng gần đây, một số chuyên gia lo ngại rằng, không có gì đảm bảo Afghanistan sẽ không một lần nữa trở thành thiên đường của những kẻ khủng bố. Thậm chí cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần trước đã nhận định rằng: "Taliban là những kẻ khủng bố và họ sẽ ủng hộ những kẻ khủng bố".
"Nếu họ kiểm soát Afghanistan, không nghi ngờ gì họ sẽ tạo ra một thiên đường an toàn cho Al-Qaeda, IS và chủ nghĩa khủng bố nói chung. Điều đó thực sự là mối đe dọa an ninh với nước Mỹ".
Ghulam Isaczai, đại diện Afghanistan tại Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng, với những hành động dã man có chủ đích, Taliban đang “được hỗ trợ bởi mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia".
Trong khi các hành động bạo lực của Taliban trên chiến trường Afghanistan hầu như không thay đổi kể từ những năm 1990 thì trong những tuần gần đây, các lãnh đạo của lực lượng này đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm đồng minh và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài.
Laurel Miller, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định với NPR rằng Taliban "đang trong quá trình đảm bảo tư cách hợp pháp trong mắt các quốc gia khu vực và có lẽ là các quốc gia ở Vịnh Ba Tư".
Đầu tuần trước, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad cho biết, Mỹ sẽ không công nhận chính quyền Taliban nắm quyền bằng vũ lực.
Còn theo Wall Street Journal: "Taliban hiện coi Trung Quốc là một bên có khả năng sẽ công nhận tư cách pháp lý quốc tế của lực lượng này, đồng thời là một đối tác kinh tế tiềm năng và là một phương tiện gây ảnh hưởng với Pakistan - đồng minh của Trung Quốc, để hỗ trợ Taliban"./.