Đây là sự xác nhận mới nhất về mối quan hệ đang xấu đi giữa quân đội 2 nước, kể từ sau khi Pháp và các đồng minh châu Âu hồi tháng 2 tuyên bố rút quân khỏi Mali sau gần 10 năm tham chiến. Nhà chức trách Mali cho biết đã thông báo cho phía Pháp về quyết định này và sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày thông báo.

Lý do khiến Mali hủy bỏ các thỏa thuận quốc phòng với Pháp

Thứ nhất, Pháp và Mali có mối quan hệ lịch sử. Nước này từng là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1960 nhưng vẫn có những hiệp định chẳng hạn như Paris có quyền hợp pháp để thu được bất kỳ nguyên liệu thô nào được phát hiện ở đó và độc quyền các hoạt động an ninh, huấn luyện quân sự. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Pháp dưới bất kỳ hình thức nào đều bị người Mali coi là “sự chiếm đóng”.

Thứ hai, mặc dù các lực lượng của Pháp được chào đón khi đến Mali cách đây 9 năm, nhưng các mối quan hệ đã trở nên căng thẳng kể từ đó. Số lượng các vụ tấn công khủng bố ở nước này tăng, cũng như hàng triệu người tham gia các nhóm nổi dậy. Trong 9 năm qua, mối đe dọa cực đoan cũng đã lan sang các quốc gia khác như Burkina Faso và Niger. Nhiều người Mali cho rằng Pháp, với tư cách là một cường quốc quân sự tiên tiến đã không thể giải quyết vấn đề khủng bố và nên rời đi.

Thứ ba, những gương mặt mới lên nắm quyền ở Mali không có xu hướng hợp tác với Pháp. Thay vào đó, họ có xu hướng thân Nga. Bởi hầu hết lãnh đạo mới của Mali đều học các khóa đào tạo ở Nga. Quân đội do Đại tá Guetta lãnh đạo kể từ khi lên nắm quyền đã muốn hợp tác quân sự với Nga như một giải pháp thay thế cho các phương pháp tiếp cận quân sự, đặc biệt là với Pháp.

Thứ tư, trong năm 2019 Mali và các công ty của Nga đã có nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với việc triển khai 1.000 máy bay chiến đấu của Nga tại Mali và vài tháng trước, hàng trăm binh sĩ Nga đã được triển khai tại Timbuktu để huấn luyện các lực lượng Mali trong một căn cứ quân sự mà quân Pháp mới bỏ hoang. Sự xuất hiện của các lực lượng Nga đã dẫn đến những căng thẳng hiện nay của Mali và Pháp.

Thứ năm, Thủ tướng trong chính phủ chuyển tiếp của Mali, Shogul Maiga đã cáo buộc Pháp chia rẽ nội bộ Mali khi can thiệp quân sự vào năm 2013 với lý do chống lại al-Qaeda.

Pháp đang thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố hồi giáo tại Tây Phi?

Những gì đang diễn ra tại Malithực sự là một thất bại về mặt chính sách đối ngoại-an ninh của các đời chính quyền Pháp. Sự thất bại này được tích tụ từ các bất hợp lý từ thời Tổng thống Francois Hollande, khi Pháp phát động chiến dịch quân sự “Serval” ở Mali, rồi kéo dài cho đến thời Tổng thống Emmanuel Macron với chiến dịch quân sự Barkhane.

Hơn 9 năm tham chiến ở Mali và khu vực Sahel, quân đội Pháp đã không thực sự thành công về mặt quân sự, trong khi quan hệ với các lực lượng nắm quyền tại Mali thì ngày càng xấu đi. Dĩ nhiên vào thời điểm hiện nay, phía Pháp cho rằng mấu chốt của việc đổ vỡ quan hệ Pháp-Mali là do thái độ thù địch của nhóm tướng lĩnh đang nắm quyền sau đảo chính tại Mali cũng như tác động của mối quan hệ giữa nhóm tướng lĩnh này với công ty an ninh tư nhân Wagner của Nga.

