Ngoại trưởng Israel Yair Lapid vừa có chuyến thăm tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Israel tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất kể từ khi hai quốc gia ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ năm ngoái (2020).
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký một thỏa thuận kinh tế và thương mại song phương. Cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Israel Lapid đã dự lễ khánh thành Đại sứ quán đầu tiên của Nhà nước Do Thái tại Vùng Vịnh và khai trương Tổng Lãnh sự quán Israel tại thành phố Dubai.
Động thái chìa cành ô liu của chính phủ Israel diễn ra trong bối cảnh chính phủ mới của nước này lên nắm quyền được 2 tuần cho thấy, ưu tiên hàng đầu của tân chính phủ Israel đặt vào các đối tác vùng Vịnh và báo hiệu một sự tái điều chỉnh chính sách của Israel với khối Arab trong khu vực.
Đột phá mới trong quan hệ với UAE nói riêng và khối Arab nói chung
Chuyến thăm của tân Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tới UAE là bước đột phá mới trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước ký thỏa thuận hòa bình. Nếu thỏa thuận Abraham là thỏa thuận lịch sử đối với hòa bình Trung Đông thì chuyến thăm vừa qua của Ngoại trưởng Lapid được coi là chuyến thăm lịch sử, một thắng lợi ngoại giao và là bước quan trọng để xây dựng một khu vực Trung Đông hòa bình, thịnh vượng và ổn định hơn.
Chuyến thăm thu hút sự chú ý của dư luận khu vực và quốc tế bởi có tính chất là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Israel tới vùng Vịnh kể từ khi Israel ký thỏa thuận hòa bình với UAE và Bahrain vào tháng 9 năm ngoái. Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Yair Lapid đã khai trương Đại sứ quán Israel tại thủ đô Abu Dhabi và Lãnh sự quán tại Dubai, hai cơ quan ngoại giao đầu tiên tại vùng Vịnh. Ngoài ra, hai bên đã ký thỏa thuận về Hợp tác Kinh tế và Thương mại song phương, là thỏa thuận thứ 12 giữa hai nước trong vòng 9 tháng sau khi bình thường hóa quan hệ, qua đó mở ra cánh cửa cho một loạt các thỏa thuận tiếp theo. Điều này được thể hiện bằng tuyên bố chung giữa Ngoại trưởng hai nước, trong đó khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn đối thoại chiến lược, mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ trong tương lai gần để giải quyết các thách thức khu vực và nắm bắt các cơ hội vì lợi ích của cả hai quốc gia và toàn khu vực.
Có thể nói, chuyến thăm không chỉ là dấu ấn thành công về mặt ngoại giao, mà còn là một bước ngoặt gỡ “nút thắt” và mở ra giai đoạn mới trong việc hợp tác ngày càng sâu rộng, thực chất, tin cậy giữa hai nước trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, môi trường và đặc biệt là an ninh và phát triển công nghệ cao. Tại lễ khánh thành đại sứ quán của Israel ở Abu Dhabi, ông Lapid đã gọi sự kiện này là "lịch sử" và nhấn mạnh hòa bình không phải là thỏa hiệp mà là chiến thắng của tất cả những gì tốt đẹp. Israel là lựa chọn hòa bình và muốn hòa bình với tất cả các nước láng giềng. Trong khi đó, UAE cũng rất coi trọng chuyến thăm của ông Lapid và đây là dấu hiệu ưu tiên trong phát triển quan hệ với Israel.
Những toan tính của Israel trong hành trình bình thường hóa quan hệ với khối Arab
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lapid tới UAE đã gửi đi hai thông điệp về mặt đối nội và đối ngoại. Về đối nội, chuyến thăm là thử nghiệm lớn thành công đầu tiên giúp xóa bỏ những nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của chính phủ liên minh mới, vốn chỉ được Quốc hội Israel thông qua với số phiếu tối thiểu, đồng thời thể hiện dấu ấn của ông Lapid với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Israel.
