Các chuyên gia cho rằng, cuộc điều tra kéo dài 90 ngày theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ thúc đẩy các cơ quan tình báo Mỹ thu thập thêm nhiều thông tin hơn và rà soát lại những dữ liệu họ đã có được. Trước đó, các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump cùng nhiều nhà khoa học đã công khai đề nghị tiến hành cuộc điều tra sâu rộng hơn về nguồn gốc virus.
Một số nhà khoa học, trong đó có Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, tin rằng virus nhiều khả năng xuất hiện trong tự nhiên và lây từ động vật sang người.
Hiện, các nhà nghiên cứu virus vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm mang tính thuyết phục hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng việc tìm kiếm câu trả lời chính xác trong vòng 90 ngày là điều vô cùng khó khăn. Trước đây, giới khoa học phải mất nhiều năm ròng hoặc nhiều thập kỷ mới xác định được nguồn gốc và đường lây lan của virus gây dịch SARS hoặc HIV/AIDS.
Những vấn đề gì đang được các cơ quan tình báo xem xét?
Tổng thống Biden đã yêu cầu xem xét lại những gì mà Nhà Trắng cho là những phát hiện ban đầu dẫn đến “hai kịch bản có thể xảy ra”: thứ nhất, virus lây từ động vật sang người và thứ hai, virus SARS-CoV-2 là sản phẩm rò rỉ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết, trong số cộng đồng tình báo gồm 18 thành viên, có 2 cơ quan nghiêng giả thuyết thứ 1 và một cơ quan khác nghiêng về giả thuyết thứ 2.
Một tài liệu khác cũng thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây là bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump. Theo bản ghi nhớ này, Mỹ tin rằng 3 nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc đã có các triệu chứng mắc Covid-19 vào cuối năm 2019 và phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên báo cáo không đưa ra kết luận về nguồn gốc dịch bệnh cũng tình trạng bệnh của 3 nhà nghiên cứu nói trên.
Bản ghi nhớ cũng đề cập những nghiên cứu “thăm dò chức năng”, về lý thuyết là nghiên cứu nhằm biến đổi virus để khiến nó dễ lây lan hơn hoặc dễ gây tử vong hơn, được cho là đã diễn ra tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
David Feith, cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Trump cho biết, ông ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng hơn. “Ẩn ý trong tuyên bố của Tổng thống là có rất nhiều thứ cần được phân tích và thu thập thêm, bên cạnh những dữ liệu mà chúng ta đang có”, ông David Feith nói.
Liệu Trung Quốc có hợp tác trong cuộc điều tra?
Nhà Trắng đã chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin về dịch bệnh. “Việc không đưa các điều tra viên của chúng ta tới hiện trường trong những tháng đầu tiên bùng phát dịch bệnh đã cản trở bất cứ cuộc điều tra nào về nguồn gốc dịch Covid-19”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ đã bày tỏ quan ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc can thiệp vào cuộc điều tra của WHO về nguồn gốc dịch bệnh.
Yanzhong Huang – thành viên cấp cao Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không hợp tác với cuộc điều tra này.
“Khi lời kêu gọi tiến hành điều tra nguồn gốc dịch bệnh được đưa ra trong một môi trường bị chính trị hóa cao, thì ít có khả năng Trung Quốc sẽ hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc virus”.
Các nhà khoa học tin gì về nguồn gốc virus?
Điều quan trọng nhất để điều tra khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm không phải là tìm ra một bằng chứng mới nào, mà cần phải xác định được con đường lây lan lây lan của virus.
Arinjay Banerjee, nhà virus học tại Tổ chức vaccine và bệnh truyền nhiễm ở Saskatchewan, Canada cho biết: “Khả năng cao vẫn là virus đến từ nơi có các loài động vật hoang dã”. Chuyên gia này lưu ý, việc virus lây từ động vật sang người là điều phổ biến trong tự nhiên. Trước đó, các nhà khoa học đã xác định được 2 chủng virus corona ở loài dơi đã gây ra dịch SARS và dịch MERS khi lây sang người.
Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa phải là tất cả. “Có những xác suất và có nhiều khả năng. Bởi vì chưa ai xác định được một loài động vật nào mang virus giống 100% virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nên vẫn còn chỗ để các nhà nghiên cứu xem xét những yếu tố khác”.
Mất bao lâu để xác định nguồn gốc virus?
Để xác định được chính xác nguồn gốc của 1 loại virus cần rất nhiều thời gian và công sức. Công việc này không hề dễ dàng. Trước đây, các nhà khoa học đã không thể xác định được nguồn gốc của căn bệnh đậu mùa trước khi nó bị xóa sổ thông qua chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Đối với Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) – một căn bệnh do virus corona gây ra, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được virus này vào tháng 2/2003. Cuối năm đó, họ phát hiện ra vật chủ trung gian lây truyền bệnh là loài cầy hương Hymalaya, được tìm thấy tại một chợ bán động vật hoang dã ở Quảng Đông, Trung Quốc. Nhưng phải mãi đến năm 2017, các nhà nghiên cứu mới xác định được virus gây dịch SARS có nguồn gốc từ loài dơi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Điều gì xảy ra sau 90 ngày?
Nhiều nhà khoa học cảnh báo, cuộc điều tra kéo dài 90 ngày khó có thể tìm ra câu trả lời chính xác. Nhà nghiên cứu Stephen Morse tại Đại học Columbia cho biết: “Ngay cả trong những tình huống tốt nhất, chúng ta vẫn khó có được câu trả lời chắc chắn, mọi thứ chỉ là tương đối mà thôi”.
Chưa kể, bất cứ một phát hiện nào mới cũng sẽ gây bão về mặt chính trị, đặc biệt nếu có bằng chứng mới được đưa ra ánh sáng nhằm củng cố hoặc bác bỏ một trong hai giả thuyết trên. Trong trường hợp các nhà điều tra Mỹ không thể đưa ra được kết luận dứt khoát thì điều này có thể gây bất lợi cho Tổng thống Biden, cũng như tạo đà cho những người theo đuổi thuyết âm mưu. Hơn nữa, cuộc điều tra chắc chắn sẽ gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.
“Điều đó sẽ gây khó khăn cho nỗ lực thuyết phục Trung Quốc cho phép một nhóm điều tra khác đến Vũ Hán, hoặc là Bắc Kinh vẫn miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện của các điều tra viên nhưng không cho phép họ tiếp cận đầy đủ”, ông Yanzhong Huang nói./.