Tuy nhiên, gốc rễ của sự rạn nứt trong quan hệ Pháp-Mali đã có từ nhiều năm trước, vì nhiều lí do. Đầu tiên, có thể kể đến việc sau 9 năm can thiệp quân sự vào Mali, Pháp vẫn không thể giúp Mali ổn định được thành phố Kidal ở miền Bắc và nơi đây vẫn được xem như căn cứ địa của phiến quân Touareg.

Tiếp đến, thoả thuận Alger 2015 mà chính quyền Mali ký với các nhóm phiến quân ở miền Bắc Mali mà Pháp là một bên đóng vai trò hoà giải hầu như không được áp dụng. Đến tháng 01/2020, Pháp tổ chức Hội nghị ở thành phố Pau ở miền Nam nước Pháp sau vụ 13 lính Pháp bị phục kích sát hại tại Mali và trong hội nghị đó phía Pháp chỉ trích các chính quyền Mali và Burkina Faso rất gay gắt. Việc này bị phía Mali xem như là một sự sỉ nhục.

Một số chuyên gia về châu Phi tại Pháp cho rằng, ở một số thời điểm, sự thể hiện của Pháp mang tính áp đặt khi Pháp tự coi là mình hiểu Mali hơn người Mali. Có lẽ đó chính là các nguồn cơn gây nên sự bất mãn lâu dài. Tuy nhiên, quan trọng nhất là về mặt quân sự: sau 9 năm Pháp đưa quân vào Mali, các số liệu cho thấy tình hình an ninh tại khu vực này vẫn xấu đi. Từ năm 2015, đã có hơn 23500 người thiệt mạng vì xung đột tại 3 quốc gia là Mali, Burkina Faso và Niger, trong đó riêng tại Mali là hơn 10 ngàn người. Các nhóm khủng bố vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động khắp khu vực, đặc biệt về hướng Tây Phi. Vì thế, ngày càng nhiều người dân tại Mali cho rằng sự hiện diện quân sự của Pháp kém hiệu quả. 

Khoảng trống an ninh khu vực

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda đều tập trung vào khu vực Sahel ở châu Phi, sau những thất bại ở Trung Đông. Khu vực Tây Phi này đang được cảnh báo là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố, cực đoan và sẽ là nơi hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố. Do đó, chính phủ các nước láng giềng Mali như Chad, Niger, Mali, Burkina Faso và Mauritania đều lo ngại rằng việc Pháp rút khỏi Mali có thể gây bất ổn thêm cho khu vực.

Bờ Biển Ngà và các nước trong khu vực đã cảnh báo rằng điều này sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị, an ninh. Các nước cũng hối thúc Liên Hợp Quốc giữ lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali bất chấp sự ra đi của Pháp. Bởi ngay cả khi hơn 5 nghìn binh sĩ Pháp hiện diện ở Mali thì IS và al-Qaeda vẫn kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Mali và dọc theo biên giới với Niger, Burkina Faso đồng thời là mối đe dọa với các nước khu vực Tây Phi này.

Gần 9 năm tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Mali nhưng quân đội Pháp được đánh giá là không hiệu quả khi để hơn 8.000 người trong đó đa số là dân thường bị giết ở Mali, Niger và Burkina Faso kể từ năm 2013 đến nay. Hai nhóm cực đoan khác cũng đang hoạt động ở khu vực Sahel là Ansar al-Islam và Boko Haram. Các tổ chức này luôn là mối đe dọa của khu vực với nhiều cuộc tấn công khủng bố quy mô trong thời gian qua.