Với thế mạnh là một chính trị gia có sức hút và kỹ năng giao tiếp tốt, ông Lapid đã dành nhiều thời gian trong chuyến thăm để trao đổi về hợp tác, trong đó có cả các vấn đề về tôn giáo và triết học. Điều này tạo ấn tượng gần gũi, đặc biệt với các nước vùng Vịnh có truyền thống coi trọng các mối quan hệ cá nhân. Chính phủ mới của Israel đang nỗ lực thoát khỏi các chính sách của chính quyền tiền nhiệm bằng cách cân bằng trong các mối quan hệ đối ngoại. Ngoại trưởng Lapid đã tận dụng những kinh nghiệm phong phú trong những năm tháng làm việc dưới nội các của cựu Thủ tướng Netanyahu, để thúc đẩy triển khai Hiệp định Abraham và mở ra mối quan hệ vì những lợi ích thực sự, hữu hình.
Về mặt đối ngoại, thông qua chuyến thăm lịch sử này, chính phủ Israel muốn chứng minh xu hướng bình thường hóa quan hệ với thế giới Arab không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội các ở Israel, mà ngược lại ngày càng được đẩy mạnh hơn nữa. Mối quan hệ sâu rộng giữa Israel – UAE sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia Arab khác thay đổi đường lối đối ngoại theo hướng cởi mở hơn với Israel. Xu hướng này sẽ ngày càng được củng cố bởi sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Mặc dù có những điều chỉnh về mặt đối ngoại, song chính sách của chính phủ mới của Israel đối với Iran không thay đổi. Israel vẫn coi Iran là đối thủ lớn nhất cần kiềm chế, nhất là sau khi phe bảo thủ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này. Vì vậy, việc củng cố quan hệ với các nước vùng Vịnh của Israel cũng nhằm mục đích là kiềm chế Iran.
Tác động lên tiến trình hòa bình Trung Đông trong thời gian tới?
Chính phủ mới của Israel không thay đổi chiến lược trong quan hệ với các nước Arab mà có thể coi là sự kế thừa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với chính phủ tiền nhiệm. Do vậy, điều này không ảnh hưởng lớn đến thực trạng của cuộc xung đột Israel-Palestine. Có thể nhận thấy, chuyến thăm lịch sử của một Ngoại trưởng Israel tới UAE diễn ra trong bối cảnh Israel và Palestine vừa trải qua một đợt leo thang bạo lực nghiêm trọng nhất ở dải Gaza kể từ năm 2014, khiến tiến trình giải quyết xung đột Israel-Palestine càng gặp thêm trở ngại, bất chấp có những nỗ lực trung gian của Ai Cập và cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy vấn đề xung đột Israel-Palestine đang ngày càng được tách riêng và có thể coi là bị “đóng băng” trong xu thế cải thiện quan hệ giữa thế giới Arab và Israel.
Nguyên nhân của vấn đề này có thể là do sự điều chỉnh quan điểm của các nước Arab theo hướng thực tế hơn, bởi tiến trình hòa bình Trung Đông đã kéo dài nhiều thập kỷ mà chưa thể giải quyết. Vì vậy, mối quan tâm của các nước đối với vấn đề này có phần suy giảm khi đặt lên bàn cân so sánh với các lợi ích quốc gia khác như hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ với nhà nước Do Thái, một đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực. Không những vậy, xu thế chuyển từ đối đầu sang hợp tác ngày càng được củng cố bởi những điểm tương đồng về lợi ích khác giữa hai bên như có cùng mối quan tâm, lo ngại đối với chương trình hạt nhân của Iran, hay nhu cầu hợp tác để đối phó với những thách thức mới như đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, nhiều quốc gia Arab đang trải qua giai đoạn chuyển đổi từ thế hệ lãnh đạo cũ sang một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung, cởi mở và thực tế hơn với Israel và họ không còn giữ quan điểm truyền thống trong vấn đề Palestine. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ tiếp tục bị ngưng trệ trong thời gian tới./.