Bất đồng nội bộ và những toan tính riêng
Đảng Cộng hòa phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan trong cách đối phó với cựu Tổng thống Donald Trump. Việc có tới 45 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu bác bỏ phiên xét xử luận tội ông Trump lần thứ hai cho thấy vấn đề phức tạp mà đảng này phải đối mặt khi có những luồng quan điểm khác biệt trong nội bộ và mỗi bên đều có những động cơ riêng.
Một bên là những tiếng nói phản đối ông Trump, đặc biệt là các Thượng nghị sỹ Susan Collins, Lisa Murkowski, Mitt Romney, Ben Sasse và Pat Toomey. Trong khi đó, phần còn lại đều là những “tín đồ” thực sự của ông Trump như Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, Ted Cruz và Josh Hawley, những người muốn “lấy lòng” cử tri ủng hộ ông Trump cho nỗ lực tranh cử tổng thống trong tương lai.
Có một số nhân vật bảo thủ ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến như Thượng nghị sỹ Tom Cotton và Rand Paul, những người tin rằng phiên xét xử luận tội ông Trump ở Thượng viện là vi hiến, nhưng vẫn “im lặng” về việc sẽ bỏ phiếu như thế nào.
Một số nhân vật có tính toán chính trị như Thượng nghị sỹ Marco Rubio và John Thune, thì muốn tránh bị “phản đòn” ở quê nhà trong nỗ lực tái tranh cử vào 2022.
Một số nhân vật khác giữ thái độ trung lập như Thượng nghị sỹ Roy Blunt, dù chỉ trích những người tham gia cuộc bạo động hôm 6/1 tại Điện Capitol nhưng không thừa nhận việc ông Trump kích động bạo loạn.
Một số thượng nghị sỹ, trong đó có Mitch McConnell và Rob Portman, có thể bỏ phiếu chống lại ông Trump trong phiên xét xử luận tội, nhưng khó có khả năng có tới 17 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ cùng 50 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đảm bảo đa số 2/3 để kết tội ông Trump. Dù vậy, mọi tình huống đều có thể xảy ra.
Nhóm pháp lý của ông Trump đã “rút lui” vì do những bất đồng về chiến lược biện hộ tại phiên xét xử luận tội ở Thượng viện. Ông Trump muốn họ tập trung vào các cáo buộc gian lận bầu cử hơn là cáo buộc kích động bạo loạn. Hiện ông Trump đã công bố nhóm luật sư mới, nhưng vẫn chưa rõ họ có làm theo mong muốn của ông hay không.
Nếu ông Trump vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm này, các cáo buộc vô căn cứ có thể khiến các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa nổi giận, thúc đẩy họ bỏ phiếu kết tội ông. Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo với cả ông Trump và đảng Cộng hòa?
Tùy thuộc vào kết quả luận tội, điều này có thể dẫn tới 2 khả năng. Một là kịch bản trong đó cựu Tổng thống sẽ đóng vai trò ngày càng bị suy yếu dần trong các vấn đề của đảng – điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu ông Trump bị kết tội. Tuy nhiên, nếu ông được tuyên vô tội, kịch bản sẽ đảo chiều, sức ảnh hưởng của ông Trump tiếp tục gia tăng và ông sẽ tìm cách tái tranh cử tổng thống.
Kịch bản ảnh hưởng của ông Trump bị suy yếu
Kịch bản ảnh hưởng của ông Trump bị suy yếu sẽ đặt ra những trở ngại mà ông phải đối mặt về sau. Nhà phân tích Richard N. Bond của CNN cho rằng đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất với ông Trump, cho dù ông có bị kết tội hay không. Theo kịch bản này, ông Trump vẫn có sức ảnh hưởng nhưng không chiếm vai trò chi phối, và kết quả là ông sẽ không tìm cách tái tranh cử năm 2024.
Tỷ lệ tín nhiệm ông Trump, trong đó bao gồm cả các thành viên đảng cộng hòa, sẽ giảm mạnh do các bằng chứng dự kiến được đưa ra trong phiên xét xử luận tội như báo cáo của cảnh sát về những người tham gia bạo động bị bắt giữ. Những người này khai nhận họ làm theo lời kêu gọi của ông Trump.
Ngoài ra, phải kể đến trường hợp quyền Bộ trưởng Quốc phòng chính quyền Trump, Christoppher Miller, người từng nói với Vanity Fair rằng đêm trước hôm xảy ra bạo loạn, ông Trump đã khuyên ông nên điều 10.000 vệ binh quốc gia tới kiểm soát đám đông. Điều này cho thấy ông Trump biết cuộc biểu tình có thể vượt tầm kiểm soát trước khi ông kêu gọi những người ủng hộ cần “đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa” và "thể hiện sức mạnh” vào ngày 6/1.