Cuộc khủng hoảng của Mali không chỉ phụ thuộc sự tự lực của quân đội trong việc chống đỡ các cuộc tấn công của cực đoan, khủng bố mà còn phụ thuộc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan của quá trình chuyển đổi chính trị sau cuộc đảo chính năm ngoái. Nhóm ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mali và các nhà lãnh đạo quân sự của nước này. Ngoài ra, sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nga, Pháp, Mỹ và châu âu cũng khiến cho Mali dễ bị cuốn vào cuộc chiến ủy nhiệm và bất ổn gia tăng. Cuộc khủng hoảng ở Mali chắc chắn sẽ trầm trọng hơn, an ninh bất ổn và kinh tế vốn đã kiệt quệ càng tồi tệ hơn.

Thách thức đối ngoại nào cho Tổng thống Pháp Macron trong nhiệm kỳ 2

Nhằm giảm nhẹ mức độ thất bại của Pháp, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Âu-Phi giữa tháng 02/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hội đàm cùng nhiều lãnh đạo châu Phi để thảo luận về việc Pháp chấm dứt hoạt động quân sự tại Mali và tái triển khai lực lượng sang quốc gia khác trong khu vực.

Pháp nhấn mạnh rằng đây là các hoạt động chống khủng bố mà Pháp và các đối tác châu Âu cùng tiến hành chứ không phải hành động đơn lẻ của Pháp, tức là Pháp không thất bại một mình. Pháp chấm dứt chiến dịch Barkhane nhưng châu Âu cũng phải chấm dứt chiến dịch Takuba.

Thực tế, Pháp chưa muốn từ bỏ hoàn toàn các hoạt động quân sự tại khu vực Sahel vì nhiều lí do. Về mặt an ninh, điều này xuất phát từ chiến lược an ninh mà Pháp đề ra từ nhiều năm nay, đó là phải chống khủng bố từ gốc. Pháp cho rằng nếu không ngăn chặn các lực lượng khủng bố ngay từ đầu nguồn, tức tại các căn cứ địa của các lực lượng này thì sớm hay muộn khủng bố cũng sẽ lan sang châu Âu, tấn công nước Pháp và châu Âu trên lãnh thổ Pháp. Do đó, trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố hồi giáo cực đoan vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và lại bắt đầu bám rễ mạnh tại châu Phi sau khi bị đẩy khỏi Trung Đông, thì Pháp vẫn muốn theo đuổi chiến lược chống khủng bố tại châu Phi.

Tuy nhiên, về sâu xa, sự hiện diện quân sự của Pháp tại khu vực châu Phi liên quan đến lợi ích chiến lược của nước Pháp. Sách trắng về quốc phòng của Pháp luôn coi châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu với nước Pháp, chỉ sau khu vực châu Âu. Đây là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp, với đa số các quốc gia vốn là thuộc địa cũ của Pháp và vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của Pháp về ngôn ngữ, văn hoá, kinh tế, quân sự.

Châu Phi được coi là tương lai của thế kỷ 21, là nơi cung cấp động lực phát triển chính và cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược của các cường quốc. Trung Quốc, Nga đang hiện diện rất mạnh tại châu Phi, Mỹ cũng đang tính toán quay trở lại, Anh, Đức cũng coi châu Phi là địa bàn chiến lược của mình. Do đó, Pháp sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ lớn trong những năm tới. Mali chính là ví dụ rõ nhất về việc Pháp đang mất dần ảnh hưởng vào tay đối thủ, ở đây là Nga. Vì thế, Pháp vẫn cần có sự hiện diện quân sự lâu dài tại Sahel, phải củng cố các mối quan hệ đối tác với các nước khác như Niger, Burkina Faso.

 Thất bại tại Mali đặt ra bài toán khó cho Tổng thống Emmanuel Macron nhưng cũng sẽ vẫn là chiến lược lâu dài mà ông Macron phải theo đuổi, dù ở thời điểm này cuộc chiến tại Ukraine đã chiếm quá nhiều thời gian và nguồn lực của ông Macron. Đối với Pháp, thách thức trước mắt là việc giải quyết mâu thuẫn với Mali một cách ổn thoả, trong đó có việc chuyển giao các căn cứ quân sự, tiếp đến là tái triển khai các lực lượng này một cách hợp lý sang các quốc gia lân cận./.