Không có truyền thông xã hội, ông Trump cũng mất phương tiện hiệu quả nhất trong việc thuyết phục những người ủng hộ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, trong khi không hề đưa ra bất cứ bằng chứng nào về gian lận. Washington Post đã chỉ ra 30.573 tuyên bố sai lầm và gây hiểu lầm mà ông Trump đưa ra khi còn là Tổng thống. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, thông tin sai lệch về gian lận bầu cử đã giảm tới 70% trong tuần sau khi các tài khoản mạng xã hội của ông Trump bị khóa.
Ông Trump cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề pháp lý. Tổng chưởng lý New York Letitia James đã điều tra gian lận thuế đối với tập đoàn Trump. Trong khi đó, Luật sư quận Manhattan Cyrus Vance cũng tiến hành điều tra cáo buộc trả tiền bịt miệng 2 người phụ nữ cùng các cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của ông Trump.
Ngoài ra, ông cũng có nguy cơ đối mặt với nhiều cáo buộc liên bang khác. Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Richard Neal (đảng Dân chủ) đã kêu gọi Bộ Tài chính của chính quyền Tổng thống Biden đệ trình các bản khai thuế của ông Trump lên Quốc hội. Những rắc rối pháp lý này sẽ đe dọa ông Trump trong nhiều năm, và những thông tin về các tội mà ông Trump có thể phạm phải - hoặc thực tế đã phạm phải - sẽ càng làm suy giảm sức ảnh hưởng của ông.
Ông Trump cũng gặp phải những rắc rồi về tài chính. Một loạt ngân hàng, trong đó có Deutsche Bank, Signature Bank, Bank United Inc. và Professional Bank không còn làm việc với cựu Tổng thống Mỹ - người có khoảng 421 triệu đến 1,1 tỷ USD tiền nợ đến hạn trong 4 năm tới, theo New York Times, Financial Times và Forbes.
Dù ông Trump có lịch sử dài “thoát” khỏi những khó khăn tài chính, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tìm cách “xa lánh” ông để giảm bớt những rắc rối pháp lý không đáng có.
Nếu không bị kết tội, ông Trump sẽ vẫn có vai trò chi phối?
Sự hạn chế của truyền thông xã hội, các thủ tục tố tụng tiềm tàng và các vấn đề tài chính nghiêm trọng có thể sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực trở lại của ông Trump.
Tuy nhiên, với khả năng vượt qua những trở ngại lớn một cách khó tin của ông Trump, cần phải xem xét tới kịch bản thứ hai: ảnh hưởng của ông Trump sẽ tiếp tục gia tăng trong đảng Cộng hòa. Theo kịch bản này, ông sẽ tiếp tục gây quỹ tài trợ và duy trì ảnh hưởng chính trị và cuối cùng, ông sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 2024.
Ông Trump có thể kết nối lại với các cử tri trung thành và kiếm tiền từ những người ủng hộ. Theo ước tính, mạng truyền hình Trump (nếu hoạt động) có thể thu phí 5 USD/tháng với 5 triệu khách hàng và thu về 300 triệu USD/năm. Ngoài ra, nếu lấy lại được quyền truy cập vào danh sách email, đã bị nhà cung cấp kỹ thuật số Salesforce đình chỉ sau cuộc bạo động, ông Trump có thể cung cấp bản tin kỹ thuật số trả phí theo tháng. Chiến dịch của ông có khoảng 20 triệu địa chỉ email của những người ủng hộ, vì vậy đây có thể là một công cụ kiếm tiền đáng kể.
Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình của ông Trump trên NewsMax hoặc AmericaOne cũng có thể vừa phục vụ chiến lược kiếm tiền, vừa đảm bảo kết nối với những ủng hộ.
Sự ủng hộ và các cuộc vận động chính trị cũng có thể đảm bảo ông Trump vẫn là mối quan tâm của công chúng. Sự ủng hộ của ông Trump được săn đón rộng rãi, đặc biệt là từ các ứng cử viên đảng Cộng hòa muốn giúp ông “đáp trả” các thành viên đảng này ở Hạ viện và Thượng viện - những người công khai ủng hộ việc luận tội.
Cuộc gặp gần đây của Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy với ông Trump thảo luận về sự tham gia của ông vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 cho thấy các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn tin tưởng khả năng thu hút cử tri của ông Trump.
Về cơ bản, Trump có những ảnh hưởng nhất định khiến các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cần phải tính toán cũng như có thể ngăn cản một số lá phiếu ủng hộ kết tội ông tại Thượng viện.
Chiến thuật công kích cùng khả năng thu hút và giữ chân các cử tri trung thành sẽ là những “công cụ” mà ông Trump có thể sử dụng để duy trì ảnh hưởng và kiểm soát đảng Cộng hòa trong tương lai./.